Đại học Hoa Sen – HSU

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo

Xây dựng TPHCM thành đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo là mục tiêu cơ bản về phát triển thành phố giai đoạn 2020 – 2025, được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương tích cực, nghiêm túc thực hiện các công tác cần thiết cho việc xây dựng, hoàn chỉnh các yếu tố mang tính điều kiện cho sự hình thành đô thị thông minh và sáng tạo. 

Trước hết là những yếu tố cơ bản, đặc trưng cho một đô thị hiện đại theo nghĩa kinh điển, như: hạ tầng giao thông, khu dân cư, trung tâm thương mại, công sở, công trình phúc lợi công cộng khang trang. Bên cạnh đó là hạ tầng công nghệ thông tin, cho phép thực hiện giao tiếp suôn sẻ từ mọi nơi, vào mọi lúc, trên phạm vi toàn cầu dựa vào các nền tảng trực tuyến.

Cơ sở vật chất và công nghệ ngày càng vững chắc, cùng với tính cần cù, năng động, nhạy bén vốn có của người dân TPHCM đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội.

Một trong những điểm nhấn trong bức tranh thành tựu của thành phố là việc chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỉ lệ của khu vực dịch vụ, giảm tỉ lệ của các khu vực công nghiệp, nông nghiệp. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động sáng tạo đã kích thích sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với xu thế giảm diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm.

Các hoạt động sáng tạo cũng góp phần nâng cao năng suất lao động bình quân tính theo đầu người trong tất cả khu vực, từ kinh tế đến hành chính và dịch vụ công, giúp thành phố khẳng định vị trí địa phương sử dụng nhân lực có hiệu quả nhất nước.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo theo các tiêu chuẩn của cách mạng công nghiệp 4.0, còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, phải nhận diện chính xác, đầy đủ các thách thức phải đương đầu trước mắt và trong dài hạn để có đối sách phù hợp.

Một trong những thách thức to lớn là sự biến đổi khí hậu và nóng lên của trái đất, dẫn đến tình trạng khó lường của mưa lũ và triều cường do nước biển dâng. Nạn ngập úng dai dẳng không chỉ đe dọa các công trình hạ tầng mà còn làm đảo lộn ngày càng nghiêm trọng hoạt động kinh tế và sinh hoạt thường nhật của người dân. Từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực, nhưng việc ngăn chặn, khắc phục thiệt hại vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Cần có những giải pháp căn cơ, cho phép ứng phó với hiệu quả bền vững. Điều đó đòi hỏi sự huy động tối đa trí tuệ của toàn bộ hệ thống chính trị.

Một thách thức khác đáng chú ý là sự cạnh tranh không chỉ của các địa phương trong nước mà cả của các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới trong việc thu hút tài năng vượt trội, cùng với nhà đầu tư lớn, có uy tín. Cần rà soát, hoàn thiện chính sách, biện pháp để một mặt kịp thời phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tài năng xuất xứ từ địa phương, mặt khác làm cho thành phố được nhìn nhận là “đất lành” dành cho người tài đến từ mọi nơi.

Cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế và khung pháp lý để làm cho thành phố thực sự là địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 26/10/2020. >>CHI TIẾT)

Facebook Youtube Tiktok Zalo