Đại học Hoa Sen – HSU

Under 30 Summit: Băn khoăn về giá trị và sự khác biệt thế hệ

Giá trị chung nào cho các thế hệ Việt Nam cùng hướng đến tương lai của đất nước tốt đẹp hơn là chủ đề được chia sẻ tại Diễn đàn thế hệ trẻ (Under 30 Summit) do Forbes Vietnam tổ chức hôm nay, 12.5.

“Sự kiện tập hợp các nhà lãnh đạo thế hệ trẻ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ họ khai phóng tiềm năng bằng việc cung cấp các tầm nhìn và tri thức từ những người tiên phong trong nhiều lĩnh vực” là thông điệp được ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch công ty truyền thông Tương Tác đưa ra cho sự kiện.

Khác biệt về tư duy khởi nghiệp

Bàn về vai trò của giới trẻ trong sự tiếp nối thế hệ, bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại EU, cho rằng về cơ bản xã hội có cái nhìn lạc quan với thế hệ 8x-9x, họ có được tố chất khác biệt nhưng đang đứng trước những thử thách không nhỏ về thế hệ.

Phiên thảo luận giữa ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (trái), và các gương mặt 30 Under 30 của Forbes Việt Nam (Nguyễn Trung Tín, CEO Trung Thủy Group; Lê Quang Liêm, đại kiện tướng cờ vua và Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Yola)

Là người thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam du học sau chiến tranh và về nước khởi nghiệp cuối thập niên 1980, người đứng đầu tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, chia sẻ khi đất nước ở vào giai đoạn khủng hoảng với lạm phát phi mã 1000%, tư duy khởi nghiệp của nhiều người ở thế hệ ông Bình là “kiếm sống đủ để nuôi gia đình, lúc đó đâu đâu cũng là cơ hội nhưng còn rất nhỏ.”

Các diễn giả cho rằng giới trẻ ngày nay có cơ hội lớn hơn nhiều nhờ đi cùng với sự thay đổi công nghệ, nhờ tiếp cận thế giới thông tin ngay từ rất sớm tạo nên tính cách năng động và tự tin vào bản thân. Theo chủ tịch VNG Lê Hồng Minh “Thế hệ từ 30 tuổi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn vì họ lớn lên trong môi trường mà các quan điểm đã trở nên cởi mở, nhờ đó có quan điểm khác biệt với thế hệ trước vốn trưởng thành trong môi trường còn giới hạn”.

Còn với Phạm Hồng Hải, CEO của HSBC Việt Nam, là người được đào tạo trong nước nhưng thành công ở một tập đoàn đa quốc gia. Thế hệ 7X của anh có lợi thế lớn khi sinh ra sau chiến tranh, hiểu được những khó khăn của thời kỳ bao cấp và thụ hưởng được thành quả của giai đoạn đất nước mở cửa đã tạo ra nhiều cơ hội cho thế hệ sinh viên giữa thập kỷ 1990 gia nhập nền kinh tế.

Sinh ra giữa thập niên 1980, Đỗ Thị Thúy Hằng, giám đốc điều hành iVivu thừa nhận thế hệ của họ có sự khởi đầu tốt hơn nhờ được sinh ra trong hòa bình, được thụ hưởng các điều kiện vật chất và đào tạo tốt hơn. Cơ hội tiếp cận với thế giới rộng lớn hơn nhưng cũng thách thức hơn khi các hoạt động kinh doanh không còn ở phạm vi thị trường 90 triệu dân nữa mà cả thị trường khổng lồ toàn cầu. “Kiến thức nhân loại tăng lên mỗi ngày mà mỗi một người thì không học nổi, thế hệ chúng tôi cần sự hợp tác với nhau nhiều hơn, kiên trì hơn và khiêm tốn để học hỏi để đạt được thành tựu mới. Một di sản rất lớn các thế hệ trước để lại mà giới trẻ cần hệ thống hóa và đưa nó tiến lên.”

Khác biệt về giá trị thế hệ

20 năm qua thế hệ 7x đã tạo một số dấu ấn riêng, tuy nhiên theo Phạm Hồng Hải: “Thế hệ 7x đang gặp khủng hoảng vì bắt đầu đặt ra câu hỏi lớn hơn, tiền tương đối đủ, có dấu ấn riêng trong xã hội, nhưng tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Vì khi mình nhìn về Việt Nam với rất nhiều lợi thế: dân số trẻ, năng động, nhiều tài nguyên nhưng tại sao đất nước vẫn nghèo, làm gì để thay đổi tốt hơn?”

Từ phải sang, Đỗ Thị Thúy Hằng, ông Phạm Hồng Hải, ông Trương Gia Bình, bà Tôn Nữ Thị Ninh, và ông Lê Hồng Minh trong phiên thảo luận về Thế hệ tiếp nối.

Theo bà Ninh, thế hệ 9x đối mặt với khó khăn bởi “sự đe dọa của tư duy bình bình cho đất nước và tầm thường cho cá nhân”. Sẽ không có sự khác biệt để tạo nên sự thay đổi nếu thế hệ trẻ không bức xúc tại sao Việt Nam là một tên tuổi trong chiến tranh nhưng trong hòa bình và phát triển không tạo nên thành tựu. “Sức mạnh của giới trẻ là biết ước mơ, đam mê và bản lĩnh, sáng tạo để đi lên. Các giá trị nhân loại đã tạo ra như bữa tiệc buffet, mỗi người theo tư duy, triết lý sống sẽ tự chọn thực đơn cho mình, nhưng khi hành động hãy theo tư duy bền vững”.

Cái giá phải trả sau chiến tranh theo ông Bình ít được nói đến là cảm giác có ba Việt Nam: Việt Nam tiền chiến, Việt Nam của chiến tranh và Việt Nam của đổi mới, nên khó tìm ra một hệ thống giá trị chung. “Phần đổi mới khiến cuộc sống vật chất tiến bộ hơn nhưng hệ thống giá trị đã nghèo nàn đi là thách thức lớn cho các bạn trẻ. Tôi hy vọng một dân tộc đã được thử nghiệm hàng ngàn năm qua những biến động thì phải có cách tìm ra chính mình để vươn lên.”

Cạnh tranh là bài toán quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ của đất nước. Theo quan niệm của ông Bình, mỗi cá nhân cạnh tranh với nhau để làm điều tốt hơn, một công ty phải cạnh tranh với các công ty khác, một dân tộc cũng phải cạnh tranh. Ông lý giải, “sức mạnh cạnh tranh đó được phát huy khi Việt Nam có được một nguồn nhân lực học tập, tức phải làm tốt khâu giáo dục, tạo ra con người có năng lực sáng tạo và học hỏi”. Theo bà Ninh: “Thanh niên cần bản lĩnh để đứng trên đôi chân và nghĩ bằng đầu óc của chính mình. Trong giáo dục đang có sự bào mòn về lòng tự trọng, mà hàng triệu thanh niên thiếu tự trọng sẽ là một dân tộc thiếu tự trọng.”

Trả lời cho câu hỏi về sự lựa chọn chính trực hay luồng lách trong kinh doanh đang ngày càng phổ biến, theo ông Hải, một xã hội mà ai cũng luồng lách, cũng phạm luật thì đó là một đám đông hỗn loạn. “Chúng ta sẽ dịch chuyển sang tầm mức mới mà tất cả các doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận ít đi nhưng đúng pháp luật để tạo ra gía trị bền vững cho Việt Nam phát triển trong tương lai”. Bà Ninh đặt ra câu hỏi: “Luồng lách là đường cùng duy nhất để đạt được cái gì lớn hơn hay đó là sự lựa chọn dễ dãi cho bản thân? Càng ít hy sinh các giá trị chính trực càng tạo nên các giá trị bền vững”.

………………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Tuyết Ân
(Nguồn: Người đô thị, ngày 14/05/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo