Đại học Hoa Sen – HSU

Dạy con về sự tử tế

Con của mẹ!

Mẹ viết lên điều này bởi vì mẹ biết mẹ chẳng là gì cả đối với mọi người, một người đàn bà bình thường thậm chí tầm thường nữa, vì thế có thể chỉ với con, mẹ mới là “thần tượng” mới là người luôn luôn “hợp lý”, là người được con ngưỡng mộ kính trọng.

Nói như thế không phải mẹ dùng quyền làm mẹ của mình để bắt con phải nghe, phải làm theo, mà mẹ muốn trao đổi cùng con, kể cho con nghe những suy nghĩ của mẹ về sự tử tế. Bởi vì sao con biết không? Xã hội bây giờ, sự tử tế đang dần trở thành một thứ xa sỉ thậm chí xa lạ với rất nhiều người. Sự tử tế đôi khi bị cười cợt, bị cho là tào lao, hâm dở, khác người.

Sự tử tế theo như mẹ hiểu, đó là khi hành động hay phát ngôn người ta sẽ quan tâm đến những điều nhỏ nhất, luôn đặt mình vào vị trí của người khác để phán xét một vấn đề cũng như hiểu được cảm xúc của người khác. Sẽ là sự tử tế khi con được bố mẹ chăm lo đầy đủ về miếng ăn giấc ngủ, nhưng con sẽ không bao giờ nói đến nó với một người bạn của con đang sống thiếu thốn. Sẽ là không tử tế nếu con kể về những loại quần áo đẹp, những trang sức đắt tiền với một người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ ao ước kiếm đủ cái ăn và mong đừng bị nợ nần. Hoặc sẽ không bao giờ là tử tế khi con khoe rằng con là một người khoẻ mạnh một người chẳng bao giờ bị ốm với một bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo sắp chết….Con biết không, đó là những biểu hiện bắt đầu của sự tử tế.

Con có giận mẹ không khi mẹ đã không cố tìm cách xin cho con vào trường điểm của thành phố. Mẹ thừa khả năng làm điều đó nhưng mẹ nghĩ sẽ tốt hơn cho con khi con được học cùng trường với bao nhiêu người bạn khác có điều kiện sống và hoàn cảnh là đa số mọi người trong xã hội. Khi đó, con sẽ không có ý thức ta là con nhà “đại gia” được học ở trường quốc tế với những khoản đóng góp cao ngất, mà theo mẹ đôi khi không cần thiết, con sẽ chơi với tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo. Mẹ nghĩ làm người cái khó nhất là cái tâm, nó giúp con sống đẹp sống có ích, hơn là cái tài. Một kẻ có tài nếu không có trái tim và sự tử tế có khi lại là một hiểm họa của nhân loại, người ta cần giữ mình chứ không phải là thể hiện mình.

Cuộc sống khắc nghiệt luôn luôn đẩy con người về phía trước, lao vào sự cạnh tranh khốc liệt để thăng tiến, để giàu có, để quyền lực. Có lẽ sống nhanh sống gấp nên nhiều người đã không đủ thời gian mà suy nghĩ để đặt mình vào vị trí của người khác. Và cũng có thể đó là lý do con người là sinh vật có ý thức nhất nhưng cũng đáng sợ và nguy hiểm nhất. Nhưng con hãy thử nghĩ xem, xã hội sẽ ra sao khi thiếu đi sự tử tế? Một đám đông ùa vào nhặt vội những đồng tiền rơi ra từ sau vụ cướp giựt bất thành, mọi người bước qua thật nhanh khi có một người ăn xin bẩn thỉu ngất xỉu bên lề đường? Mẹ tự hỏi có lẽ nào cái bản năng sống bầy đàn, bảo vệ bầy đàn ở động vật cũng đã biến mất khỏi cộng đồng người. Cũng không thể là tử tế được khi một người dù khả năng có hạn nhưng bằng cách này hay cách khác cố để sỡ hữu một cái bằng có tên là “tiến sĩ” để thăng quan tiến chức hay đơn giản chỉ là đem khoe để lòe thiên hạ hay ông ông quan nào đó, miệng luôn kêu gào là chống tham nhũng, chống đút lót trong khi bản thân ông ta và gia đình lại giàu có một cách khó hiểu không lý giải nổi.

Mẹ không tin điều đó. Ở nước ngoài, người ta đâu có thế. Người Nhật nổi tiếng đi nhanh, họ vội vã, có cuộc sống công nghiệp tới mức khắc nghiệt và họ luôn được giáo dục “thời giờ là tiền bạc”, vậy mà khi mới sang mẹ lạc đường bất chợt hỏi một cậu bé học sinh cấp hai bằng thứ tiếng Nhật lơ lớ, cậu ta không hề nổi cáu mà cố gắng chỉ cho mẹ qua những hình ảnh dấu hiệu và rồi để cho chắc hơn, cậu đã đi bộ cùng mẹ, đưa mẹ đến toà nhà mà mẹ định tìm gần 30 phút, sau đó chào tạm biệt và chạy đi vội vã….. Con sẽ nghĩ sao khi được sống trong xã hội toàn những người tử tế như thế? Người ta dại quá hả con? Ngay trong một gia đình, con cái cũng cần đối xử tử tế với ông bà cha mẹ, vợ chồng cũng phải đối xử tử tế với nhau. Không, mẹ nghĩ sống tử tế đã giúp người ta cảm thấy hạnh phúc hơn, nó là nguồn cội, là thuần phong mỹ tục làm nên cái giá trị văn hóa. Một dân tộc không thể có văn hóa nếu thiếu đi sự tử tế.

Mẹ mong sao con của mẹ là một người tử tế, có thể sự tử tế không làm cho con giàu và thăng quan tiến chức nhanh chóng nhưng nếu vẫn con giàu, con vẫn thăng tiến dù là chậm chạp thì mẹ tin con là người được xã hội tôn trong thực sự, có tài thực sự. Dù khôn ngoan hay khờ dại, dù thật thà hay xảo trá, cuối cùng con người ai cũng được gửi vào lòng đất để trở về cát bụi. Cái còn lại muôn đời là nhân cách của con, trong đó sự tử tế là điểm bắt đầu.

Hãy sống bằng cả một tấm lòng và sự tử tế con nhé.

Mẹ Nhuận

Tokyo ngày 08/04/2012

(Nguồn: www.vannghechunhat.net )

Facebook Youtube Tiktok Zalo