Đại học Hoa Sen – HSU

Thực hiện kế hoạch “Bát giác kim cương”

Đã đi trước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân và cuộc kháng chiến đã kết thúc thắng lợi, ngày nay Miền Nam phải đi trước một lần nữa trong công cuộc phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập, cùng cả nước hướng tới những mục tiêu to lớn trong cuộc chinh phục toàn cầu. Có thể tóm lược như thế tinh thần ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi phát biểu kết luận tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa qua.

Đã từ lâu, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận, được biết đến như là vùng kinh tế năng động nhất nước. Đây cũng là vùng lãnh thổ sở hữu nhiều chỉ số chính về phát triển kinh tế  – xã hội đứng đầu cả nước, như giá trị tổng sản phẩm xã hội, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách,…

Trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid- 19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố trong vùng vẫn quyết tâm không thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về thu ngân sách.

Chắc chắn, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có khả năng tạo ra những giá trị to lớn trong mọi hoàn cảnh và do đó, có điều kiện đóng góp mang ý nghĩa quyết định vào sự phát triển chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng đưa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng “bát giác kim cương” không chỉ của quốc gia, mà còn của cả vùng Đông Nam Á. Bởi vậy, cần làm thế nào để vùng đất này luôn có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy các tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Theo ý kiến gần như thống nhất của giới chuyên gia, chìa khoá cho sự phát triển nhanh và bền vững của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là nền tảng mà trên đó, vùng đất này xây dựng vững chắc vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, không gì khác, là cơ chế đặc thù.

Trước hết, cần trao cho chính quyền địa phương các quyền hạn rộng rãi, tất nhiên kèm theo đó là trách nhiệm giải trình rõ ràng, trong việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Các địa phương được chủ động trong việc định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, xác định ngành kinh tế mũi nhọn; được quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất trong giới hạn quy mô hợp lý.

Các địa phương cũng cần được hưởng chế độ riêng về thu hút đầu tư trong, ngoài nước, bao gồm thẩm quyền rộng rãi về xét duyệt dự án đầu tư và áp dụng quy trình riêng về thủ tục xin phép triển khai hoạt động đầu tư.

Cũng trong khuôn khổ chế độ đặc thù về thu hút đầu tư, cần trao quyền để các địa phương chủ động quyết định phát hành trái phiếu nhằm tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, đặc biệt đối với việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Có thể cân nhắc việc cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu trên các thị trường tài chính quốc tế lớn để huy động được nguồn ngoại tệ mạnh phục vụ cho những dự án.

Quan trọng nữa là nên có chính sách điều tiết ngân sách hợp lý nhằm một mặt, bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp xây dựng ngân sách quốc gia, mặt khác, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng nguồn lực tài chính dồi dào để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra.

PGSTS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen

(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần)

>> Chi tiết nội dung

Facebook Youtube Tiktok Zalo