Đại học Hoa Sen – HSU

Quản trị tri thức để tránh bẫy tri thức: liên hệ so sánh giữa vài quốc gia Đông Nam Á

Giữa thế kỷ 20 diễn ra một bước ngoặt trong chính sách phát triển. Câu hỏi đặt ra là: quốc gia nghèo tài nguyên làm thế nào để phát triển trong một thế giới mà nhu cầu và giá cả của nguyên liệu thô, nhất là nhiên liệu hóa thạch, ngày càng tăng? Làm thế nào để mua được năng lượng hóa thạch và kim loại nặng với giá ngày càng cao trong quá trình phấn đấu lên vị trí một nước công nghiệp hóa? Trong khu vực Đông Nam Á, câu hỏi này được đặt ra đối với Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, trong khi không hề được đặt ra ở Brunei Darussalam (một quốc gia nhiều dầu lửa).

Cần sử dụng nguồn lực con người như thế nào để đất nước vượt khỏi mức thu nhập thấp? Báo cáo Phát triển của Ngân hàng Thế giới năm 1998 – 1999 đã tổng kết ý tưởng khi nhận diện “tri thức” là nhân tố mới của sản xuất. So sánh con đường phát triển của Hàn Quốc và Ghana, Ngân hàng Thế giới kết luận rằng các yếu tố đầu vào truyền thống cho sản xuất như đất đai, vốn, lao động cơ bắp, chỉ giải thích được một phần nhỏ sự khác nhau trong trình độ phát triển giữa hai quốc gia. Phần còn lại được quy cho đầu vào/đầu ra cao hơn của “tri thức” trong những nỗ lực phát triển của Hàn Quốc. Đây cũng là điều giải thích vì sao Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những nước công nghiệp hàng đầu thế giới, còn Ghana thì tụt hậu. Lập luận này thực ra hơi đơn giản, nhưng kể từ đó đến nay nó đã thúc đẩy sự tăng cường đầu tư nghiên cứu đối với “tri thức cho phát triển” (knowledge for development, K4D) và cho một loạt các chương trình phát triển.

Nhiều người thường dẫn chứng Singapore như là hình mẫu về một quốc gia từ chỗ không có tài nguyên thiên nhiên trở thành một quốc gia công nghiệp công nghệ cao do quyết liệt thực hiện liên tục một chính sách tri thức và khoa học nhất quán. Phương pháp đánh giá tri thức (Knowledge Assessment Method, KAM) của Ngân hàng Thế giới và ngân hàng dữ liệu này đã trở thành công cụ giá trị cho các nhà lập kế hoạch phát triển trên toàn thế giới. Ý tưởng này tự nó không phải là mới. Ngay từ đầu những năm 1930, khi chứng kiến Đế chế Anh đang tan rã, Winston Churchill trấn an “những đế chế của tương lai sẽ là những đế chế của tinh thần”. Lịch sử thế giới sau đó cho thấy điều tự an ủi này đã thành một lời tiên tri.

Sau một thời kỳ ngắn ngủi chấp nhận và lao vào chiến lược phát triển tri thức có phần vội vàng, thiếu suy xét, ngày nay người ta có điều kiện đánh giá thực tế hơn và đầy đủ hơn việc này. Trong một số nghiên cứu, chúng tôi đã phát biểu về nan đề của việc “thu hẹp sự phân cách số hóa (digital gap)” (mục tiêu “thu hẹp” này do UNESCO đề xướng). Từ đó, chúng tôi đã cảnh báo các nhà kế hoạch phát triển về “bẫy tri thức” trên con đường tiến đến một nền kinh tế và xã hội dựa trên tri thức (Evers and Gerke, 2005).

…………………….

>> Xem thêm chi tiết bài viết

 

Theo Hans-Dieter Evers và Bùi Thế Cường
(Nguồn: phantichkinhte123.com, ngày 23.01.2015)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo