Đại học Hoa Sen – HSU

Cuộc chạy vĩ đại của người một chân

Tượng Bystrouška (Con chồn cái),
một nhân vật trong vở opera “Con chồn
cái mưu mẹo” của Janacek được dựng
tại làngHukvaldy, nơi nhạc sĩ chào đời

Nếu được hỏi bằng cách nào đất nước quê hương tôi đã ăn sâu lâu dài trong các gien thẩm mỹ của tôi, tôi sẽ trả lời không chút chần chừ: bằng âm nhạc của Janacek.

Những trùng hợp về tiểu sử đã có vai trò của chúng ở đây: Janacek đã sống suốt đời ở Brno, giống như cha tôi, nghệ sĩ dương cầm trẻ, ở Brno, đã thuộc nhóm hào hứng (và đơn độc) những người đầu tiên biết và bảo vệ ông; tôi ra đời ở đấy một năm sau khi ông ra đi và, từ tuổi ấu thơ ngày nào cũng được nghe nhạc của ông do cha tôi hay các học trò của ông chơi trên piano; năm 1971, ở tang lễ cha tôi, trong thời bị chiếm đóng đen tối, tôi đã cấm mọi điếu văn; chỉ có bốn nhạc công chơi bản tứ tấu đàn dây thứ hai của Janacek ở nhà hỏa táng.

Bốn năm sau, tôi di cư sang Pháp và, bị chấn động vì số phận của đất nước, tôi đã nói về người nhạc sĩ lớn nhất của nước mình, nhiều lần, rất dài, trên đài phát thanh. Và sau đó tôi đã vui lòng nhận lời viết cho một tạp chí âm nhạc những bài phê bình các đĩa ghi nhạc của ông trong những năm ấy (đầu những năm 1990). Đấy là một niềm vui, đúng vậy, nhưng có bị làm hỏng đi đôi phần vì trình độ biểu diễn chênh lệnh một cách khó tin (và thường là rất tệ). Trong số đĩa ấy tôi chỉ thích hai chiếc: những bản nhạc viết cho piano do Alain Planès chơi và các bản tứ tấu do nhóm tứ tấu Berg ở Viên chơi. Để tỏ lòng cảm phục họ (và như vậy cũng để tranh luận với những người khác) tôi đã cố xác định phong cách của Janacek: “đặt sát nhau đến mức gây chóng mặt những chủ đề hết sức trái ngược nối tiếp nhau rất nhanh, không có chuyển tiếp và thường cùng vang lên đồng thời; căng thẳng giữa thô bạo và thắm thiết trên một không gian thu hẹp đến tối đa. Còn hơn thế nữa: căng thẳng giữa cái đẹp và cái xấu, vì có lẽ Janacek là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi đã biết đặt ra trong âm nhạc của mình câu hỏi mà các họa sĩ lớn từng biết, câu hỏi về cái xấu như là đối tượng của một tác phẩm nghệ thuật. (Trong các tứ tấu chẳng hạn, những đoạn chơi sul ponticello rít lên và biến một tiếng nhạc thành tiếng ồn).” Nhưng ngay chiếc đĩa tôi rất thích ấy cũng lại kèm theo một lời bình giới thiệu Janacek dưới một cách nhìn quốc gia chủ nghĩa ngớ ngẩn, biến ông thành một “đồ đệ tinh thần của Smetana” (ông là ngược lại với cái đó!) và thu hẹp sự biểu cảm của ông thành một thứ chủ nghĩa tình cảm lãng mạn của một thời kỳ đã qua..

 >> Xem tiếp

Nguyên Ngọc dịch
(Trích từ tập “Một cuộc gặp gỡ” của Milan Kundera với sự đồng ý của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam)

(Nguồn: Tia Sáng, 2/10/2013)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo