Đại học Hoa Sen – HSU

Phát hiện phóng xạ trong nước biển gần Nhà máy Điện Fukushima số 1

Công ty Điện lực Tokyo đã phát hiện chất phóng xạ iodine (iốt) và cesium (xedi) trong nước biển gần Nhà máy Điện hạt nhân  Fukushima số 1.

Đại diện Công ty Điện lực Tokyo trong một buổi họp báo. Ảnh: NHK

Chiều 21/3, Công ty Điện lực Tokyo đã lấy mẫu nước biển cách cửa cống thải của Nhà máy Điện hạt nhân  Fukushima 100 mét về phía Nam và phát hiện, trong mẫu nước này có chứa iodine phóng xạ 131 với mức phóng xạ cao hơn quy chuẩn 126,7 lần; cesium 134 có mức phóng xạ cao hơn quy chuẩn 24,8 lần; còn cesium 137 có mức phóng xạ cao hơn quy chuẩn 16,5 lần.

Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu sinh thái biển Misono’o Jun cho biết, nước biển nhiễm độc không có khả năng gây nguy hiểm ngay lập tức, vì chất phóng xạ sẽ loãng đi trong đại dương.

Nhưng ông Misono’o Jun nói rằng, chất cesium có xu hướng tích tụ lại trong mô cá, nên cần phải tiếp tục theo dõi dữ liệu và tìm hiểu kỹ tác động của chất phóng xạ đối với sự sống dưới biển.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, nhóm chuyên gia của IAEA đã đo phóng xạ trong không khí và trong đất tại 11 địa điểm ở tỉnh Fukushima.

Tại thị trấn Namie, cách nhà máy điện khoảng 20km về phía Tây Bắc, kết quả đo (vào lúc 14 giờ 55 phút ngày Chủ nhật 20/3) cho thấy, mức phóng xạ ở đây là 161 microsievert/giờ, cao hơn 1.600 lần so với chuẩn chung (là 0,1 microsievert/giờ) trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, mức phóng xạ có thể gây tổn hại sức khỏe con người là 1.000 microsievert/giờ trong 1 năm.

Tiếp tục khắc phục sự cố điện hạt nhân

Công ty Điện lực Tokyo đã nối lại hoạt động khôi phục đường điện và làm nguội các lò phản ứng hạt nhân số 2 và số 4 thuộc Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 trong sáng nay 22/3, do trong chiều qua, công việc phải tạm dừng vì có khói bốc lên ở 2 tòa nhà chứa lò phản ứng số 2 và số 3.

Trong buổi sáng nay, khói trắng vẫn tiếp tục bốc lên từ các tòa nhà chứa 2 lò phản ứng số 2 và số 3, nhưng khói ngày càng ít đi và ít có khả năng gây khó khăn cho các công nhân, kỹ sư tại đó.

Cũng trong ngày 22/3, nhân viên cứu hỏa từ Tokyo và Osaka  đã bắt đầu thực hiện việc phun nước vào trong lò phản ứng số 3 ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Liên quan đến công tác khắc phục thiên tai, các cơ quan chức năng Nhật Bản đang cố gắng xác định chính xác số người chết và mất tích trong thảm họa thiên tai vừa qua.

Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản cho biết, tính đến hết ngày 21/3, đã xác nhận được 9.079 người chết; 12.645 người mất tích.

(Nguồn: chinhphu.vn)

Facebook Youtube Tiktok Zalo