Đại học Hoa Sen – HSU

Chính khí có suy, tà khí mới nhập được!

Đó là nhìn nhận của sở Y tế và ban chấp hành hội Đông y TP.HCM trong buổi họp sáng qua (28.6) để lý giải tại sao các phòng khám y học Trung Quốc hoành hành trong thời gian qua. Chính khí suy được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau.

Ông Phan Xưng, người đứng tên phòng khám Đông Phương ký vào biên bản thanh tra y tế ngày 21.6.2012.
Ảnh: Thanh Hảo

 

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, nhận xét hoạt động bê bối ở các phòng khám có “yếu tố nước ngoài” diễn ra đã lâu, thỉnh thoảng lại rộ lên chỉ khi báo chí phản ánh. Bà Lan nói: “Có nhiều chuyện do báo chí phát hiện, ngành y tế biết rồi mới vào cuộc “chữa cháy”. Đây là bài học hết sức đau xót, và đau xót lớn nhất là sức khoẻ người dân được đặt vào tay những thầy thuốc giả hiệu, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh trình độ chuyên môn, khi bị phát hiện thì mới tháo chạy. Mọi chuyện tồi tệ này lỗi do quản lý chưa tốt chứ chúng tôi không đổ lỗi cho ai cả”.

Y học cổ truyền Việt Nam chưa biết quảng bá

Bác sĩ Trương Thìn, chủ tịch hội Đông y TP.HCM, cũng thừa nhận hội đã biết những hoạt động “phi y phi dược” của người nước ngoài từ lâu nhưng nói không được. Ông bức xúc: “Người trong nước muốn có được tờ giấy hành nghề thì khổ vô cùng, còn người nước ngoài cứ đến bỏ tiền ra là xong. Bộ Y tế cho phép họ hoạt động, sở Y tế xông vào còn khó khăn huống hồ gì hội chúng tôi. Họ đến đây tự do tung hoành khiến giới đông y trong nước rất đau khổ”.

Cần sự đồng tâm hiệp lực

Bác sĩ Trương Thìn cho rằng, sở dĩ “tà khí” nhập vào nước ta như hiện nay là do về mặt tổ chức, chúng ta chưa phải là một tổ chức thật sự mạnh và đoàn kết. Giải pháp duy nhất, theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, là ngành đông y phải đủ nội lực, bồi bổ chính mình, đủ mạnh. Bà khẳng định, nếu hội Đông y không đủ kinh phí quảng bá, ngành y tế sẽ vào cuộc tuyên truyền, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào nền y học cổ truyền Việt Nam hơn.

Thật ra, để xảy ra thực trạng như hiện nay, bản thân người hành nghề y học cổ truyền trong nước cũng có lỗi. Cụ thể, theo đại diện hội Đông y quận 5, không ít lương y trong nước đã đứng tên mở phòng khám y học cổ truyền để làm bình phong cho người nước ngoài hoạt động. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Thìn, lỗi chính là nền y học cổ truyền trong nước không biết quảng bá, khiến người dân ngộ nhận vào những quảng cáo mạnh miệng của các phòng khám nước ngoài. Ông nói: “Ngày nay là thời thông tin quảng cáo. Người nước ngoài đến đây cứ nói lu loa lên, làm nhiều người dân lầm tưởng là họ mạnh còn ta yếu. Thật ra y học cổ truyền của ta không thua gì Trung Quốc. Tôi từng qua Trung Quốc giảng dạy, họ cũng như mình thôi, không có gì ghê gớm đâu. Một thang thuốc y học cổ truyền trong bệnh viện nhà nước giá 30.000 – 40.000 đồng, nhưng họ đến đây bán cho dân ta 500.000 đồng/thang. Đó là sự bóc lột trắng trợn, khiến nhiều người tiền mất tật mang. Tật mang là phải, vì đây là lương y giả, có phải lương y thật đâu!”

Ngượng, buồn và nhục trước quảng cáo phòng khám Trung Quốc

Theo thống kê của sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền, trong đó chỉ có ba phòng khám có 100% vốn nước ngoài (hai của Trung Quốc và một của Hàn Quốc). Nhưng đáng lo nhất là sự biến tướng của các phòng khám này, nghĩa là phòng khám do Việt Nam đứng tên nhưng lại để “người lạ” vào hoạt động phi pháp. Theo PGS Phong Lan, số lượng bác sĩ Trung Quốc thật được cấp phép chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì hồ sơ cấp phép rất khó. Nếu những người này vi phạm còn có căn cứ xử lý được, chứ “bác sĩ dỏm” thì không biết lấy gì xử. Tuy nhiên, bà cũng cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm soát dạng “bác sĩ đội lốt” này, không để họ tiếp tục tự tung tự tác.

PGS Phong Lan thừa nhận, để xảy ra nạn phòng khám Trung Quốc là do công tác thanh tra lỏng lẻo, chưa đúng mức. Ở TP.HCM có 14.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 4.000 nhà thuốc, 9.000 phòng khám tây y và 1.000 phòng khám đông y. Nhưng trong khi các nhà thuốc được thanh, kiểm tra hơn hai lần/năm thì bên phòng khám chỉ chưa tới một lần/năm, lý do vì thanh tra y tế thiếu nhân sự và chỉ đi kiểm tra trong giờ hành chính, khi đến nơi các phòng khám đều đóng cửa! Vì thế, thanh tra lúc nào về cũng báo cáo tốt. Bà nói: “Nếu căn cứ vào đây thì thấy lúc nào hoa hồng cũng nở!”

Đại diện sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận ngành còn lỏng lẻo trong quản lý quảng cáo. Theo dược sĩ Trần Hữu Vinh, trưởng phòng quản lý y học cổ truyền sở Y tế, phòng chỉ xem xét quảng cáo của các phòng chẩn trị y học cổ truyền trong nước, còn phòng khám có yếu tố nước ngoài do bộ Y tế quản lý. Tuy vậy, đang có tình trạng “quảng cáo lậu”, nghĩa là phòng khám trong nước quảng cáo có người nước ngoài, mà ngành chưa kiểm soát được.

Lão y Lê Văn Chánh, phó chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, người 85 tuổi đời, 65 tuổi nghề, rất bức xúc vấn đề này. Ông nói: “Mỗi lần nghe đài truyền hình phát các quảng cáo phòng khám Trung Quốc là tôi thấy ngượng, buồn và nhục vì ngành chức năng ở đâu mà để người ta nói ra rả, quảng cáo tầm bậy như thế”.

“Mỗi lần nghe đài truyền hình phát các quảng cáo phòng khám Trung Quốc là tôi thấy ngượng, buồn và nhục vì ngành chức năng ở đâu mà để người ta nói ra rả, quảng cáo tầm bậy như thế”.

Lão y Lê Văn Chánh (phó chủ tịch
hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam)

Lương y trong nước bị “trói tay”

Tại buổi gặp mặt, đại diện hội Đông y quận 11 thẳng thắn cho rằng thực trạng hiện nay là do ngành y tế siết người hành nghề trong nước nhưng lại thả lỏng cho người nước ngoài. Một thực tế hiện nay là việc cấp phép hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền chỉ mới hướng đến đối tượng là bác sĩ và y sĩ hành nghề y học cổ truyền, trong khi giới lương y thì bộ Y tế chưa có hướng nào rõ rệt. Nếu đúng theo tinh thần của luật Khám chữa bệnh, để có giấy chứng nhận hành nghề, đối tượng này phải có bằng lương y do bộ Y tế hoặc sở Y tế cấp, nhưng hiện nay việc này vẫn còn ách tắc vì hội Đông y trung ương chưa bàn xong với vụ Y học cổ truyền bộ Y tế, để cho ra chương trình khung chuẩn hoá lương y cả nước.

PGS Phong Lan nói: “Tôi đã trao đổi, đốc thúc trung ương nhiều, nhưng họ làm quá chậm. Chậm ngày nào thì giới lương y ngày đó còn băn khoăn vì không có được giấy chứng nhận hành nghề”. Nhưng bác sĩ Trương Thìn bức xúc hơn: “Tôi có cảm tưởng luật Khám chữa bệnh hiện nay làm khổ lương y. Trước đây, mọi chuyện đều qua sở Y tế, bây giờ phải xoá sổ làm lại từ đầu, chờ ngoài kia cho phép. Chờ đến bao giờ, sự chờ đợi làm chúng tôi rất đau khổ”. Việc nhanh chóng công nhận, cấp giấy chứng nhận hành nghề cho giới lương y trong nước không chỉ giúp cho hội đông y các cấp phát huy tốt vai trò hội nghề nghiệp, giám sát lẫn nhau mà còn ngăn chặn những người giả mạo, “phi y phi dược”, không đủ tư cách đạo đức làm hại người dân.

Về góc độ quản lý, bà Lan khẳng định sẽ chấn chỉnh công tác thanh tra, tập trung vào những phòng khám có vấn đề do hội đông y cơ sở phản ánh. Đồng thời, sở Y tế sẽ tăng cường cập nhật thông tin cho quận hội, để hội cùng tham gia quản lý với ngành chức năng.

Theo Phan Sơn

(Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 29 tháng 06 năm 2012)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo