Đại học Hoa Sen – HSU

Ông Bùi Kiến Thành: Chúng ta đang bay trong vùng bất ổn định

Lần đầu tiên sau nhiều tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục, giờ chững và giảm; nhiều quan chức cho rằng, đây là tín hiệu tốt, giảm phát. Nhưng trên thực tế, giá các mặt hàng không hề giảm, kể cả hàng xa xỉ. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lên tiếng giải mã hiện tượng này…

Lãi suất lách luật gây sốc

Trước hiện tượng này, có nhiều ý kiến đối ngược nhau: một số người nói rằng đây là thành công của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; một số người khác kéo chuông báo động nói rằng đây là một tình trạng vô cùng khẩn trương thể hiện rằng, nền kinh tế bị đình đốn và đang đi xuống dốc. Và đây là một bệnh tình về kinh tế rất khó trị.

Cần phải nhắc lại rằng, cuối năm 2010, lãi suất ngân hàng ở Việt Nam đã khá cao (lãi suất huy động 12%/năm), gây ra những biểu hiện như: hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm bị ảnh hưởng.

Vì thế, trong cuộc họp với đại diện của các cấp địa phương ngày 30/12/2010, Thủ tướng đã có ý kiến: Nhiệm vụ chính trị của hệ thống ngân hàng năm 2011 là bằng mọi cách kéo lãi suất xuống. Thế nhưng, đầu năm 2011, chưa có dấu hiệu gì thể hiện có thể thực hiện mục tiêu này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

 

Nhưng trong năm 2010, đặc biệt là 2011, các ngân hàng thương mại hoạt động không theo chuẩn mực nào cả, lách luật, lách hết các quy định… để đưa lãi suất huy động lên rất cao. Ngân hàng Trung ương không kiểm soát được hệ thống ngân hàng thương mại nên đã cho phép họ áp dụng lãi suất đồng thuận.

Tiếp sau đó, Ngân hàng Trung ương lại ra chỉ thị cho phép cho doanh nghiệp vay với lãi suất thỏa thuận, bỏ qua tất cả những quy định của Luật pháp. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng thương mại đã hoạt động hổn loạn, phi pháp và lỗi rất lớn là từ phía Ngân hàng Trung ương.

Hệ quả là lãi suất huy động được đẩy lên rất cao mà động thái gây sốc là Techcombank đưa lãi suất huy động lên 17%. Các ngân hàng lao vào trận chiến huy động vốn để rồi cứ đẩy lãi suất lên cao. Trong năm 2011, lãi suất cho vay thực tế (cộng thêm tất cả các khoản phí do ngân hàng đặt ra) có khi lên tới mức 27%, thậm chí 30%.

CPI thiểu phát, cần điều chỉnh chính sách

Đến cuối năm 2011, chúng ta có những báo cáo của Bộ Công thương, báo cáo của Phòng Thương mại, báo cáo của các nghiệp đoàn cho thấy rằng, hàng chục vạn doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, dưới 10% sẽ hoạt động tốt, trên 10% bắt đầu gặp khó khăn.

Sang năm 2012, trong 4 tháng đầu năm, lãi suất không giảm. Tháng 5, Thống đốc Ngân hàng đưa ra quy định giảm lãi suất huy động xuống 14%, rồi sau đó, 9% nhưng thực tế không ngân hàng nào theo cả.

Họ dùng đủ mọi thủ thuật để giữ lãi suất huy động cao. Điều này vẫn dẫn tới vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất hợp lý để hoạt động và tiếp tục gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, một phần lớn hoạt động cầm chừng.

Và như vậy, ảnh hưởng tới vấn đề lao động. Hàng triệu lao động hoặc là bị thất nghiệp, hoặc là không có việc làm và không được trả lương. Vì thế, sức tiêu thụ trong nền kinh tế giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 là -0,26% so với những tháng trước. CPI xuống nhưng lại xuống tới mức chết, mức thiểu phát, chứ không phải mức ổn định. Tình hình kinh tế Việt Nam hiện như chiếc máy bay đang bay trong vùng bất ổn định do chính chúng ta tạo ra, nếu cứ tiếp tục thì không an toàn.

Nhưng chúng ta dường như vẫn đang cắm sâu vào vùng bất ổn định. Trong khi đó, chỉ cần điều chỉnh chính sách là có thể làm ổn định vùng trời đó.

Tôi xin nhắc lại, quan trọng nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể sống, phục hồi và phát triển. Đó cũng là mục tiêu của Nghị quyết 11 (tháng 2/2011) về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Hoàng Hạnh (thực hiện)

(Nguồn: http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201207/ong-Bui-Kien-ThanhChun…)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo