Đại học Hoa Sen – HSU

Xăng dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải “ngó nhau” tăng giá cước

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã “hội ý nhanh” để bàn về giá cước ngay sau quyết định tăng giá xăng dầu của bộ Tài chính hôm 20.4.Tuy nhiên, do đã điều chỉnh giá cước ngay sau đợt tăng giá xăng dầu lần trước nên các hãng taxi, các doanh nghiệp vận tải xe tải cho biết “đang cân nhắc” và “thăm dò lẫn nhau”.

Tăng giá xăng dầu: Petrolimex kêu đã hết lỗ

Sáng 22.4, trả lời câu hỏi về chuyện lỗ – lãi của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sau quyết định tăng giá xăng dầu thêm 400 – 900 đồng/lít các loại mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng thành viên Petrolimex khẳng định:“Tại thời điểm tăng giá, chúng tôi không còn lỗ nữa”.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết, do thuế nhập khẩu xăng dầu đã bằng 0% và quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bị âm nên nay doanh nghiệp phải bù lại. Do vậy, việc tăng giá xăng dầu không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà còn để giải quyết các vấn đề về nguồn thu ngân sách, nhất là thuế. “Quan điểm của Petrolimex là khi giá xăng dầu giảm thì phải ưu tiên đưa thuế vào, trích quỹ bình ổn, sau đó mới tính đến lỗ – lãi của xăng dầu”, ông này nói.

Thu Hằng

Sợ mất khách

Theo ông Đinh Nam Dinh, phó chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, đến ngày hôm qua 22.4, hiệp hội chưa nhận được thông tin nào từ các doanh nghiệp thành viên về việc tăng giá cước vận chuyển. Ông Đặng Đức Tiệp, giám đốc công ty vận tải Đặng Tiến (TP.HCM) lý giải, do trong hợp đồng với các đối tác đều nêu rõ: nếu xăng dầu tăng hoặc giảm từ 1.000 đồng/lít trở lên thì trong vòng một tuần, hai bên phải đàm phán lại về giá cước; còn dưới mức trên (lần này dầu tăng 500 đồng/lít), nên doanh nghiệp vận tải không thể tăng giá cước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết đã nhận được thông báo tăng cước vận chuyển từ doanh nghiệp vận tải.

Các doanh nghiệp vận tải đang cân nhắc và “thăm dò lẫn nhau” trong việc tăng cước vì sợ mất khách. Ảnh: Lê Hồng Thái

Ở lĩnh vực vận tải hành khách, ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông cũng cho hay, đến nay 100% doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách ở bến xe này vẫn giữ nguyên giá vé sau quyết định tăng giá xăng dầu của bộ Tài chính ngày 20.4. “Dự báo sẽ không có chuyện nhà xe “phụ thu” tiền xăng dầu đối với những hành khách đã mua hay đặt trước vé đi trong dịp lễ”, ông Hải nói.

Tương tự, ông Lê Huy Cường, phó tổng giám đốc hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long, nói khi giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít, đơn vị ông đã họp và đi đến thống nhất: nếu tuần tới hai “ông lớn” (hãng taxi Vinasun và Mai Linh) tăng giá thì Hoàng Long mới điều chỉnh. Lý do, theo ông Cường, Hoàng Long chỉ có khoảng 400 xe taxi, trong khi hai hãng trên hãng nào cũng vài ngàn xe, do đó “nếu chỉ mình tăng cước thì khách sẽ bỏ sang hãng khác!”

“Đợt trước, khi xăng tăng hơn 2.000 đồng/lít, chúng tôi quyết định điều chỉnh tăng mỗi kilomet tăng thêm 1.000 đồng. Tuy nhiên, sau đợt tăng giá này năng suất vận chuyển hành khách của chúng tôi giảm hơn 5% so với trước khi tăng giá do người dân tính toán lại chi tiêu”, ông Cường nói.

Tính toán mức tăng

Ông Hùng, tài xế taxi hãng Vinasun, thường đậu xếp tài ở khu vực Bàu Cát (Tân Bình), cho hay trước đây một buổi sáng chạy được ba hoặc bốn cuốc, nhưng sau đợt tăng giá cước mới đây, mỗi buổi chỉ hạy được hai cuốc, thu nhập giảm hẳn. “Nếu lần này tăng cước nữa thì cuộc sống tài xế rất khó khăn”, ông Hùng nói. Do đó, ông Hùng đề nghị ở lần tăng giá xăng này, để đảm bảo thu nhập cho tài xế, các hãng taxi nên gánh phần xăng tăng thêm trong tính toán ăn chia với tài xế.

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch hiệp hội Taxi thành phố, giám đốc hãng taxi Vinasun, có cách nhìn khác: “Nếu xăng tăng dưới 500 đồng/lít thì có thể các hãng taxi không điều chỉnh giá cước, nhưng lần này xăng tăng tới 900 đồng/lít nên chắc chắn sẽ tính toán. Tất nhiên, tăng cụ thể bao nhiêu thì còn phải tính lại”.

Theo ông Hỷ, hiện nay Vinasun có khoảng 4.000 xe, trung bình một xe mỗi ngày chạy 20 lít xăng, như vậy mỗi ngày tiền xăng tăng thêm 18.000 đồng/xe. Tổng cộng 4.000 xe sẽ tăng thêm 72 triệu đồng tiền xăng mỗi ngày. Nếu để tài xế gánh chắc chắn họ không chịu, còn để doanh nghiệp gánh thì cũng không gánh nổi.

(Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị)

Không tăng giá tour ngày lễ

Khi giá xăng tăng lần thứ nhất trong năm vào đầu tháng 3, nhiều công ty lữ hành đã dự phòng trước tình trạng tăng giá dịch vụ, nhất là giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến giá tour trong dịp lễ 30.4 nên đã hợp đồng trước với đối tác. Nhờ vậy, giá tour trong những ngày nghỉ lễ sắp tới vẫn giữ nguyên. Mặt khác, tình hình kinh tế khó khăn, các công ty lữ hành chấp nhận lợi nhuận thấp để giá tour không cao… mới thu hút được khách.

Bà Cao Phẩm Hằng, giám đốc công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn du lịch (SPSC Tour) cho biết, các tour dịp nghỉ lễ 30.4 mà công ty chào bán đã đầy, đa số là đi những nơi có thể giải toả cái nóng như Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… Dù khách đăng ký trước hay sau ngày 20.4 (thời điểm tăng giá xăng) thì giá vẫn như nhau vì các dịch vụ đã được công ty đặt trước. Còn theo ông Nguyễn Thanh Thuỷ, trưởng bộ phận tư vấn và thiết kế tour công ty du lịch văn hoá Việt, lần tăng giá xăng dầu hồi tháng 3, các hãng xe đã muốn tăng giá vận chuyển khách du lịch lên 15%. Thế nhưng, do tình hình thu hút khách du lịch không tăng, nên công ty lữ hành vẫn được giữ nguyên giá vận chuyển có hợp đồng trước cho đến hết lễ 30.4. Điều các công ty lữ hành lo lắng là hệ quả tăng giá xăng dầu sẽ tác động vào mùa du lịch hè sắp tới.

Với hàng không, những khách hàng đã đặt cọc giữ chỗ trước 20.4 thì không tăng giá, nhưng đặt chỗ, đặt cọc sau 23.4 có thể sẽ chịu giá cao.

Các Ngọc

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo