Đại học Hoa Sen – HSU

Nhà máy hạt nhân Nhật rung mạnh hơn giới hạn thiết kế

Sáng nay 14-4, Hãng tin Kyodo cho hay sau cơn dư chấn 7,4 độ Richter hôm 7-4 vừa qua, lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi đã bị rung lắc mạnh hơn tiêu chuẩn cho phép theo thiết kế ban đầu.

Một ít nước nhiễm xạ rò rỉ từ ba lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Onagawa sau dư chấn mạnh 7,4 độ Richter hôm 7-4 – Ảnh: Kyodo

Hidehiko Nishiyama – phát ngôn viên của Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản (NISA), nói rằng mức độ kháng chấn giả định đó có nghĩa là “không được vượt quá theo nguyên tắc”.

“Chúng ta không nên lo ngại con số đó nhưng phải đánh giá lại tính an toàn của các công trình này”, ông Nishiyama nói. Điều này cũng khiến nghi ngờ về khả năng kháng địa chấn ở các lò phản ứng khác của Công ty Điện lực Tohoku – đơn vị điều hành nhà máy Onagawa, tăng cao.

NISA đã yêu cầu Công ty Tohoku kiểm tra lại khả năng kháng địa chấn ở toàn bộ ba lò phản ứng tại nhà máy Onagawa. Dù không tiếp tục hoạt động sau dư chấn ngày 7-4, các lò này đã mất đường điện ngoài và hệ thống điện làm mát bể chứa nhiên liệu hạt nhân cũng phải ngừng lại một thời gian ngắn.

Lại động đất ở phía đông đảo Honshu

Những trận động đất lại liên tiếp diễn ra ngoài khơi và trên đất liền đảo Honshu của Nhật Bản trong sáng nay khiến mối lo ngại cho cuộc sống người dân và các nhà máy điện hạt nhân càng gia tăng.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho hay  lúc 5g57 sáng nay(3g37 ngày 14-4 theo giờ VN), một trận động đất 6,1 độ Richter đã xảy ra ngoài khơi phía đông đảo Honshu, ở 39,587° vĩ độ bắc, 143,357 kinh độ đông, cách thủ đô Tokyo 537km về phía đông bắc. Tâm chấn có độ sâu 11,2km. Đây cũng được coi là dư chấn của trận siêu động đất 8,9 độ Richter ngày 11-3.

Ngay sau đó, lúc 12g09 (10g09 ngày 14-4 theo giờ VN) lại có một trận 5,4 độ Richter xảy ra ngay trên đất liền của đảo Honshu, cách thành phố Iwaki của tỉnh Fukushima 8km về phía đông, đông nam. Đây cũng là khu vực vừa chịu đựng các dư chấn hơn 7 độ Richter trong tuần qua làm khoảng 10 người chết. Dư chấn này có độ sâu 23,8km, cách thủ đô Tokyo về phía đông bắc. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại.

Hôm nay, Robert Geller – giáo sư tại Đại học Tokyo, cho rằng Nhật Bản không cần làm công tác dự báo động đất nữa bởi tất cả địa điểm ở đất nước này đều có nguy cơ hứng chịu địa chấn sau siêu động đất ngày 11-3. Ông nói rằng tốt nhất chính phủ hãy chuẩn bị cho những điều không thể ngờ tới và khẳng định động đất không thể dự báo trước.

Geller cho biết kể từ năm 1979 động đất đã giết chết 10 người ở vùng mà Nhật Bản coi là có ít khả năng động đất nhất trên bản đồ thảm họa phát hành hằng năm. Ông cho rằng bản đồ đó đã dùng các phương pháp sai lầm và không được xem xét lại.

“Sóng thần đánh vào nhà máy Fukushima 1 lẽ ra có thể tiên đoán trước nếu các chuyên gia làm bản đồ dùng các dữ liệu lịch sử, nhất là cơn sóng thần Sanriku cao 38m năm 1896, để làm cơ sở đánh giá thảm họa – ông Geller nói – Biện pháp tốt nhất là đối phó trước với chúng, tích hợp vào các thiết kế ban đầu của mọi công trình”.

Trước đó, AP cho biết các bức tường chắn sóng thần hiện đại ven biển đã bị phá nát hôm 11-3 và cho rằng người Nhật Bản đã quên lời dặn dò của tổ tiên khi xây nhà gần biển. Hàng trăm tảng đá 600 năm tuổi được dựng ở các vùng ven biển của nước này có ghi những hàng chữ “Xây nhà cao là bảo vệ bình yên cho con cháu chúng ta”, “Hãy nhớ đến thảm họa kinh hoàng do sóng thần gây ra”, “Đừng xây bất kỳ ngôi nhà nào dưới mốc đánh dấu này”, “Nếu có động đất, hãy cảnh giác sóng thần”, “Hãy chọn cuộc sống, đừng chọn tài sản”…

“Người ta biết điều này nhưng quá bận rộn với công việc, cuộc sống và rồi quên mất”, Yotaru Hatamura – một học giả nghiên cứu các tảng đá cổ, cho biết –  Nhưng có lẽ giờ đã đến lúc họ cần nhớ lại”.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Facebook Youtube Tiktok Zalo