Đại học Hoa Sen – HSU

Thay đổi tư duy hộ khẩu như thế nào?

Thư Hiệu trưởng HSU - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện gửi sinh viên Bỏ sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân như là biện pháp quản lý cư trú. Đó là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng đối với Luật cư trú hiện hành, được ghi nhận trong một dự thảo luật liên quan do Bộ Công an trình cho Quốc hội trong kỳ họp này.

Nếu đề nghị này được chấp thuận, thì dự kiến sẽ có những cải cách mang tính bước ngoặt, cơ bản trong hệ thống quản lý cư trú được thiết lập từ nhiều thập kỷ.    

 Xã hội, các cơ quan, tổ chức và người dân đã quen với cuốn sổ được gọi là sổ hộ khẩu, như cách người ta quen với giấy khai sinh, giấy căn cước, hộ chiếu. Từ lâu, việc xuất trình sổ hộ khẩu được cho là thủ tục không thể thiếu trong hầu như tất cả các giao tiếp pháp lý cơ bản trong đời sống xã hội. Đi khai sinh, xin đi học, xin việc (dù tại cơ quan công hay tổ chức tư nhân), đăng ký kết hôn, mở tài khoản ngân hàng,… đều cần có bản sao hộ khẩu trong hồ sơ. Thậm chí, các cơ quan lãnh sự nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng đòi công dân Việt Nam xuất trình bản sao hộ khẩu khi làm thủ tục xin visa.

 Trong khung cảnh hội nhập quốc tế, cả nhà chức trách và người dân đều nhìn nhận rằng việc duy trì cơ chế quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc xác định nơi cư trú của cá nhân một cách chính xác lại là việc cần thiết cho việc xác lập, thực hiện giao tiếp pháp lý có hiệu quả và an toàn. Đặc biệt đối với nhà chức trách, cần làm rõ nơi cư trú nhằm tổ chức cho công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản, như quyền bầu cử, nghĩa vụ khai và nộp thuế, …

Sổ hộ khẩu đã đảm nhận một cách có hiệu quả vai trò công cụ xác định nơi cư trú nhằm phục vụ các mục tiêu ấy. Việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân phải được tổ chức như thế nào để công cụ mới không chỉ tiếp tục đảm bảo mà còn phải nâng cao tính hiệu quả so với công cụ được thay thế.

Yêu cầu số một là phải làm thế nào để tất cả công dân, không sót một ai, đều được cấp mã số định danh cá nhân. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện chỉ mới có khoảng 18 triệu công dân được cấp mã số định danh, chiếm chưa đến một phần năm dân số. Theo chỉ tiêu phấn đấu được đề ra, việc cấp mã số định danh cho toàn dân phải được hoàn thành vào cuối năm 2020. Để hoàn thành chỉ tiêu đó, cần sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống quản lý chức năng.

Điều quan trọng là cần phải quán triệt nhận thức theo đó, công dân có quyền có mã số định danh; cơ quan quản lý có liên quan phải thực hiện việc cấp mã số định danh cá nhân trong tư thế người cung ứng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền này.

Mặt khác, phải nhìn nhận cho đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của nơi cư trú được xác định theo mã số định danh cá nhân. Trong quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước, nơi cư trú của cá nhân được xác định dựa theo các thông tin truy xuất từ mã số định danh. Chính từ nơi cư trú này mà cá nhân giữ liên lạc với các cơ quan chức năng trong khuôn khổ các giao tiếp hành chính, như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký danh sách cử tri,…  

Trong quan hệ dân sự, nơi cư trú có thể được chủ thể giao dịch xác định theo ý chí, miễn là việc xác định thoả mãn những đòi hỏi của bên đối tác. Chẳng hạn, khi cần mở tài khoản ngân hàng và cần chứng minh nơi cư trú, bên yêu cầu mở tài khoản có thể xuất trình các minh chứng thuyết phục, như hoá đơn thanh toán tiền điện, nước, điện thoại,… chứ không nhất thiết bằng cách khai thác thông tin từ mã số định danh cá nhân.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện

Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen
(Bài đăng chuyên mục Chuyện đầu tuần trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25-5-2020)

Facebook Youtube Tiktok Zalo