Đại học Hoa Sen – HSU

Yêu môi trường, mê sáng tạo, đừng bỏ qua chuyên ngành Thiết kế và Quản lý môi trường

Trước dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường được xem là bài toán chung của thế kỉ 21. Hoa Học Trò đã có cuộc gặp gỡ với thầy Nguyễn Thanh Phong, tiến sĩ, giảng viên bộ môn Quản lý tài nguyên và môi trường tại Đại học Hoa Sen (TP.HCM) để tìm hiểu về chuyên ngành Thiết kế và Quản lý môi trường.

Sáng tạo nhưng thực tế

TS Nguyễn Thanh Phong - Bộ môn Môi trường HSUTS. Nguyễn Thanh Phong

Đúng như tên gọi, chuyên ngành Thiết kế và Quản lý môi trường (TKQLMT) được chia làm hai phần: phần Quản lý với mục tiêu tìm hiểu về tác động của môi trường và phần Thiết kế các giải pháp, hướng tới việc dùng ít tài nguyên thiên nhiên nhất có thể, cũng như tái chế, tái sử dụng.

Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường luôn luôn là vấn đề nóng hổi. Bên cạnh đó, các dự án tái tạo năng lượng tại Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có tiềm năng rất lớn. Do đó, nhu cầu nhân lực trong tương lai chắc chắn sẽ bùng nổ.

Với những ngành nghề liên quan đến Môi trường, sự thực tiễn là không thể thiếu. Các công việc như đánh giá mức độ ảnh hưởng đến không khí, giao thông của dự án xây dựng, đo đạc chất lượng không khí trên đường Nguyễn Kiệm hay chất lượng nước của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quan trắc môi trường), xác định mức độ gây ô nhiễm và tư vấn giải pháp cho các công ty, nhà máy đều đòi hỏi teen giữ một “cái đầu lạnh”.

Dù vậy, teen đừng vội cho rằng đây là ngành học “khô như xương”! Vì với 30% chương trình học là Thiết kế, teen luôn phải động não để nghĩ ra những giải pháp giải quyết các vấn đề về môi trường. Chị Tú Anh (sinh viên) chia sẻ: “Mình nghĩ sáng tạo là điều không thể thiếu trong ngành TKQLMT, tuy nhiên sáng tạo phải dựa trên tình hình thực tiễn hiện tại thì mới ý nghĩa và kiểm soát được các vấn đề môi trường sao cho phù hợp”. Bên cạnh đó, anh Đăng Khoa (sinh viên) cho rằng nếu biết kết hợp yếu tố sáng tạo thì công tác truyền thông sẽ đạt được hiệu quả cao. “Ở thời đại 4.0, việc truyền tải nội dung đều nằm ở thẩm mỹ. Ví dụ như việc truyền tải một thông điệp về môi trường bằng một poster thì bạn phải suy nghĩ thiết kế poster đó như thế nào để mọi người chú ý và đọc tiếp hết những nội dung truyền tải”.

Các phát minh đến từ một số bạn trẻ như ống hút cỏ bàng, ống hút bằng gạo, nhựa sinh học bằng vỏ chuối… đã chứng tỏ nếu biết ứng dụng kiến thức về môi trường vào đời sống, thì công việc sẽ trở nên vô cùng thú vị và sáng tạo!

Thực hành qua những chuyến đi “phượt” 

Học ngành TKQLMT, bạn sẽ được trải nghiệm đời sống của một dân “phượt” qua những dự án phục vụ cộng đồng (service learning). Các bạn sẽ có cơ hội sinh sống cùng người dân ở những nơi đang gặp những vấn đề môi trường và tìm ra giải pháp khắc phục. Các bạn được xuống Bến Tre hướng dẫn nông dân tái sử dụng phân heo, hay thiết kế hệ thống lọc nước cho các làng chưa có nước sạch ở Vĩnh Long. Cách học này để lại ấn tượng với sinh viên, cho thấy ý nghĩa ngành học của các bạn với cộng đồng.


Hoạt động ngoại khóa của sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường HSU.

Anh Minh Đức (sinh viên) chia sẻ: “Qua các chuyến đi giúp đỡ người dân, điều đầu tiên mình cảm nhận được chính là vui. Vui ở đây là mình giúp được người dân cải thiện đời sống, và áp dụng kiến thức mà mình đã học vào thực tế. Điều thứ hai là kinh nghiệm, bởi khi mình đi giải quyết vấn đề giúp người dân thì cần phải đi thực địa sau đó mới đề xuất giải pháp, trong quá trình nghiên cứu và lắp đặt hệ thống đều gặp không ít khó khăn và hệ thống không đạt hiệu quả xử lý như mong đợi. Chính những lần đi như thế mà mình có thêm kinh nghiệm thực tế nhiều hơn”.


Trong làn sóng công nghiệp hiện nay, ô nhiễm môi trường được xem là bài toán chung của thế kỷ 21. Và chuyên ngành Thiết kế và Quản lý môi trường hot hơn bao giờ hết.

Bên cạnh các chuyến “phượt”, các bạn còn có những giờ thực hành, làm mô hình sản phẩm rất năng động. Thầy Phong đã cho nhà Hoa xem các sản phẩm vô cùng độc đáo của các anh chị sinh viên như tấm lót làm từ vỏ hộp sữa, bộ nhấc ly làm từ bã cà phê hay giấy tre. Chị Tú Anh cũng chia sẻ về hệ thống xử lý nước sông thành nước sinh hoạt của chị.

Ý nghĩa là sợi dây kết nối

Một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên các ngành Môi trường là mức độ quan tâm của người dân hiện nay chưa cao. Dù một số bạn trẻ đã ý thức hơn bằng cách sử dụng túi và ly của mình khi mua trà sữa nhưng phần đông vẫn khá thờ ơ với các tin tức về môi trường.

Thầy Phong chia sẻ: những bạn học ngành Môi trường từ bây giờ sẽ đứng trước một cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp. Ở đâu có thử thách, ở đó có ý nghĩa. Thầy Phong cho rằng chính những khó khăn này càng khiến các bạn thêm yêu thích môn học, ngành nghề của mình vì các bạn nhận ra trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Anh Đăng Khoa bộc bạch: “Mình dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia các tổ chức phi lợi nhuận, đi đến các vùng và tạo ra các sản phẩm giải quyết các vấn đề về môi trường cho con người. Mình mong muốn thông qua các hoạt động vì lợi ích cộng đồng để mang đến cho mọi người những giá trị thiết thực hơn về môi trường”.

(Nguồn: Ngân Hồ – Báo Hoa Học trò)

Xem chi tiết bài báo tại đây

Facebook Youtube Tiktok Zalo