Đại học Hoa Sen – HSU

Nâng cao nội lực, không có con đường khác

Hiện nay, chỉ có 24 doanh nghiệp từ Việt Nam được chấp thuận đủ điều kiện thông quan điện tử vào Mỹ. Và để thỏa mãn các yêu cầu của thị trường Mỹ đặt ra hay tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải trở nên “chất lượng” hơn!

Dấu hỏi năng lực

Muốn tiếp cận thị trường Mỹ, năng lực doanh nghiệp là vấn đề được ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nhấn mạnh tại một buổi nói chuyện gần đây. Buổi nói chuyện có chủ đề: “Thuận lợi thương mại và các hiệp định thương mại quốc tế” do Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức.

Ông nói: “Mỹ luôn có yêu cầu chi tiết và khác nhau với hàng hóa được nhập khẩu. Để tận hưởng thuế suất bằng 0, đầu tiên, doanh nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các giấy chứng nhận về chất lượng, trang web, đặc biệt, phải đạt các tiêu chuẩn của Mỹ để được cấp mã số DUNS (các tập đoàn lớn trong danh sách Fortune Global 500 đều yêu cầu các đối tác của mình phải có chứng nhận mã số DUNS, và nhiều tổ chức hiệp hội trên toàn cầu yêu cầu các đối tác tham gia thị tường cung ứng phải có mã số này) hay các loại chứng nhận khác như Electronic data interchange (EDI)…”.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, hiện trong khối ASEAN, hai nước ở thế cạnh tranh và có giá trị xuất khẩu vào Mỹ tương đương nhau là Thái Lan và Việt Nam nhưng tương lai sẽ là cạnh tranh giữa Việt Nam và Malaysia, vì Thái Lan không nằm trong khối TPP. Nếu so sánh với Malaysia, thực sự chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều.

Trong một cuộc giao lưu gần đây tại TPHCM, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, nói với các doanh nhân rằng, cải thiện nội lực và tự nâng cấp mình là việc của mỗi người Việt Nam và qua đó chất lượng doanh nghiệp Việt Nam mới có thể có biến chuyển. Ông nói: “Có những đối tác nước ngoài nói thẳng với tôi là người Việt phải học tập thêm nhiều. Trong một nhà máy của Đức, trung bình mỗi ngày một kỹ sư Đức tạo ra giá trị tương đương 900 euro nhưng một kỹ sư Việt Nam cũng làm việc tại đó chỉ tạo ra giá trị 200 euro một ngày.

Thu nhập bình quân đầu người của Singapore hiện gần gấp 30 lần của Việt Nam, dù biểu đồ tăng trưởng GDP của họ khiêm tốn hơn ta rất nhiều. Ở Mỹ, nếu bạn không trả lời được về sự khác biệt của mình trong vòng 30 giây thì… xin mời đi”.

Trong một cuộc trò chuyện, giám đốc nhân sự một tập đoàn lớn cho biết thị trường lao động tại Việt Nam gần đây có một lực lượng lao động trung cấp từ Philippines, Indonesia, châu Phi, và cả từ châu Âu sang tìm việc.

Một số doanh nghiệp FDI đang tính toán lại giữa việc phải thuê ba người Việt và thuê một người nước ngoài, họ thiên về chọn thuê một người nước ngoài và đồng ý trả lương cao, vì nhân sự đông thì các chi phí như điện nước sẽ cao hơn, quản lý khó hơn mà chưa chắc công việc đạt hiệu quả hơn.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Giờ đây, doanh nhân nào mà vẫn “chùng chình”, coi hội nhập còn ở ngoài ngõ thì ngày mai sẽ ngỡ ngàng vì thị trường đã bị lấp đầy bởi “những người xa lạ”. Hãy nhìn các tập đoàn lớn trong khối ASEAN đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng chuyển mình như thế nào.

Như tập đoàn Maybank Kim Eng của Malaysia, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tổ chức chuỗi hội nghị đầu tư dành cho đối tác, khách hàng của họ trên toàn ASEAN và từ châu Âu, Mỹ có cơ hội gặp gỡ, kết nối với nhau tại một loạt thị trường lớn trong khu vực. Kết nối sinh ra kết nối, sinh ra nhu cầu đầu tư, vay mượn, hợp tác… Nhờ vậy, Maybank có việc để làm, có cơ hội cung cấp dịch vụ, có doanh thu.

Tại hội nghị đầu tư – Invest ASEAN 2015 tổ chức tại TPHCM tuần trước, ông John Chong, Giám đốc điều hành tập đoàn Maybank Kim Eng, chia sẻ với các nhà báo rằng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, với hơn 620 triệu người, Đông Nam Á là ngôi nhà cho 10% dân số toàn cầu và trở thành thị trường lớn thứ ba trên thế giới – vượt qua Mỹ và EU, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ về quy mô dân số.

Xét về tổng quy mô kinh tế, Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất. Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đó là lời kêu gọi hành động: bật đèn xanh cho khu vực trở thành tâm điểm trong chiến lược tăng trưởng của mình.

“Thời điểm của ASEAN đã đến. Kinh doanh trong khu vực này không còn là việc đánh cược với thời gian, chờ đợi cơ hội phù hợp xuất hiện, mà là trở thành người đi đầu, ghi dấu ấn lên giới tiêu dùng trẻ, nhạy cảm và đầy triển vọng của ASEAN. Không một doanh nghiệp nào đang phát triển lại có thể bỏ qua những cơ hội to lớn này. Nhưng làm thế nào để tận dụng những cơ hội này? Sự đa dạng của ASEAN khiến ta khó có thể quy người tiêu dùng về một dạng đồng nhất, nhưng nó cũng tạo ra không gian vô hạn cho những doanh nghiệp sắc sảo tạo nên những phân phúc riêng cho mình”, ông Chong nói. Việc đáp ứng làn sóng tiêu dùng sắp tới của ASEAN đòi hỏi không chỉ có kiến thức địa phương sâu rộng mà còn phải có năng lực sản xuất lớn, và Việt Nam không có hướng đi nào khác ngoài việc tự nâng mình hơn nữa.

……………………..

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Hồng Phúc
(Nguồn: Thesaigontimes, ngày 15/06/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo