Từ phát triển bền vững đến phát triển hòa nhập tại Việt Nam
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, các quốc gia châu Á đang đồng thời phải đối mặt với nhiều hậu quả tất yếu khi phát triển quá nhanh về kinh tế nhưng lại không có sư phát triển, chăm sóc đồng bộ cần thiết về mặt xã hội: sự phân tầng giai cấp, cách biệt giàu nghèo, gãy đổ quan hệ gia đình, v.v. Một bộ phận dân số, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương đang bị gạt ra bên lề sự phát triển chung. Tình trạng khá phổ biến này đòi hỏi các cấp chính quyền phải tích cực tạo ra chính sách phát triển phù hợp và các trường đại học cũng phải tích cực tham gia nghiên cứu về một sự phát triển cân bằng hơn. Sáng ngày 15 tháng 11 năm 2012, trường Đại học Hoa Sen và tổ chức UNIID-SEA (Liên minh các trường đại học và hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á về Phát kiến dành cho phát triển hòa nhập) đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Từ phát triển bền vững đến phát triển hòa nhập tại Việt Nam và giới thiệu dự án nghiên cứu Phát kiến dành cho phát triển hòa nhập” tại cơ sở Cao Thắng.
Những năm gần đây, bên cạnh khái niệm phát triển bền vững (sustainable development), khái niệm phát triển hòa nhập (inclusive development) đang dần dần được nhắc đến tại châu Á. Mục tiêu của phát triển hòa nhập nhằm định hướng phát triển kinh tế kết hợp song song với hỗ trợ sự hòa nhập của các cộng đồng nghèo và chịu thiệt thòi trong xã hội thông qua sự chủ động tham gia của chính bản thân những nhóm người này. Bên cạnh đó cũng xuất hiện sự kết hợp giữa khái niệm phát triển hòa nhập và khái niệm phát kiến mặc dù phát kiến thường do doanh nghiệp thực hiện hoặc phục vụ doanh nghiệp.
Phát kiến dành cho phát triển hòa nhập được định nghĩa như những sáng kiến hay phát minh giúp xóa đói giảm nghèo và tạo cơ hội cho tất cả mọi nhóm người, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi, được tham gia vào việc ra quyết định, tạo ra và biến những cơ hội thành hiện thực. Đồng thời những cộng đồng này cùng được chia sẻ những lợi ích của sự phát triển kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là nếu như thay vì chỉ đơn giản tạo dựng sẵn những mô hình giải pháp và đưa đến áp dụng cho các cộng đồng nghèo và thiệt thòi, liệu chúng ta có thể học được điều gì từ họ và từ đó cùng họ tạo ra giải pháp?
Tại buổi báo cáo chuyên đề, những chủ đề xoay quanh phát triển bền vững và phát triển hòa nhập được trình bày và thảo luận, bao gồm những giải pháp sáng tạo cụ thể cho phát triển bền vững tại Việt Nam như sáng kiến về năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn – công nghệ biogas với chi phí thấp tại Việt Nam (Phó giáo sư – Tiến sĩ Bùi Xuân An, Đại học Hoa Sen), hay mô hình kinh doanh để đạt sự bền vững với ví dụ về mô hình hợp tác xã (Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Đại học Hoa Sen). Khái niệm phát triển hòa nhập và phát kiến dành cho phát triển hòa nhập (Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Đại học Hoa Sen) cũng được giới thiệu lần đầu tiên với học giả Hoa Sen cùng với những điển cứu tiêu biểu tại Đông Nam Á (Tiến sĩ Segundo E. Romero, Đại học Ateneo de Manila).
Buổi báo cáo chuyên đề kết thúc bằng bài giới thiệu dự án do UNIID-SEA tài trợ thực hiện tại Đại học Hoa Sen của bà Mary Grace Santos, quản lý dự án của tổ chức UNIID-SEA. Mục tiêu cụ thể của dự án là sẽ xây dựng một môn học mới về “Phát kiến phục vụ cho phát triển hòa nhập”. Dự án này do Liên minh các trường đại học và hội đồng nghiên cứu quốc gia các nước Đông Nam Á, tổ chức UNIID-SEA (Universities and Councils Network on Innovation for Inclusive Development in Southeast Asia) khởi xướng. Dự án là một trong những chương trình hỗ trợ phát kiến phục vụ cho phát triển hòa nhập trong khu vực Đông Nam Á. Khoa Quản lý chính sách công Ateneo thuộc trường Đại học Ateneo de Manila của Philippines đóng vai trò quản lý dự án khu vực, Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada tài trợ cho dự án, và Đại học Hoa Sen thực hiện dự án nghiên cứu tại Việt Nam. Cùng tham gia chương trình còn có các trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Viện công nghệ Bangdun (Indonesia), trường Đại học Malaya (Malaysia), v.v…
Để xem chi tiết các bài tham luận, xin vui lòng tải tài liệu dưới đây :
– Năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn, công nghệ biogas chi phí thấp tại Việt Nam – PGS. TS. Bùi Xuân An, Đại học Hoa Sen
– Mô hình kinh doanh để đạt sự bền vững – ThS. Hoàng Đức Bình, Đại học Hoa Sen
– Vượt ra khỏi phát triển bền vững tại Việt Nam – TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Đại học Hoa Sen
– Sáng tạo cho phát triển hòa nhập: Điển cứu tiêu biểu tại Đông Nam Á – TS. Segundo E. Romero, Ateneo de Manila University
– Giới thiệu dự án do UNIID-SEA tài trợ thực hiện tại Đại học Hoa Sen – Mary Grace Santos và TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan
Nguyễn Ngọc Hân