Đại học Hoa Sen – HSU

Mức phóng xạ ở Việt Nam nhỏ hơn giới hạn 500 nghìn lần

Một quan chức cấp cao của Bộ Khoa học Công nghệ cho biết mức phóng xạ trong không khí đo được hôm qua thấp hơn nhiều so với giới hạn theo tiêu chuẩn Việt Nam, và do đó không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Dưới đây là giải thích chi tiết của Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, về việc phát hiện đồng vị phóng xạ i-ôt ở Việt Nam.

Mô phỏng hình ảnh đám mây phóng xạ tại Đông Nam Á ngày 29/3, theo tổ chức hiệp ước cấm thử toàn diện hạt nhân. Đồ hoạ: VAEC.

– Bộ Khoa học và Công nghệ tối qua cho biết, một trạm đo đạc ở Hà Nội đã phát hiện đồng vị phóng xạ trong không khí, nhưng thông tin trong báo cáo cũng nói rằng đám mây phóng xạ chưa vào lãnh thổ Việt Nam. Tiến sĩ giải thích điều này như thế nào?

– Cách gọi mây phóng xạ hay phóng xạ trong không khí là giống nhau, hiểu đơn giản là phóng xạ tập trung trong không khí tạo thành mây phóng xạ, nếu đám mây phát tán sẽ thành phóng xạ trong không khí.

Thông tin trong hôm nay và ngày mai mây phóng xạ không vào lãnh thổ Việt Nam là theo báo cáo của Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện CTBTO dựa trên tính toán về hình ảnh mô phỏng theo lý thuyết, tức là tổ chức này dùng chương trình máy tính đo tốc độ gió, khí hậu hoặc thời tiết để phỏng đoán sự di chuyển của đám mây phóng xạ. Còn trên thực tế, theo đo đạc của Trạm quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Việt Nam, đã xuất hiện đồng vị phóng xạ I-131 với hàm lượng nhỏ trong không khí.

– Nguồn gốc của phóng xạ vừa phát hiện trong không khí ở Việt Nam là từ đâu?

– Xác xuất lớn là từ Nhật sang, nhưng cũng có thể có cơ sở sản xuất hoặc sử dụng i-ốt. Cần có thêm các kết quả khác mới xác định được nguồn gốc chính xác phóng xạ này từ đâu tới.

– Đồng vị phóng xạ I-131 ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào?

– I-131 là một i-ốt phóng xạ, có thể chữa những bệnh liên quan đến tuyến giáp như bướu cổ. Nhưng nếu hít vào với hàm lượng cao sẽ gây ra bệnh liên quan tới tuyến giáp như ung thư, còn ở mức thấp sẽ không gây hại.

Người dân không nên quá lo lắng, vì mức phóng xạ còn ở rất thấp. Theo mức tiêu chuẩn, nồng độ phóng xạ đo được ở Việt Nam hôm qua thấp hơn 500.000 lần so với giới hạn quy định trong bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6866:2001).

Tiêu chuẩn Việt Nam quy định giới hạn liều đối với người dân do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường đối với công chúng là 1 mSv/năm (Micro Sivert – đơn vị đo liều phóng xạ) lấy trung bình trong 5 năm liên tục, trong 1 năm đơn lẻ không vượt quá 5 mSv.

Kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí của Trạm quan trắc mẫu sol khí tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân được công bố hôm qua là 24,2 x 10 mũ -6 Bq/m3 (Berquerel – đơn vị hoạt độ phóng xạ). Như vậy, mức nồng độ này nhỏ hơn khoảng 500 ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định trong tiêu chuẩn của Việt Nam và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

– Hôm nay, Nhật Bản đã đưa mức cảnh báo lên cao nhất. Việt Nam có ứng phó như thế nào trước diễn biến mới này?

– Hiện nay các trạm quan trắc của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mức phóng xạ trong không khí để đưa ra thông tin cập nhật nhất

(Nguồn: VnExpress)

Facebook Youtube Tiktok Zalo