“Nước Nhật sẽ trở lại từ đống đổ nát”
Nước Nhật tan hoang sau động đất và sóng thần – Ảnh: Boston
Hôm qua (18/3), còi báo động vang lên khắp đường bờ biển phía đông bắc nước Nhật, đánh dấu quốc gia này đã trải qua một tuần sau thảm họa động đất và sóng thần. Thiên tai đã giết hại hàng nghìn người, phá hủy nhiều làng mạc, thị trấn.
Tại nơi thảm họa, vào lúc 14h46 (đúng thời khắc mà động đất xảy ra), những người lính cứu hỏa và dân chúng đã dành một phút mặc niệm. Mọi người cúi thấp đầu và nắm chặt tay cầu nguyện.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói, “chúng ta sẽ xây dựng lại Nhật Bản từ đống đổ nát”. “Trong lịch sử của chúng ta, một quốc đảo nhỏ bé đã tạo nên kỳ tích kinh tế, nhờ vào sự nỗ lực của mọi người dân”.
“Đó là cách mà Nhật Bản đứng dậy”, ông cho hay. Thủ tướng Kan thề rằng, thảm họa này sẽ không thể đánh gục Nhật Bản.
Hôm qua, lần đầu tiên, Giám đốc Công ty điện lực Tokyo Akio Komiri đã bật khóc khi thừa nhận, mức rò rỉ phóng xạ hiện nay ở nhà máy Fukushima số 1 có thể giết chết người, và nhiều tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát.
Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản ngày 18/3 đã nâng mức cảnh báo sự cố tại nhà máy Fukushima số 1 thêm một cấp, lên cấp 5 trong thang 7 cấp theo quy định quốc tế về mức độ trầm trọng của các sự cố hạt nhân.
Trong khi, theo cố vấn cấp cao về khoa học và kỹ thuật của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Graham Andrew, lượng phóng xạ đo được hiện nay ở Nhật Bản và các vùng phụ cận không đe dọa sức khỏe con người.
Tại cuộc họp báo hôm 18/3 ở Vienna, Áo, ông Andrew cho biết gần 270 trạm giám sát, trong đó có 63 máy cảm ứng đồng vị phóng xạ, đang hoạt động và liên tục cập nhật thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Quốc tế đặt tại Vienna xử lý và phân tích.
Những đo đạc ban đầu ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản không phát hiện iodine 131 hay cesium 137, các sản phẩm phát sinh từ quá trình phân hạch hạt nhân.
Như vậy, tính đến lúc này, nồng độ phóng xạ ở Tokyo và các thành phố khác của Nhật Bản chưa đòi hỏi hành động ngay, tức là chưa đến mức gây nguy hiểm cho con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thông báo, tình trạng nhiễm xạ ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản tại thời điểm này vẫn ở mức cho phép, nên mọi người có thể đi tới thành phố trên mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng trong ngày 18/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano đã lên tiếng thừa nhận, chính phủ nước này cảm thấy sốc vì mức độ tàn phá khủng khiếp của thiên tai kép vừa qua, nên phản ứng chậm đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Theo số liệu của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến sáng 18/3, số người thiệt mạng và mất tích trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11/3 đã lên tới 16.600 người, trong đó 6.405 người thiệt mạng và 10.259 người mất tích.
Trong lúc này, các chuyên gia vẫn nỗ lực hết sức để làm lạnh các lò phản ứng hạt nhân. Công ty điện lực Tokyo cho hay đã đưa được cáp điện tới nhà máy. Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi, điện sẽ được đấu nối tới hệ thống làm lạnh của lò số 1, 3 và 4.
(Nguồn: Vneconomy)