Đại học Hoa Sen – HSU

Tự hào về quá khứ, vững bước đến tương lai

(CATP) Bảy mươi lăm năm không phải là khoảng thời gian dài so với lịch sử của đất nước. Nhưng tính từ khởi điểm là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, thì khoảng thời gian như thế là cả một chặng đường chinh phục nhiều cột mốc mà dân tộc ta có quyền nhìn vào đó để tự hào. Từ thân phận bị nô dịch, con người Việt được giải phóng, trở thành người tự do, người làm chủ, có quyền tự quyết định đối với vận mệnh của bản thân, cộng đồng dân tộc và quốc gia của mình.

Bảy mươi lăm năm qua cũng là khoảng thời gian ghi nhận sự hình thành và trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công an nhân dân đã cùng đồng hành với toàn dân tộc trong hành trình kiến thiết đất nước trên nền tảng độc lập, tự do.

Chặng đường đã đi qua không bằng phẳng. Hai cuộc chiến tranh chống đế quốc, cộng thêm hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đã lấy đi của nhân dân ta không biết bao nhiêu xương máu, tài lực, vật lực. Bên cạnh đó, sự thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn giữa các phương án xây dựng chế độ kinh tế sau khi kết thúc chiến tranh đã làm chậm trễ cuộc hành trình đi đến sự thịnh vượng, phồn vinh.

Đại tá Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM động viên CBCS tại Lễ ra quân cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ngày 15-7-2020. Ảnh: ĐỨC NAM.

Có lúc thậm chí những sai lầm đã đẩy đất nước đến chỗ khó khăn cùng cực; sự tồn tại của chế độ chính trị vì đó mà bị thách thức nghiêm trọng. Đảng đã kịp thời sửa sai. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI, chính sách đổi mới được triển khai, từng bước vực dậy nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội.

Sau hơn ba mươi năm đổi mới, đất nước đã thật sự thay da đổi thịt. Từng ở vị trí một quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã vươn lên để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong mấy thập kỷ qua, chúng ta thường xuyên đứng trong top dẫn đầu về sản lượng gạo, cà phê xuất khẩu; được thừa nhận là địa chỉ đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhờ có chế độ chính trị ổn định và nguồn lao động dồi dào.

Việc triển khai Hiệp định đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, mà gần đây nhất là hiệp định ký kết với Liên minh châu Âu (EVFTA), được cho là có tác dụng như bệ phóng đẩy đất nước tiến nhanh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Các thỏa thuận này cũng tạo hành lang thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước trong các nỗ lực chinh phục sân chơi kinh tế toàn cầu.

Trên chính trường quốc tế, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam liên tục được bầu vào các thiết chế trọng yếu trong đời sống chính trị khu vực và thế giới với số phiếu tín nhiệm rất cao, thậm chí tuyệt đối: Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng bảo an, thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc… Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ghi nhận sự đóng góp bằng nhân lực, trí lực của Việt Nam tại những vùng đất nóng như là những điểm son trong bức tranh cuộc sống nhân loại thời đại ngày nay.

Để có được thành quả ấy, cả hệ thống chính trị, cũng như mọi người dân ở tất cả vùng, miền, thuộc mọi tầng lớp xã hội, khu vực nghề nghiệp đã nỗ lực không mệt mỏi. Trong cuộc vun đắp những thành tựu của đất nước, sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, bao gồm lực lượng Công an TPHCM, mang ý nghĩa rất to lớn.

Trên mặt trận an ninh quốc gia

Trong một thế giới đa cực do sự dị biệt sâu sắc về ý thức hệ chính trị, chúng ta thường xuyên đối mặt những thế lực thù địch với các âm mưu phá hoại, lật đổ. Các lực lượng chống đối sử dụng tất cả các phương sách có thể, từ chính trị tư tưởng, văn hóa, cho đến kinh tế và cả bạo động vũ trang nhằm đạt mục tiêu.

Nhờ sự cảnh giác trước các động thái của đối phương, sự chủ động trong việc nắm bắt tình hình, lực lượng công an đã kịp thời ngăn chặn, trấn áp, đập tan các kế hoạch thâm độc của kẻ thù. Các tổ chức phản động lần lượt sa lưới và bị xóa sổ; các vụ biểu tình bạo động, khủng bố bị ngăn chặn, khống chế trước khi có thể gây tác hại trên diện rộng.

Trong bối cảnh thay đổi cục diện chính trị thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, các thế lực thù địch có xu hướng chuyển mạnh sang sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi mang tính chất diễn biến hòa bình. Các hoạt động chống phá ngày nay được thực hiện chủ yếu trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… và dựa vào các kết quả ứng dụng thành tựu công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số.

Bởi vậy, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh ấy càng nặng nề, khó khăn. Người cán bộ, chiến sĩ công an trong thời đại số cần có kiến thức rộng, sâu và khả năng “tác chiến” trên mặt trận an ninh không chỉ trong không gian vật lý truyền thống mà cả không gian ảo.

Công an cả nước và Công an TPHCM nói riêng tích cực nâng cao năng lực của đội ngũ thông qua việc tổ chức đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ song song với việc hiện đại hóa cơ sở vật chất. Sự thích nghi nhanh chóng của cán bộ, chiến sĩ đối với môi trường tác chiến thay đổi, do hệ quả của việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, đã tạo điều kiện cho việc nhanh chóng chiếm lĩnh và nắm giữ vững chắc vị trí chi phối trên các mặt trận đấu tranh bằng công cụ trí óc.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM trao bằng tuyên dương CBCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: MAI ANH

Trong lĩnh vực trật tự xã hội

Sự phát triển của kinh tế thị trường giúp đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, nhưng cũng tất yếu dẫn đến những hệ lụy tiêu cực: sự phân hóa xã hội dẫn đến mâu thuẫn giàu – nghèo; nguy cơ mất việc của người lao động khi doanh nghiệp phá sản; làn sóng di dân và cuộc sống bấp bênh của người di cư; môi trường sống bị ô nhiễm do công nghệ sản xuất lạc hậu, chất thải từ hoạt động sản xuất và rác thải sinh hoạt…

Đặc biệt, TPHCM là nơi tập trung dân cư thuộc vào loại đông nhất nước, điểm giao thương kinh tế quốc gia và quốc tế, điểm trung chuyển hàng hóa khu vực và thế giới; bởi vậy, tình hình địa bàn rất phức tạp, khó lường, khiến nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội đặt ra cho công an trở nên rất nặng nề. Rất nhiều vụ trọng án hình sự có tổ chức như buôn lậu, vận chuyển ma túy, hàng cấm xuyên quốc gia, thành lập băng nhóm để trộm cướp tài sản…

đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM trao bằng tuyên dương CBCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: MAI ANH

Bên cạnh những loại tội phạm thông thường còn xuất hiện những hành vi phạm tội mới, đặc trưng của thời đại công nghệ thông tin: trộm cắp tài sản, tống tiền qua mạng; ăn cắp dữ liệu bí mật quốc gia, bí mật công tác, thông tin khách hàng; khống chế máy chủ… Lực lượng công an chuyên trách đã được nhanh chóng xây dựng và tăng cường để đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới.

Trận địa chống tham nhũng

Quyền lực luôn có nguy cơ bị lũng đoạn; và tham nhũng, được hiểu là việc lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt tài sản, là vấn nạn mà xã hội phải đương đầu chừng nào Nhà nước còn tồn tại. Kinh tế càng phát triển, của cải xã hội càng dồi dào, thì lợi ích thu được từ tham nhũng càng lớn khiến lòng ham muốn của quan tham càng bị kích thích, từ đó nghĩ ra thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ngày một tinh vi hơn. Việc chống tham nhũng trở nên cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại một cuộc hội nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng lại được thực hiện một cách quyết liệt như hiện nay.

Có những cán bộ ở cấp rất cao trong bộ máy của Đảng, như ủy viên Bộ Chính trị hoặc trong bộ máy nhà nước như bộ trưởng, đã phải nhận những bản án nghiêm khắc. Ngay trong lực lượng công an, có những cán bộ từng được giao giữ những cương vị trọng yếu nhưng sa ngã trước cám dỗ để rồi tiếp tay cho tội phạm cũng đã bị xử lý thích đáng. Vụ án đánh bạc qua mạng với tổng giá trị tài sản bị tịch thu lên đến vài nghìn tỷ là ví dụ.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh với chủ trương xử lý kiên quyết, nghiêm minh và không có vùng cấm đã và đang đạt được thành quả chưa từng có. Điều này góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ và nói chung toàn bộ hệ thống chính trị.

Lực lượng y tế Công an TPHCM chủ động, tích cực trong công tác phòng chống Covid-19. Ảnh: ĐỨC NAM

Thách thức phi truyền thống: cuộc chiến chống Covid-19

Từ đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Dịch bệnh đe doạ nền kinh tế thế giới nói chung và nói riêng của từng quốc gia. Ngăn chặn, khống chế dịch bệnh đồng thời vẫn đảm bảo ổn định cuộc sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế là nhiệm vụ mới đặt ra cho toàn bộ hệ thống chính trị.

Lực lượng Công an nhân dân đã đề cao cảnh giác và khẩn trương triển khai các công tác cần thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tình hình đặc thù như đảm bảo giãn cách xã hội; ngăn chặn, xử lý các vụ nhập cảnh trái phép, nhất là những người đến từ vùng dịch; quản lý chặt người thuộc diện cách ly tập trung…

Các nỗ lực ấy đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công trong việc hạn chế dịch bệnh lây lan, tạo điều kiện cho việc duy trì sinh hoạt bình thường và hoạt động kinh tế bình thường. Thành tích này càng nổi bật trong bối cảnh phần còn lại của thế giới vẫn đang loay hoay, vật vã ứng phó với đại dịch.

Chặng đường sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều thử thách cam go, gồm cả những thách thức chưa có tiền lệ, đối với mục tiêu bay cao, vươn xa của đất nước, dân tộc. Nhiệm vụ của lực lượng Công an vẫn rất nặng nề. Tuy nhiên, với truyền thống kiên cường, dũng cảm và các phẩm chất thông minh, sáng tạo, tinh khôn, nhạy bén đã được trui rèn, nhất định cán bộ, chiến sĩ Công an cả nước và Công an TPHCM sẽ tiếp tục làm chủ các trận địa và sẽ giành thêm nhiều thắng lợi vẻ vang.

PGS TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen)
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 10/8/2020)
>> CHI TIẾT NỘI DUNG 

Facebook Youtube Tiktok Zalo