Đại học Hoa Sen – HSU

Cầu nối đưa chủ nhân Nobel đến Việt Nam

Chủ tịch Quỹ Hòa bình Quốc tế Uwe Morawetz hy vọng tạo được cầu nối vững chắc giữa các chủ nhân giải Nobel với Việt Nam.

 Chủ tịch Quỹ Hòa bình Quốc tế Uwe Morawetz
Chủ tịch Quỹ Hòa bình Quốc tế Uwe Morawetz

Theo dự kiến, từ cuối năm 2012 đến đầu năm sau, Quỹ Hòa bình Quốc tế sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện thuộc dự án Bridges (tạm dịch: Cầu nối) tại Việt Nam với sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực trên thế giới. Người sáng lập kiêm Chủ tịch quỹ Uwe Morawetz đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về ý nghĩa và các bước triển khai dự án Bridges sắp tới.

Nói một cách tóm tắt, dự án Bridges là gì, thưa ông?

Bridges là một chuỗi gồm 450 sự kiện (tính đến hiện nay) do Quỹ Hòa bình Quốc tế, có trụ sở tại Vienna (Áo), tổ chức tại các nước ASEAN từ năm 2003. Tham gia những sự kiện này gồm có những học giả đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực Hòa bình, Vật lý, Hóa học, Y học, Kinh tế và Văn chương, cũng như những gương mặt như chuyên gia Hans Blix, diễn viên Thành Long, nghệ sĩ vĩ cầm Vanessa-Mae, đạo diễn Oliver Stone… Thông qua các hoạt động, Bridges tạo điều kiện và củng cố đối thoại cũng như mối liên lạc giữa các xã hội tại Đông Nam Á với những người đến từ các nơi khác trên thế giới nhằm tăng cường sự thấu hiểu và tin tưởng.

Các sự kiện trên sẽ đóng vai trò cầu nối giữa học giả đoạt giải Nobel với những trường đại học và viện nghiên cứu tại Đông Nam Á, thiết lập quan hệ dài hạn và kết quả sẽ là những chương trình nghiên cứu chung cùng các hình thức cộng tác khác. Bằng việc củng cố khoa học, kỹ thuật và giáo dục như là nền tảng cho hòa bình và phát triển, các sự kiện này sẽ nâng tầm hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực với sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ.

 

Chủ nhân giải Nobel Hóa học 1985 Jerome Karle trao đổi với sinh viên Thái Lan
Chủ nhân giải Nobel Hóa học 1985 Jerome Karle trao đổi với sinh viên Thái Lan
– Ảnh: Peace-foundation.net
 

Tại sao ông lại chọn châu Á tiếp tục dự án trên sau châu Âu, và ông có thể cho biết những thành tựu chính tại châu Á của Bridges tính đến thời điểm này?

Sau khi tổ chức hơn 700 chương trình và sự kiện tại châu Âu từ năm 1989, Quỹ Hòa bình Quốc tế vào năm 2003 đã được chính phủ Thái Lan mời tiến hành Bridges ở nước này. Sau thành công của chương trình, vốn bao gồm 450 sự kiện với sự góp mặt của 38 học giả Nobel và 18 diễn giả, với khoảng 140.000 người tham gia ở Thái Lan, Quỹ Hòa bình Quốc tế đã nhận được lời mời từ toàn bộ thành viên còn lại của ASEAN. Từ năm 2007, các nước ASEAN từng đăng cai tổ chức Bridges lần lượt là Philippines, Malaysia, Campuchia, và đến nay là Việt Nam. Sau đó sẽ là Singapore, Indonesia, Lào, Brunei, Myanmar và có thể cả Đông Timor.

Tại sao lại là ASEAN? Khi các học giả Nobel đến châu Á, họ thường tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Đài Loan, nhưng rất ít khi đến các nước ASEAN. Vai trò của chúng tôi nhằm giới thiệu các học giả Nobel đến ASEAN và những người lần đầu tiên đến khu vực này thông qua chương trình Bridges đều thường xuyên quay lại để hợp tác với các bộ, trường đại học. Sinh viên ASEAN cũng được mời đến làm việc trong các phòng thí nghiệm của học giả Nobel. Đây là cách Bridges hỗ trợ nhằm liên tục củng cố hệ thống giáo dục ở ASEAN và về dài hạn, cung cấp nền tảng cho hòa bình.

Ngoài khía cạnh hợp tác học thuật, Bridges đóng vai trò trong việc gây quỹ cho nghiên cứu khoa học và viện trợ nhân đạo bảo vệ môi trường, chăm sóc y tế, trao đổi văn hóa…

 


Một sự kiện Bridges ở Malaysia

Ông hy vọng sẽ đạt được điều gì với Bridges tại Việt Nam?

Chúng tôi đã nhận được lời mời từ chính phủ Việt Nam và trong 2 năm qua, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch danh dự của Bridges Việt Nam cũng như với Bộ Giáo dục – Đào tạo để chuẩn bị sự kiện chính từ tháng 11.2012 – 3.2013. Toàn bộ các sự kiện đều được tổ chức miễn phí và chào đón mọi thành phần xã hội. Chúng tôi đặc biệt hy vọng sẽ tạo được cảm hứng cho thế hệ trẻ, những người sẽ có thể tiếp xúc với các học giả Nobel từ mọi lĩnh vực, cũng như với Giáo sư Ngô Bảo Châu và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi.

Chúng tôi cũng hy vọng sẽ giúp các học giả Nobel, đều là lần đầu tiên đến Việt Nam, cảm nhận được nhiều hơn nữa về đất nước của các bạn. Thay vì đơn giản là đến phát biểu, ở lại một đêm rồi rời đi, những người tham gia chương trình Bridges sẽ chia sẻ, tiếp cận và lắng nghe. Họ đến đây không chỉ trong một ngày hoặc một sự kiện, mà tham gia nhiều cuộc đối thoại và sự kiện khác nhau mà không yêu cầu tiền thù lao, vì họ quan tâm thực sự đến Việt Nam và quyết tâm xây dựng cầu nối.

Các học giả Nobel và những diễn giả khác đến Việt Nam đã được lựa chọn như thế nào?

Chúng tôi, cùng với đối tác là các viện nghiên cứu địa phương, quyết định chọn các diễn giả có khả năng kết nối dễ dàng với mọi tầng lớp xã hội, chủ yếu là giới sinh viên trẻ. Họ sẽ diễn giải bằng ngôn ngữ dễ hiểu, có khả năng tham gia vào các cuộc đối thoại, trả lời các câu hỏi mở rộng với cử tọa. Ví dụ, học giả Nobel về vật lý, hóa học và y  học sẽ đề cập các chủ đề thiết thực như: “Khoa học thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào”, hay “Ngăn chặn ung thư”. Mỗi sự kiện, thường kéo dài khoảng 2 giờ, được xây dựng theo hướng đối thoại là trọng tâm với khoảng 35 – 45 phút phát biểu, và ít nhất 60 phút dành cho hỏi – đáp. Chúng tôi không chỉ muốn các học giả Nobel diễn thuyết, mà còn lắng nghe, tìm hiểu về nhu cầu của xã hội Việt Nam thời nay và liệu họ sẽ có ích như thế nào cho sự phát triển của Việt Nam trong dài hạn.

Sau Brigdes Việt Nam sẽ là gì?

Chúng tôi hy vọng, cũng như ở các nước ASEAN trước đây, các đối tác Việt Nam sẽ triển khai sáng kiến của Bridges và mời các học giả Nobel trở lại để bắt đầu các chương trình nghiên cứu hoặc những hình thái hợp tác khác. Chúng tôi chắc chắn rằng chuyến thăm đầu tiên sẽ gây ấn tượng lâu dài đối với những học giả Nobel và họ sẽ trở thành các đại sứ thiện chí, thúc đẩy các học giả Nobel khác đến trong tương lai.

 

Lịch trình dự kiến

– Ngày 14 – 18.11.2012: Giáo sư Roger Myerson, Nobel Kinh tế năm 2007
Chủ đề: “Sự lãnh đạo, dân chủ và chính quyền địa phương”.

– Ngày 27.11 – 1.12.2012: Giáo sư Harald zur Hausen, Nobel Y học năm 2008
Chủ đề: “Ngăn chặn ung thư là thách thức đối với sức khỏe toàn cầu”.

– Ngày 13 – 15.12.2012: Giáo sư Douglas D.Osheroff, Nobel Vật lý năm 1996
Chủ đề: “Khoa học thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào”.

– Ngày 12 – 17.1.2013: Tiến sĩ Jose Ramos-Horta, Nobel Hòa bình năm 1996
Chủ đề: “Mâu thuẫn, đối thoại và hòa bình tại Đông Nam Á”.

– Ngày 29 – 30.1.2013: Giáo sư Harold W.Kroto, Nobel Hóa học năm 1996
Chủ đề: “Giáo dục – nền tảng của hòa bình và chìa khóa cho một cộng đồng toàn cầu được giải thoát khỏi thành kiến”.

– Ngày 9 – 17.3.2013: Giáo sư Ngô Bảo Châu, chủ nhân giải toán học Fields năm 2010. Chủ đề: “Chúng ta học hỏi như thế nào?”.

– Ngày 17 – 18.3.2013: Giáo sư Romano Prodi, cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu
Chủ đề: “Chính trị và hòa bình – sự hợp tác trên toàn thế giới trong thời đại toàn cầu hóa”.

Theo Thụy Miên
(Nguồn: Thanh Niên, 15/10/2012
)

Facebook Youtube Tiktok Zalo