Đại học Hoa Sen – HSU

Hội thảo “Chuyển đổi số và an toàn thông tin – Sự sống còn của doanh nghiệp”

Chuyển đổi số đang trở thành ưu tiên hàng đầu đối với hết các tổ chức ở mọi lĩnh vực. Đại dịch COVID-19 là một lời cảnh tỉnh rõ nhất đối với các doanh nghiệp; nếu không chuyển đổi kịp thời thì khó có thể thích nghi, tối ưu hoạt động doanh nghiệp và tồn tại trong môi trường kinh doanh đầy thách thức và cạnh tranh gay gắt.

Nắm bắt được vấn đề này, vào sáng ngày 23/04/2022, tại Trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng, Khoa Công Nghệ Thông Tin – Trường Đại học Hoa Sen đã phối hợp với PwC – một doanh nghiệp trong nhóm Big 4 chuyên về các dịch vụ kiểm toán và tư vấn lừng lẫy thế giới và đến từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, đại diện tiêu biểu cho chuyển đổi số mạnh mẽ tại Viêt Nam – Ngân hàng Nam Á – tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số và an toàn thông tin – Sự sống còn của doanh nghiệp”. Hội thảo thu hút gần 200 người tham gia là các Giảng viên, Sinh viên quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và an toàn thông tin.

Vậy chuyển đổi số là gì? Mục đích của chuyển đổi số? Trong chuyển đổi số, an toàn thông tin có vai trò như thế nào? Cơ hội cho các ngành nghề và đặc biệt ngành công nghệ thông tin sẽ ra sao trong thời đại này? Tất cả đều được giải đáp bởi các Chuyên gia là các khách mời đến với hội thảo:

  • Ông Phó Đức Giang – Giám đốc dịch vụ tư vấn an ninh mạng và bảo mật, Công ty PwC
  • Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên – Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Nam Á
  • TS Lê Đình Phong, Trưởng Khoa, Khoa Công Nghệ Thông Tin – Trường Đại học Hoa Sen
TS Lê Đình Phong, Trưởng khoa, Khoa CNTT chia sẻ về các nội dung của hội thảo

1. Chuyển đổi số và mục đích của chuyển đổi số:

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là quá trình doanh nghiệp tích hợp và áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào các hoạt động của tổ chức. Về mục đích của chuyển đổi số, ông Giang chia sẻ 02 mục đích cốt lõi sau đây:

  • Tối ưu hóa chi phí vận hành của doanh nghiệp: bằng cách tự động hóa, số hóa các quy trình, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được các loại chi phí để mang lại lợi nhuận tốt hơn.
  • Gia tăng trải nghiệm khách hàng: giữa các doanh nghiệp, ngoài cạnh trạnh về sản phẩm, dịch vụ, nếu doanh nghiệp nào hiểu được khách hàng, “chạm đến được trái tim” của khách hàng thì họ sẽ chiến thắng trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình. Ông đưa ra một ví dụ điển hình cho mục đích này là doanh nghiệp Grab. Ngay từ lúc Grab bắt đầu xuất hiện trên thị trường và cho đến nay, Grab đã liên tục thay đổi, không phải chỉ thay đổi về tính năng mà còn về trải nghiệm khách hàng trên ứng dụng của mình.
Các sinh viên quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số đến tham dự hội thảo.

Bên cạnh đó, ông Giang cũng chia sẻ: theo thống kê của PwC, sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bao gồm 04 yếu tố sau đây:

  • Doanh nghiệp phải có tư duy về chuyển đổi số để biến những thay đổi thành hành động.
  • Có khả năng thích ứng và sẵn sàng chấp nhận với những thay đổi của thị trường.
  • Phải quyết tâm và đầu tư lâu dài vào chuyển đổi số để tạo ra được những lợi thế cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp.
  • Chú trọng đào tạo con người để họ có thể bắt kịp và thích ứng được với việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ông Giang đưa ra một số doanh nghiệp điển hình rất thành công trong chuyển đổi số như: Netflix, Sony, Amazon, Unilever, Nestle, …

2. Tại sao an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số

Chia sẻ về vấn đề an toàn thông tin trong chuyển đổi số, Ông Giang đưa ra một số dẫn chứng về sự cố của một vài doanh nghiệp như:

  • Tin tặc đánh cắp 60 triệu đô la từ một ngân hàng Đài Loan
  • Facebook mất khoảng 13 tỷ đô la sau khi vi phạm dữ liệu ảnh hưởng đến 50 triệu người dùng
  • Cổ phiếu Thế giới di động “bốc hơi” hơn 640 tỷ đồng vì bị hack
  • v.v…

Như vậy, mặc dù cơ chế bảo mật thông tin nội bộ của doanh nghiệp có thể mạnh mẽ để ngăn chặn các mối de dọa, nhưng chỉ cần một cuộc tấn công thành công là quá đủ để là tổn hại đối với doanh nghiệp. Diễn giả này còn nhấn mạnh rằng: có nhiều cách tấn công vào hệ thống, tuy nhiên, cách đơn giản nhất là tấn công vào những người dùng yếu kém nhất (những người dùng không am hiểu về Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin) bằng cách cài mã độc vào file, đính kèm file vào trong mail để khi người dùng click vào sẽ làm tổn hại đến dữ liệu của doanh nghiệp, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về khách hàng. Và khi sự cố về bảo mật thông tin xảy ra, các công ty xử lý và giảm thiểu vi phạm sau đó sẽ trở nên tốn kém hơn rất nhiều.

Ông Giang khẳng định: sau khi chuyển đổi số, dữ liệu chính là tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, bảo mật phải luôn song hành và là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Theo khảo sát của PwC trong năm 2021, toàn cầu cần 3.5 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin với các vai trò quan trọng như:

  • Đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp (chiếm 43%)
  • Đảm bảo an toàn thông tin cho điện toán đám mây (chiếm 40%)
  • Phân tích dữ liệu để đưa ra các cảnh bảo, dự báo về an toàn thông tin (chiếm 37%)

Hội thảo được tổ chức với mong muốn đem đến nhiều thông tin nghề nghiệp  và giúp cho sinh viên khoa CNTT nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh về vấn đề Chuyển đổi số và An toàn thông tin của các doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt, thông qua hội thảo, sinh viên Ngành Hệ thống thông tin quản lýNgành Truyền thông và Mạng máy tính cũng nhận thấy được ngành học này rất quan trọng, đã, đang và sẽ trở thành ngành xu hướng của xã hội trong thời đại 4.0.

Chụp hình kỷ niệm giữa các Diễn giả và Ban lãnh đạo Khoa.

Các bạn có thể xem đầy đủ nội dung chia sẻ của buổi hội thảo trên Fanpage Khoa Công Nghệ Thông Tin – Trường Đại Học Hoa Sen.

Facebook Youtube Tiktok Zalo