Đại học Hoa Sen – HSU

Thế giới thời hậu Fukushima: Cột mốc cho một sự thay đổi

Nếu như Kenzaburo Oe, người từng nhận giải Nobel văn học, đã nói việc Nhật Bản theo đuổi chính sách năng lượng hạt nhân là sự phản bội đối với các nạn nhân Hiroshima, thì thảm họa ở Fukushima sẽ là cột mốc cho sự thay đổi không chỉ cho Nhật mà còn cho toàn thế giới.

Cảnh sát Tokyo đứng bảo vệ an ninh bên ngoài Công ty Điện lực Tokyo trong khi các nhà hoạt động xã hội biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân ngày 3-4-2011 – Ảnh: AFP

* 12.009 người thiệt mạng ở 12 tỉnh, 15.472 người mất tích do động đất, sóng thần tại Nhật tính tới 10g ngày 3-4.

* 2 công nhân TEPCO mất tích đã chết

Theo Kyodo News, thi thể hai công nhân của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bị mất tích từ hôm 11-3 sau động đất và sóng thần đã được tìm thấy tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Đó là Kazuhiko Kokubo, 24 tuổi và Yoshiki Terashima, 21 tuổi của bộ phận quản lý hoạt động nhà máy. TEPCO cho biết họ chết vì chảy máu do đa chấn thương. Họ được cho là đã chết khoảng 16g ngày 11-3 khi đi kiểm tra lò phản ứng số 4. Thi thể của họ được tìm thấy trong môi trường nhiễm xạ và đang phải trải qua quá trình làm sạch phóng xạ do bị rò rỉ phóng xạ ở mức cao.

Tổ chức nghiên cứu toàn cầu Maplecroft (Anh), chuyên nghiên cứu khoảng 500 nguy cơ về các vấn đề toàn cầu trên thế giới, báo động hiện có 76 nhà máy điện hạt nhân của Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Mỹ đang được đặt ở những vị trí rất gần bờ biển và có nguy cơ cao bị sóng thần tấn công.

Còn có hơn 1/10 trong số 442 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện được đặt ở những địa điểm có nguy cơ động đất cực lớn như ở Nhật, Mỹ, Đài Loan, Armenia và Slovenia.

Giáo sư danh dự Keith Barnham, nhà vật lý của Đại học Imperial College London, nhận định: “Nhật là một trong những nước có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vậy mà ai cũng có thể nhìn thấy họ đang phải chật vật đối phó ở Nhà máy Fukushima Daiichi như thế nào. Do vậy người ta càng cảm thấy lo ngại với những lò phản ứng đang có kế hoạch xây dựng hoặc đang hoạt động ở những khu vực không an toàn về tự nhiên, hoặc ở những nước có nền công nghệ kém phát triển”.

Thực tế không thiếu những dẫn chứng: Nhà máy điện hạt nhân Metsamor được Liên Xô xây dựng vào những năm 1970 và chỉ cách thủ đô Yerevan của Armenia 30km. Tháng 12-1988, một vụ động đất mạnh đã làm 25.000 người thiệt mạng ở miền tây bắc. Một năm sau, Nhà máy điện hạt nhân Metsamor phải đóng cửa trước rất nhiều lo ngại ngày càng mạnh mẽ về sự an toàn của nó.

Dù một trong những lò phản ứng của nhà máy đã được “cho nghỉ hưu”, các lò khác vẫn tiếp tục hoạt động. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phải tham gia quá trình tăng cường độ an toàn cho nhà máy từ hơn một thập niên qua.

Tuy nhiên, Hiệp hội Hạt nhân thế giới cho rằng Nhà máy Metsamor hiện đang là mối lo ngại lớn cho Liên minh châu Âu và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ cách đó chỉ 16km. Nhiều nhân vật, tổ chức trên thế giới đang lên tiếng yêu cầu đóng cửa, nhưng Armenia vẫn phải làm ngơ trước nguy cơ treo lơ lửng này do đang phải phụ thuộc rất lớn vào điện hạt nhân.

Những năm gần đây, các nguy cơ về thảm họa thiên nhiên đã được IAEA nhận định sẽ ngày càng nhiều và thiệt hại ngày càng lớn. Trung tâm An toàn địa chấn quốc tế đã được thành lập năm 2008 đang xem xét lại hàng loạt hướng dẫn về an toàn hạt nhân trước động đất và sóng thần sau những biến cố kinh hoàng tại Nhà máy Fukushima Daiichi.

Vấn đề an toàn hạt nhân, sau khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, cũng đang trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận thế giới.

James Acton, chuyên gia hạt nhân của Tổ chức tăng cường hòa bình thế giới Carnegie, nhận định: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là liệu con người có dự đoán được đúng nguy cơ gặp phải khi một lò phản ứng bị nạn (có thể do con người hoặc thiên nhiên gây nên) không, khi mà nguy cơ này lớn hơn khả năng chịu đựng của lò phản ứng. Đây là vấn đề cần phải được tất cả các nước có hoặc sắp có lò phản ứng xem xét nghiêm túc”.

Jeremy Gordon, biên tập của báo Tin Tức Hạt Nhân Thế Giới, cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn về quan điểm an toàn trong lĩnh vực điện hạt nhân. Ông cho rằng thực tế có quá nhiều nước, nếu không nói là hầu như tất cả, đều không có sự chuẩn bị cao khi đối phó với thiên tai hay tai nạn hạt nhân quy mô như Fukushima.

Trong khi đó, trên tờ Spiegel (Đức), nhà hoạt động vì hòa bình, tác giả người Mỹ Jonathan Schell, 67 tuổi, một lần nữa lên tiếng bênh vực quan điểm “thế giới không hạt nhân” mà ông đã nêu ra từ năm 1980. Tác giả của cuốn Định mệnh của Trái đất và Thập niên thứ 7: hình thù mới của nguy cơ hạt nhân này cho rằng “chơi” với năng lượng hạt nhân giống như đánh cược với quyền lực của Mẹ Trái đất, bởi so với các nguồn năng lượng khác, sức hủy diệt của nó cực lớn.

“Về khoa học mà nói, con người không được chuẩn bị để kiểm soát sức mạnh hạt nhân một cách thích hợp. Ảo tưởng nguy hiểm nhất về hạt nhân của con người là chúng ta nghĩ mình có thể kiểm soát được nó”.

Ông cũng cho biết chi phí xây dựng một nhà máy với các tiêu chuẩn mới sẽ đội lên rất cao, khoảng 10 tỉ USD/nhà máy. Như vậy tính kinh tế và “có ích cho môi trường” của năng lượng hạt nhân đã bị sụt giảm lớn.

Cứu sống chú chó trên biển sau 21 ngày

Đội tuần duyên Nhật Bản vừa cứu sống một chú chó (ảnh) giữa đại dương ba tuần sau động đất và sóng thần. Chú chó đứng trên đống đổ nát của một mái nhà và không bị thương tích gì khi được phát hiện ở bờ biển phía bắc, gần Kesennuma.

Đội tuần duyên lúc đầu thả một nhân viên cứu hộ xuống để đưa chú chó lên trực thăng, nhưng tiếng động cơ khiến chú quá sợ nên nhảy lung tung trên các đống đổ nát trôi lềnh bềnh. Trực thăng lại hết nhiên liệu trước khi họ động được vào chú đang run lập cập vì quá sợ. Vì vậy một tàu của đội tuần duyên gần đó lập tức được phái đến tiếp cứu, cuối cùng đưa được chú chó vào bờ an toàn.

Chú chó có mang một vòng đeo cổ “nhưng lại không cho biết thông tin gì về chủ nhân”. Sau khi được cứu, chú yên lặng, chỉ ăn bánh quy và xúc xích trên tàu.

Chiến dịch chung Nhật – Mỹ tìm kiếm hàng ngàn người mất tích với quy mô chưa từng có đã bước vào ngày thứ 3, tức ngày cuối cùng, hôm 3-4.

Riêng ngày đầu tiên, 120 máy bay và trực thăng cùng 65 tàu và 25.000 nhân viên đã tham gia tìm kiếm ở các khu vực ven biển, đầu nguồn các sông lớn.

Ngày đầu tiên: chỉ tìm được 32 thi thể, ngày thứ 2: 31 thi thể.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Facebook Youtube Tiktok Zalo