Đại học Hoa Sen – HSU

Từng bước bình thường hoá giao thương khu vực và thế giới

Cần sớm nối lại giao thương giữa các nước ASEAN theo những cách thích hợp để bảo đảm sự phát triển kinh tế của khu vực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Đó là điểm chung trong các đề xuất được một số lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đưa ra trong phiên toàn thễ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 dưới sự chủ trì của Việt Nam.

Hiện tại, cả thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng vẫn đang căng mình chống chọi với sự lây lan của dịch Covid–19. Sự cảnh giác luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải suy nghĩ tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Bởi đơn giản, chúng ta chống dịch không phải chỉ để sống sót, mà còn phải được sống mạnh khoẻ trong hạnh phúc, thịnh vượng.

Bài toán về phát triển kinh tế xã hội song song với chống dịch không đơn giản; nhưng phải cố gắng suy nghĩ tìm giải pháp tốt nhất có thể.

Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá được vận chuyển trong nội khối cả bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Các thoả thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cần được thực thi nghiêm chỉnh nhằm dở bỏ các rào cản đối với sự lưu thông hàng hoá tự do. Việc kích cầu tiêu dùng nội khối có thể tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển sản xuất của các quốc gia thành viên trong thời gian chờ đợi sự khôi phục hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.  

Bên cạnh đó, cần từng bước khôi phục sự đi lại bình thường trong không gian ASEAN.  Các nước thành viên ASEAN đều nhất trí thừa nhận và đánh giá tích cực cáo thành tựu của Việt Nam trong công cuộc kiểm soát, ngăn chặn và hạn chế  dịch bệnh. Với tư cách là chủ tịch ASEAN Việt Nam có điều kiện thuận lợi để giới thiệu và thuyết phục các nước vận dụng các kinh nghiệm của mình để làm cho thành tựu ấy được lan toả nhằm mục đích dần dần nới lỏng lệnh đóng cửa biên giới.

Một khi tình hình kiểm soát dịch bệnh được cải thiện ở một quốc gia thành viên nào đó, đặc biệt là khi ở đó không còn ca nhiễm được ghi nhận trong cộng đồng trong một thời gian đủ dài, thì khôi phục các hành lang đi lại của người dân thường giữa quốc gia đó và các quốc gia có điều kiện vệ sinh dịch tễ tương đồng.

Trong giai đoạn đầu mở cửa biên giới, cần tổ chức hệ thống kiểm dịch tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm và có biện pháp cách ly, xử lý thích hợp. Sau một thời gian, khi tình hình ổn định, có thể áp dụng cùng một chế độ kiểm dịch đối với việc đi lại trong phạm vi một quốc gia và việc đi lại trong phạm vi khu vực.

Có trường hợp người đến từ vùng dịch nhập cảnh vào một nước thành viên của ASEAN theo chế độ đi lại được áp dụng riêng giữa các nước hữu quan, sau đó lại đến một nước khác trong nội khối. Những trường hợp này cần được kiểm soát bằng các biện pháp đặc thù trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các nước.

Đối với Việt Nam, ưu tiên số 1 vẫn là đảm bảo không để một ca nhiễm nào được ghi nhận trong cộng đồng; nhưng mặt khác, phải nhanh chóng bình thường hoá giao thương quốc tế một khi điều kiện cho phép. Một vài nước thành viên ASEAN đã mở cửa với các nước Châu Âu và các nước Châu Âu cũng mở cửa với các nước đó theo nguyên tắc có đi có lại. Thái Lan là  một ví dụ. Nếu việc mở cửa này không dẫn đến tái bùng phát dịch ở nước thành viện ASEAN hữu quan và tình trạng an toàn được duy trì ổn định, thì sẽ là một kinh nghiệm quý cho chúng ta trong các nỗ lực tái lập kết nối giao thông xuyên quốc gia.

PGS TS Nguyễn Ngọc Điện

Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen    
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 29/6/2020)
>> CHI TIẾT NỘI DUNG

Facebook Youtube Tiktok Zalo