Đại học Hoa Sen – HSU

Một tạp chí khoa học cho đại chúng

Nhìn vào danh sách khoảng 500 tờ báo, tạp chí ở Việt Nam hiện nay, ta thấy có một khoảng trống lớn: không có những tờ báo, tạp chí khoa học “giới thiệu” cho một số đông độc giả không phải là nhà khoa học chuyên sâu có thể hiểu được những nội dung, tư tưởng chính của những thành tựu khoa học công nghệ mới.

Sự trống vắng này là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng, nhất là những bạn đọc trẻ tuổi. Không có một nơi để khêu gợi lòng say mê khoa học, ước mơ tìm tòi khám phá, thế hệ trẻ dễ lãng phí thời gian vào những chuyện “chém, giết, cướp, hiếp” đầy rẫy hằng ngày trên mặt báo.

Thử nhìn ra thế giới: ở Mỹ có tờ Scientific American ra mắt năm 1845, và cho đến nay là tờ nguyệt san liên tục lâu đời nhất của Mỹ. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, kể cả Albert Einstein, đã từng viết bài cho tạp chí để những độc giả không chuyên có thể hiểu những phát minh mới nhất của khoa học. Hiện nay Scientific American phát hành gần 500.000 bản mỗi tháng, và được in bằng 18 thứ tiếng. Bên cạnh Scientific American còn có Popular Science Monthly xuất bản từ 1872, hiện nay được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ, có mặt ở hơn 45 quốc gia.

Ở Liên Xô trước đây có rất nhiều tạp chí khoa học dành cho đại chúng, nổi tiếng nhất là Наука и жизнь (Khoa học và Đời sống), mà vào những năm 80 của thế kỷ trước phát hành 3.400.000 bản mỗi tháng; Знание — сила (Tri thức – Sức mạnh), 700.000 bản mỗi tháng. Tác giả thường xuyên của những tạp chí này là những nhà khoa học rất nổi tiếng, như nhà vật lý Kapitsa, nhà toán học Smirnov, và các giáo sư của Đại học Tổng hợp Lomonosov.

Có lẽ ít ai không đồng ý là ở Việt Nam cũng rất cần có những tạp chí khoa học như vậy. Nhưng làm thế nào để có?

Trước tiên, để tạp chí sống được, nó cần có độc giả. Giới trẻ ngày nay không phải là không ham thích khoa học công nghệ, mà trái lại nữa: những cuộc thi như “sáng tạo robot” chẳng hạn, có lẽ ở Việt Nam còn sôi nổi hơn ở các nước khác. Hay như cảnh xếp hàng rồng rắn để mua cho được “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”. Đó là chưa kể báo chí không chỉ nhằm đáp ứng ham thích của độc giả, mà nhiệm vụ còn quan trọng hơn là góp phần tạo ra những ham thích lành mạnh ở họ.

Tiếp đến là cần có đội ngũ tác giả. Viết bài để nói về những thành tựu khoa học “cao siêu” một cách khá sâu sắc, nhưng để cho người không chuyên cũng hiểu được, là việc làm hết sức khó khăn. Nhưng ở Việt Nam không phải không có những người đủ khả năng và tâm huyết để làm việc đó. Trước đây đã từng có những người như GS Đặng Mộng Lân, ngày nay thì như GS Phạm Duy Hiển, Cao Chi… và rất nhiều người khác nữa, đặc biệt có thể hy vọng vào đóng góp của những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các bạn trẻ đang được học tập, làm việc ở những trung tâm khoa học tiên tiến khắp thế giới. Chỉ cần dạo qua “thế giới blog” là có thể tìm ra nhiều “tác giả tiềm năng”, mà ở đây chỉ kể một số blog: Thích học toán, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Nguyễn Tiến Dũng, Khoa học máy tính,… Họ gần như đang làm cái việc mà một tờ tạp chí tương lai hướng đến.

Nói vậy để thấy, một tờ báo khoa học cho mọi người là cần có, và đã có những tiền đề: độc giả, tác giả. Vậy để có nó còn cần gì nữa: cần người (cơ quan) đứng ra tổ chức, và tất nhiên là cần “một ít” tiền (ít ra là trong vài ba năm đầu, khi tờ báo còn chập chững tập đi và chưa thể tự kiếm ăn được)!

Theo Tia Sáng

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo