Đại học Hoa Sen – HSU

‘Chiếc đũa thần nằm trong tay chính chúng ta’

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên coi TPP hay bất cứ một hiệp định thương mại nào là “chiếc đũa thần”, mà “Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta”.

16h chiều nay, tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ông Jonathan London, giáo sư Đại học thành thị Hong Kong (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn trực tuyến độc giả Zing.vn về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bạn NGUYỄN HOÀNG BẢO, HÀ NỘI hỏi:Khi trả lời về TPP, tôi thấy bà thường có vẻ hơi bi quan về triển vọng doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO. Vì sao vậy?

CHUYÊN GIA KINH TẾ PHẠM CHI LAN

– Khi chúng ta tham gia WTO, chúng ta cũng đã có kỳ vọng rất lớn trước những cơ hội WTO mang lại. Tuy nhiên, thực tế 8 năm tham gia WTO chưa mang lại cho Việt Nam những thành công như mong đợi.

Điều đó chủ yếu do những vấn đề lớn của kinh tế trong nước, từ mô hình tăng trưởng không hợp lý, đến những bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động.

Mặt khác, tuy có thu hút được FDI với khối lượng lớn và vai trò của đầu tư nước ngoài tăng lên, nhưng dường như khu vực doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài lại đang chèn lấn đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hơn là mang lại sự hỗ trợ hoặc những tác động lan tỏa tích cực.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Điều này khiến cho dù chúng ta có thành tích tăng trưởng GDP hay thành tích xuất khẩu tăng cao nhưng thực tế lợi ích mà đông đảo doanh nghiệp và người dân nhận được lại không tương xứng.

Trong những năm gần đây, các vấn đề như nhóm lợi ích, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nợ công… lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, tôi lo nếu chúng ta không thực hiện được những biện pháp cải cách vô cùng cấp thiết thì nên kinh tế và doanh nghiệp Việt nam sẽ khó nắm bắt được những cơ hội từ TPP cũng như khó đương đầu với những thách thức mà TPP và các FTA khác mang lại. 

Bạn THANH LAN hỏi: Trong cuộc chơi TPP nước lớn sẽ lợi hơn nước nhỏ và người giàu sẽ có lợi hơn người nghèo. Bà nghĩ gì về điều này?

CHUYÊN GIA KINH TẾ PHẠM CHI LAN: 

– Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo, TPP cố gắng tạo ra cuộc chơi công bằng và mang lại cơ hội cho tất cả các nước cho cộng đồng dân cư ở mọi quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo.

Tuy nhiên, trên thương trường, chúng ta thường thấy, kẻ mạnh vẫn có ưu thế hơn so với những người yếu. Là một nước tương đối yếu hơn về kinh tế, với những doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh thấp hơn tương đối so với các nước khác, chúng ta không có cách nào khác là cố gắng hết mình để đạt được những lợi ích cao nhất.

Cuộc chơi toàn cầu nhiều khi cũng cho phép những người nhỏ hơn có thể mượn thế của những kẻ lớn hơn hoặc như người ta thường gọi là “đứng trên vai người khổng lồ” để vượt lên. Tôi mong, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được điều đó. 

Bạn NGUYỄN QUANG hỏi: Ông lo lắng hay vui mừng với TPP? TPP được ví như một WTO mở rộng ở tầm mức rất cao, làm thế nào để chúng ta tận dụng được cơ hội này để TPP không bị bỏ lỡ như WTO cách đây gần 10 năm?

ÔNG VÕ TRÍ THÀNH

Cá nhân tôi nhìn việc này như một tín hiệu rất tốt lành cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tôi còn nhớ cách đây 15 năm, khi ký BTA với Hoa Kỳ, chúng ta đã lo ngại nên rất khó để tiếp cận được thị trường này – thị trường cao cấp.

Nhưng sau đó, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Sau 15 năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng chưa cao, nhưng đã gấp 30 lần.

Và cũng chính hiệp định ấy, đã góp phần rất sâu sắc cho việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp định, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đúng với chuẩn mực quốc tế.

Với TPP, hội nhập sâu rộng hơn nói chung, chúng ta đều hy vọng nó là 3 chất xúc tác lớn cho VN. Xúc tác trong mở rộng xuất khẩu, xúc tác cho thu hút đầu tư và quan trọng nhất là chất xúc tác và cả áp lực cho cải cách thể chế trong nước. Điều này cũng là 1 nhu cầu thiết yếu cho VN hiện nay, đang muốn chuyển đổi, cải cách, nâng cao chất lượng. Tất nhiên, hội nhập không có nghĩa là tất cả các nước hội nhập đều được hưởng lợi. Có những ngành, nhóm XH phải chịu thiệt thòi.
Ngoài ra, điều chỉnh luật lệ, hành vi ứng xử của Nhà nước, cũng cần tổn phí nhất định. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội này, cần có 3 việc phải làm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế VN (VN đang nỗ lực làm), cải cách thể chế. Làm sao đưa những cơ hội ấy trở thành hiện thực hóa. Có những cách thức hỗ trợ nhất định để giảm thiểu tổn phí cho người lao động đỡ thiệt thòi, chi phí điều chỉnh giáo dục, thông tin….

Bạn NGỌC MINH hỏi: Tranh luận TPP đang nghiêng giữa hai thái cực “mở cửa vậy là chết hết” với “TPP là tuyệt vời”. Thực tế của gia nhập TPP nên hiểu thế nào cho đúng? Những tâm lý bi quan về những ngành có thể chết như chăn nuôi, nông nghiệp có xác đáng?

ÔNG VÕ TRÍ THÀNH:

Tôi nghĩ các xúc cảm ấy có phần hơi cực đoan. Nhưng đằng sau nó cũng có lý. Đơn giản là vì hội nhập nói chung, việc thực thi đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn cao đều có 2 hiệu ứng: tích cực và tiêu cực.

Nhưng ở đây, có 2 vấn đề chủ chốt. Thứ nhất, không có gì là hoàn hảo, nhưng điều đầu tiên để chọn chơi là hiệu ứng tích cực phải lớn hơn tiêu cực rất nhiều. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Đó là lợi ích dòng (tích cực trừ tiêu cực) rất lớn.

‘Chiếc đũa thần nằm trong tay chính chúng ta’

Những lập luận này cũng có ý nghĩa cả góc độ tiêu và tích cực để nhận rõ hơn năng lực, thực trạng, qua đó có giải pháp góc độ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, nhằm tìm ra cách tận dụng tốt nhất cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Nếu nhìn nhận như vậy, quan trọng nhất là kinh nghiệm mở cửa ở VN cũng cho thấy như vậy. Chúng ta có khả năng và cái cần hơn là tự tin, bình tĩnh và đằng sau đó là khát vọng mang tính hiện thực.

Tôi không thích dùng chữ chết, mặc dù nông nghiệp và một số ngành khác được xem là ảnh hưởng tiêu cực từ hội nhập TPP. Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu quá trình chuyển đổi, điều chỉnh những lĩnh vực này.

Có nhiều cách như: Cách 1 là chính sự phát triển, mở rộng của những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh được hưởng lợi từ TPP sẽ là địa chỉ thích hợp hấp thụ, thu hút những nhóm dễ bị tổn thương.  Cho nên, tận dụng tốt cơ hội, lợi thế của mình là điều rất quan trọng.

Cách thứ 2, về tổng thể là khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là không có những phân khúc, phân đoạn trong lĩnh vực ấy doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng có sức sống và tạo ra cạnh tranh.

Ví dụ, trong chăn nuôi vẫn có những loại hình sản phẩm, nếu do thị hiếu, cách thức tiêu dùng mà để thay thế nó là rất khó. Một ví dụ khác, như công ty Việt cùng tham gia vào chuỗi giá trị của những mặt hàng mà đối tác có lợi thế cạnh tranh, ví dụ như nhập bê Australia để vỗ lên thành bò. 

Thứ 3, là TPP mở ra thị trường rất rộng lớn nên không thể nhìn cạnh tranh với hàng nhập khẩu mà mình vẫn còn những thị trường có thể cạnh tranh. Ví dụ ngành thép, được xem là sức cạnh tranh chưa tốt nhưng nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu thép ra bên ngoài. Như vậy, trong khó khăn vẫn còn những yếu tố để tồn tại. 

………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

(Nguồn: newszing, ngày 07/10/2015)

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo