Đại học Hoa Sen – HSU

Về lại “thị trấn ma” Odaka

Hàng ngàn người đã phải rời bỏ nhà của mình sau khi xảy ra vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Kể từ đó đến nay, khu vực này bị hạn chế ra vào. Một vài cư dân cũ đã trở về.

Họ về để tìm lại một số tài sản giá trị và từ biệt nơi yêu dấu của mình mãi mãi.

Quang cảnh đống đổ nát tại Odaka. Đã một tháng trôi qua nhưng người dân vẫn chưa thể quay lại đây để dọn dẹp hay tìm kiếm tử thi mất tích – Ảnh: Der Spiegel

Tsuneyasu Satoh đã xem xét rất kỹ bảng báo cáo phóng xạ trước khi trở về nhà cũ. Vợ của anh đeo chiếc khẩu trang bảo vệ. Còn Satoh, vốn là một công nhân nhà máy điện hạt nhân, cũng có một thiết bị đo phóng xạ cá nhân.

Dấu hiệu cuối cùng của sự sống

Nhiều thế hệ của gia đình anh Tsuneyasu Satoh đã cùng sống ở ngôi nhà trong thị trấn ở thành phố Odaka, nằm trong khu vực giới hạn 20km từ nhà máy. Anh Satoh lén về thăm nhà lần cuối cùng. Anh yêu những bức tường nội thất làm từ giấy, sàn nhà gỗ mà tổ tiên anh từng ở. Nhưng hôm nay, anh sẽ là thành viên cuối cùng trong gia đình để lại dấu chân trên ngôi nhà.

Căn nhà của họ đã tồn tại được hàng thế kỷ, trải qua nhiều trận động đất và cả cơn sóng thần gần đây. Nhưng sau khi xảy ra vụ nổ tại lò phản ứng số 1 của Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, gia đình Satoh bị buộc phải rời khỏi đây. Và bây giờ, đã bốn tuần kể từ ngày di tản, họ đã bí mật trở về Odaka để thu hồi một số vật dụng quan trọng.

Satoh đang cố giấu các biểu cảm trên khuôn mặt qua cặp kính đen. Anh và người vợ Sayoko biết phải để lại nhiều thứ đằng sau trong ngôi nhà cổ này. Những kỷ niệm như các bức thư pháp do cha của Satoh viết, các giải thưởng mà con gái của anh đã đạt được khi thi đấu bóng bàn trong đội tuyển quốc gia. Satoh kéo chăn lên che cái tivi lại. Còn chị Sayoko thì tập hợp những thứ quan trọng nhất có thể tìm thấy trong ngăn tủ: tài liệu, khăn trải giường và nồi cơm điện.

Một căngtin bỏ hoang ở Odaka. Các đồng hồ trên lò vi sóng vẫn chỉ đúng thời điểm xảy sóng thần – Ảnh: Der Spiegel

Có khoảng 13.400 người sinh sống ở Odaka trước khi xảy ra tai nạn. Và bây giờ nó gần như là một thị trấn ma. Tĩnh mịch đến nỗi có thể nghe được cả tiếng cánh đập của đàn quạ trên đầu.

Như một dấu hiệu cuối cùng của sự sống tại thành phố này, hệ thống đèn giao thông dọc các tuyến đường chính vẫn còn hoạt động. Cũng giống các đèn disco trong những bữa tiệc kéo dài hàng giờ, các đèn giao thông này liên tục chuyển từ xanh sang vàng, rồi sang đỏ.

Trong ảnh là một đường phố bỏ hoang tại thành phố Odaka, nằm trong khu vực 20km giới hạn – Ảnh: Der Spiegel

Những ngôi nhà gỗ màu nâu đậm tại Odaka được xây liền sát bên nhau, và bây giờ thậm chí có một số ngôi nhà dựa lên nhau. Một số đã sụp đổ trong trận động đất, nhưng một số khác thì chỉ có bức tường sụp đổ. Các chậu hoa vẫn được xếp ngoài siêu thị.

Những khu dân cư duyên hải, từng được xem là đẹp nhất tại tỉnh Fukushima, bây giờ chỉ còn là một khu vực đất hoang đổ nát, đầy rác và xác các xe hơi ngổn ngang sau nước lũ.

Chó và ngựa cùng đói

Bất thình lình, một âm thanh động cơ xé tan màn không khí tĩnh lặng. Những người lính ngồi trên chiếc xe màu xanh đang đi ngang thị trấn. Họ tìm kiếm những thi thể mất tích sau đợt sóng thần. Họ đã không đến đây khi nồng độ phóng xạ còn ở mức cao.

Những con chó hoang ở khắp nơi trông có vẻ nhút nhát, như thể chúng phải một lần nữa làm quen với sự hiện diện của con người, và chúng đang đói.

Gia đình Satohs không phải là những người duy nhất quay về thị trấn này. Người chuyên gây giống ngựa Shinjiro Tanaka thường rời trại tập trung khẩn cấp, nơi anh đang sống cùng vợ và con gái mình, đột nhập vào khu vực hạn chế này để cho đàn ngựa của mình ăn.

“Tôi không thể cầm lòng được khi nhìn thấy chúng đói” – ông Tanaka nói, tay chỉ về chuồng ngựa của mình. Có bốn con ngựa thuần chủng đã chết và nằm bên cạnh những con còn sống. Những con ngựa của ông Tanaka là một trong những điểm tham quan thu hút mỗi khi diễn ra sự kiện đua ngựa nổi tiếng. Người thi đấu thường mặc trang phục võ sĩ đạo.

Bây giờ những chú ngựa ốm đến nỗi lộ cả xương sống. Những nhà cung cấp từ chối mang thức ăn đến khu vực giới hạn, còn Tanaka thì không được mang theo những chú ngựa, dù còn sống hay đã chết.

Satoh sở hữu một xí nghiệp nhỏ gồm 10 nhân viên làm việc cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Là một người chuyên điểu khiển cần cẩu, công việc của Satoh gồm thay thế nhiên liệu trong lò phản ứng. Đời sống của anh phụ thuộc vào nhà máy điện hạt nhân. Nhưng giờ đây anh là người đầu tiên quyết định rời bỏ nhà mình vì sự an toàn.

Bên trong một căn nhà bỏ hoang ở Odaka. Nhiều người đã bỏ lại những đồ vật ý nghĩa của mình – Ảnh: Der Spiegel

“Họ không kiểm soát được gì cả – anh nói, ám chỉ TEPCO – Ngày càng nhiều phóng xạ rò rỉ ra ngoài và sẽ không ai có thể sống ở đây trong vòng ít nhất là hai năm”. Người dân chỉ được an toàn một khi những lò phản ứng này được khóa chặt trong các khối bêtông.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Facebook Youtube Tiktok Zalo