Đại học Hoa Sen – HSU

Nữ giới chỉ chiếm 30% nhân lực trong ngành CNTT

Mất cân bằng giới tính là vấn đề luôn tồn tại trong ngành CNTT. Những định kiến, nhìn nhận sai lầm của xã hội đang giới hạn nữ giới rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực vô cùng năng động này.

Mất cân bằng giới tính trong ngành công nghệ

Trong xã hội hiện đại, CNTT đã và đang giúp mọi người tiếp cận nền giáo dục tiên tiến hơn, học hỏi kĩ năng mới cần thiết cho công việc hoặc mở đường cho quá trình khởi nghiệp thành công. CNTT còn là yếu tố quan trọng giúp các tổ chức và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu cộng đồng nhờ mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, ngân hàng vi mô và các dịch vụ thiết yếu khác.

Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, ngành CNTT đang có những bước phát triển như vũ bão với các xu hướng thiết bị cá nhân, điện toán đám mây và Big data. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, CNTT đang từng bước trở thành một lĩnh vực trọng yếu, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn và là điểm tựa cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng từng ngày hội nhập với những xu hướng chung của thế giới. Từ đó, tạo nên một nhu cầu nhân lực rộng lớn và cơ hội làm việc, thăng tiến cao.

Tuy nhiên, một thực tế mà những ai làm trong ngành CNTT lâu năm đều có thể nhận ra, đó là có quá ít nữ giới đang làm việc trong lĩnh vực này. Theo báo cáo nhân sự của 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới như Intel, Microsoft, Samsung… Năm 2014, tỷ lệ nữ giới làm việc tại những công ty này chỉ chiếm khoảng 30%.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Đầu tiên, có thể kể đến những quy ước tiêu chuẩn về giới tính, khi hiện nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ cho rằng nam giới sẽ giỏi hơn nữ giới trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học và toán học. Dẫn đến việc các công ty thường hạn chế tuyển dụng nữ giới làm việc trong những lĩnh vực này.

Từ đây, xuất hiện tình trạng số lượng nữ giới theo học các chuyên ngành về CNTT ngày càng ít đi, làm cho nguồn nhân sự cung ứng cho lĩnh vực này trở nên hạn chế.

Thống kê của Trung tâm Phụ nữ và CNTT quốc gia Hoa Kỳ (NCWIT) năm 2008 cho thấy, 57% số người tốt nghiệp ĐH trên toàn nước Mỹ là nữ giới. Thế nhưng, trong các chuyên ngành máy tính và khoa học thông tin, con số này chỉ là 18%. Tại hãng tin AP, số nhân sự là nữ làm việc liên quan đến IT chỉ chiếm 17% và đang có xu hướng giảm.

Theo một nghiên cứu của tạp chí American Sociological Review (thuộc Hiệp hội Xã hội học Mỹ), các nhà quản lý tuyển dụng thường tuyển những cá nhân có sự tương đồng  về văn hóa với họ (ví dụ như sở thích, thói quen, kinh nghiệm…). Do đó, trong giới công nghệ, một nhóm làm việc toàn nam giới sẽ muốn tuyển thêm những người mới là nam giới khi mở rộng đội ngũ. Điều này khiến cho nữ giới khó cạnh tranh hơn trong việc ứng tuyển vào công việc yêu thích của mình.

Cùng làm một công việc như nhau, nhưng lương của nam giới lại luôn cao hơn nữ giới, cùng với đó là sự thiên vị, định kiến của cộng đồng cũng khiến cho nữ giới ngày càng vắng bóng trong lĩnh vực CNTT. Năm 2014, những người làm việc trong ngành CNTT đã từng xôn xao khi Brianna Wu, tác giả của game mobile Revolution 60 và chồng mình bị dọa giết chết khi đứng lên bày tỏ quan điểm và kêu gọi phong trào bình đẳng, tôn trọng đối với phụ nữ trong ngành công nghiệp game.

Nhiều cơ hội hơn thách thức

Bà Dương Quỳnh Hương, Đồng sáng lập và điều hành Fablab Saigon & Getspaces cho rằng, những định kiến như ngành CNTT thường buồn chán và tẻ nhạt hay nam giới có cơ hội thăng tiến tốt hơn nữ giới giờ đây không còn phù hợp, thậm chí hoàn toàn sai.

Theo bà Hương, ngành CNTT hiện nay đang có hai hướng đi để các bạn sinh viên lựa chọn, đó là làm việc trong môi trường thuần công nghệ và ứng dụng công nghệ để phục vụ cho công việc của mình. Trong đó, hướng đi thứ hai mở ra rất nhiều cơ hội cho nữ giới như bán hàng, dịch vụ khách hàng, khởi nghiệp… “Bản thân tôi, tuy tốt nghiệp Thạc sĩ thiết kế và phát triển vi mạch tại Pháp, nhưng cũng chưa bao giờ giới hạn mình trong những khuôn khổ của máy tính hay phòng thí nghiệm”.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Tuyết Loan, Giám đốc công nghệ tại Harvey Nash Vietnam cho rằng, nữ giới hoàn toàn hoàn toàn có thể sánh ngang nam giới về khả năng học tập, làm việc cũng như thăng tiến trong lĩnh vực công nghệ. Được biết, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Pháp và gắn bó 20 với ngành CNTT, bà Loan đã trở thành một trong những nữ giám đốc công nghệ hiếm hoi tại Việt Nam.

“Trong một môi trường làm việc, sự cân bằng giới tính giữa nam và nữ sẽ tạo ra một động lực đáng kể để thúc đẩy năng suất lao động tăng cao. Khi sự mềm dẻo, nhạy cảm, đa năng và bền bỉ của nữ giới sẽ bổ khuyết cho sự thô cứng, vô tâm của nam giới. Từ đó, tạo nên mối quan hệ tương hỗ, giúp đỡ nhau trong công việc, thúc đẩy quá trình sáng tạo. Chính vì vậy, đối với các công ty, tập đoàn lớn đang hoạt động trong một số những lĩnh vực như CNTT, điện tử, viễn thông… việc tuyển dụng các nhân viên là nữ đang được chú trọng rất nhiều. Thậm chí có nơi, nữ giới còn được nhiều ưu đãi hơn so với nam giới khi làm việc”, một chuyên gia về phân tích thị trường lao động cho biết.

Ngày 12/9 vừa qua, trường ĐH Hoa Sen phối hợp cùng Microsoft Việt Nam đã tổ chức sự kiện Tech Femme dành cho nữ giới về nghề nghiệp trong ngành CNTT. Đây là sự kiện thường niên được Microsoft tổ chức thành công tại Singapore, Malaysia, Úc.  Năm 2015,  Tech Femme lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn sinh viên nữ Việt Nam có hiểu biết đúng đắn về ngành CNTT, qua đó có thể lựa chọn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này trong tương lai.

 

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Thiện An
(Nguồn: Khám phá; ngày 23/09/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo