Đại tướng Lê Đức Anh nói về chủ quyền biển đảo
Trả lời phỏng vấn của Đất Việt, Đại tướng Lê Đức Anh, người từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Nhà nước và quân đội, đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm sâu sắc về việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
>> Giải nước cờ thâm nho của TQ
>> ‘Lưỡi bò’ và khát vọng bành trướng
>> Tổng bí thư: Một tấc đất cũng phải bảo vệ
>> Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí thuộc VN
>> Hoàn tất tài liệu để khởi động đàm phán COC
>> Nhân nhượng là mất chủ quyền
>> Phải có đối sách hợp lý với ‘bước đi xa hơn’ của TQ
>> Cực lực phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc
Trước sự việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ngang ngược thông báo mở thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc… Đất Việt đăng tải nội dung trả lời phỏng vấn của Đại tướng Lê Đức Anh về bảo vệ chủ quyền đất nước. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào dịp đầu năm mới Nhâm Thìn 2012.
– Gần đây, vấn đề chủ quyền quốc gia, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Đông được đề cập đến rất nhiều. Theo Đại tướng, điều gì là quan trọng nhất để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình trong thời kỳ hiện nay?
– Vấn đề biển đảo, chủ quyền quốc gia là chuyện của lịch sử, phải hiểu được điều này thì mới có thể xử lý được vấn đề này. Việt Nam chúng ta thì ba chìm bảy nổi trong suốt chiều dài lịch sử. Việt Nam đã từng bị coi là một quận của Trung Quốc. Trong suốt thời gian đó, dân ta chịu sự cai trị hết sức tàn độc của người phương Bắc. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, dân ta vẫn chịu đựng được mọi cực khổ, cơ bản giữ được nước, giữ được những nét văn hóa truyền thống, không để bị đồng hóa. Như vậy, chúng ta phải học ông cha ta: phải hiểu rõ lịch sử để giữ nước.
– Đại tướng đã từng đảm nhận vị trí bộ trưởng Quốc phòng trong giai đoạn việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và giữ hòa khí với một số nước khác không hề dễ dàng. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm quý báu đó.
– Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc phải đặc biệt chú ý đến vấn đề con người. Hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam, nhiều người không có phép. Những người này đã biến một số nơi của Việt Nam thành các khu vực gần như riêng biệt. Đây rõ ràng là một nguy cơ lớn về nhiều mặt, đặc biệt là về an ninh, quốc phòng. Tôi thấy chúng ta xử lý chưa tốt vấn đề người nướ ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đang lao động và sinh sống trên đất nước ta.
Đại tướng Lê Đức Anh: “Dù Trung Quốc có làm gì để chi phối Việt Nam thì chúng ta cũng sẽ vượt qua được mọi khó khăn như đã từng làm”. Ảnh: Bá Mạnh.
Năm 1988, Trung Quốc định chiếm toàn bộ Trường Sa. Lúc đó, tôi đang là Bộ trưởng Quốc phòng, đã trực tiếp ra Trường Sa. Trung Quốc luôn muốn chiếm luôn cả Biển Đông. Chúng ta phải hiểu rõ để phá âm mưu này..
– Ý kiến của Đại tướng về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông như thế nào?
– Về vấn đề trên Biển Đông, tôi có thế nói rằng, cả thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay chính quyền Thiệu và chính quyền Cách mạng miền Nam Việt Nam trước cũng đã lên tiếng bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã sai trong các tranh chấp trên Biển Đông, không chỉ sai so với pháp luật Việt Nam mà sai cả luật pháp quốc tế.
Nói về vấn đề Biển Đông, tôi không nói về những điều xa xôi nữa. Tôi muốn lấy một ví dụ nhỏ như sau để nói về thực hiện chủ quyền. Tại sao hàng hóa Việt Nam cũng tốt mà hàng hóa của Trung Quốc vẫn tràn ngập nước ta. Người Việt Nam có ưu tiên dùng hàng Việt được không? Muốn làm được điều nay, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, từng người dân phải làm tốt để cạnh tranh được với hàng ngoại, trong đó có hàng Trung Quốc. Qua câu chuyện trên, tôi muốn nói là để bảo vệ chủ quyền biển đảo thì không chỉ bảo vệ từ ngoài khơi, mà còn phải bảo vệ từ trong nội địa.
– Nếu chúng ta tôn trọng luật lệ, quy định và giữ hòa khí mà các nước khác không làm như vậy thì chúng ta phải làm thế nào, thưa Đại tướng?
– Tôi khẳng định lại một lần nữa, giữ độc lập, chủ quyền đất nước là mục tiêu, là nhiệm vụ tối thượng, số một, quan trọng nhất. Chúng ta luôn muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị nhưng quyết không đổi chủ quyền để lấy những điều đó. Hòa bình, hợp tác ngang bằng với chủ quyền là cách nói, là mưu đồ của Trung Quốc. Chúng ta nhất quyết không đổi chủ quyền, không đổi đất đai, biển đảo Tổ quốc để lấy hòa bình.
Theo báo Đất Việt online, ngày 3 tháng 7 năm 2012
(Nguồn: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Dai-tuong-Le-Duc-Anh-noi-ve-chu-…)