Đại học Hoa Sen – HSU

Tự tin nhưng không hoang tưởng

Khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, cùng với những cơ hội mở ra, thách thức của vai trò lãnh đạo tăng lên không kém. Thực tế này không phân biệt nam hay nữ.

Lãnh đạo trước hết là nhìn xa, trông rộng. Đó là chức trách, là mong đợi của mọi người. Người lãnh đạo làm gì để mở tầm nhìn? Thường xuyên cập nhật thông tin, đọc nhanh, nhiều và có chọn lọc, có hiệu quả, quan trọng hơn, là biết xử lý thông tin để định hướng, điều chỉnh hoạt động của mình, của tổ chức mình phụ trách. Giao thiệp rộng, không chỉ mở lòng mà mở trí, nghĩ thông thoáng, tự giải phóng khỏi mọi loại vòng kim cô để tránh ném vòng kim cô siết chặt tư duy người cộng sự, kịp thời nắm những thay đổi, chuyển biến, cái mới không ngừng xuất hiện, cả cơ hội, thách thức và sự bất định, bất ổn gần như thường xuyên, do tác động đan chéo của nhiều yếu tố. Cần mẫn quan sát, phân tích sắc sảo, tổng hợp từ thực tế chứ không thụ động theo thiên kiến, kể cả sáng tạo ngoài khuôn khổ, làm cái chưa từng ai làm, cái tưởng chừng không làm được đều là yêu cầu không hề xa xỉ hay đột xuất của vai trò lãnh đạo. Để xứng tầm nhiệm vụ, không chỉ cần hiểu biết, mà còn cần đam mê, quyết tâm, bản lĩnh, có sự hưởng ứng của số đông, dựa được trên một tổ chức có nội lực, có kỷ luật. Quá trình nghiên cứu sâu về phụ nữ Việt trong quá khứ gần – nửa đầu thế kỷ 20 – và trải nghiệm cùng sự quan sát thực tế từ cuộc đổi mới lần một tới nay cho phép tôi tin rằng về những mặt này, không có ưu thế đặc biệt nào của nam giới so với nữ, và không chỉ trong những người lãnh đạo có chức vụ.

Khoa học công nghệ phát triển nhanh với nhiều ứng dụng phong phú, bất ngờ, đặc biệt là công nghệ truyền thông khiến công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin phong phú, đa chiều, gần như tức khắc. Trình độ, kiến thức, kỹ năng và nhu cầu khẳng định, phát triển bản thân của người lao động – đặc biệt là lao động trẻ có chuyên môn, được đào tạo bài bản, được tiếp xúc và học hỏi từ các nước phát triển cũng như từ nhiều nền văn hóa khác – ngày càng tăng. Khác biệt quốc gia mờ đi với hội nhập. Như một lẽ tự nhiên, phong cách lãnh đạo ở Việt Nam đang và sẽ buộc phải theo xu hướng “chủ đạo” của thế giới. Không chỉ một chiều áp đặt từ trên xuống; không thể thiếu lắng nghe chân thành, tích cực và huy động được trái tim, khối óc, sự đồng tâm chia sẻ, sức sáng tạo vô biên của đông đảo cộng sự trong tổ chức và đa dạng đối tác bên ngoài. Xu thế mới đó đã sớm được quảng bá kể cả bằng phương tiện rất “dân dã” là bài lục bát được truyền tụng trên mạng: “Đừng tưởng cứ núi là cao…” Yêu cầu mới mẻ này – xưa kia là lãnh đạo bậc thầy, hay “bậc thánh hiền” họa hoằn mới đạt được – nay trở thành chuẩn mực phổ quát đối với cấp lãnh đạo. Bởi vì họ mới được thừa nhận ở vị trí lãnh đạo chưa lâu, và cũng còn là “của hiếm” chiếm tỷ lệ thấp, có thể lãnh đạo nữ sẽ đỡ phần bảo thủ khi thích nghi với chuẩn mực mới này chăng? Dẫu sao, đủ hiểu biết để nâng cao nhận thức, được huấn luyện để mài sắc kỹ năng, quản lý bằng quy chế minh bạch, chịu thực hành để dân chủ trở thành bản năng thứ hai, sẽ hữu dụng đối với người lãnh đạo dù nam hay nữ.

Lãnh đạo nữ không có “khó khăn gấp bội” so với nam giới trong quá trình hội nhập, cũng không có “thuận lợi đơn thuần do giới tính”. Hội nhập sâu hơn, Việt Nam có thêm cơ hội đồng thời đối mặt thách thức gay gắt. Lãnh đạo là khéo cùng tổ chức mình dò trúng lạch sông sâu, tảng đá ngầm, kiểm soát được rủi ro trong bước đường phát triển, tỉnh táo trước mọi cám dỗ của giải pháp dễ dàng, tưởng “đi tắt đón đầu” rốt lại chỉ là tùy tiện vô nguyên tắc…Việt Nam còn thua sút nhiều nước khác, nên tổ chức nào cũng phải miệt mài thu ngắn khoảng cách, bằng lao động, bằng hiệu quả thực chất, không phải bằng hoang tưởng hay phép lạ…Không nên dựa vào một vài biểu hiện, có thật nhưng thứ yếu – như phụ nữ ít bia rượu, ít sa bẫy sắc dục – để lạc quan tếu. Lãnh đạo nữ tự tin có căn cứ, tổ chức và xã hội tiếp tục xóa định kiến, thực hiện bình đẳng giới thực chất hơn, gạt bớt rào cản, nhọc nhằn không đáng có, thì lãnh đạo nữ cũng như nam giới mới dồn sức vào nỗ lực thu ngắn khoảng cách tụt hậu của đất nước. Bằng vào quá khứ gần và hiện tại quan sát được, tôi tin, dù là thiểu số và phải cần thời gian để mở rộng số lượng xứng với thực lực và tiềm năng, lãnh đạo nữ Việt Nam đủ sức cùng các tổ chức do mình quản lý vượt qua thách thức của hội nhập, cùng dân tộc đón vận hội mới tươi sáng hơn.

Theo Bùi Trân Phượng
(Nguồn: Tạp chí Forbes Việt Nam- tháng 3/2016)

Tham khảo thêm:

Facebook Youtube Tiktok Zalo