Đại học Hoa Sen – HSU

Cạnh tranh đô thị: Ngày càng quan trọng với người lao động, doanh nghiệp

Từ năm 2004, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) bắt đầu ấn hành Báo cáo cạnh tranh toàn cầu. Báo cáo này xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới dựa trên Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, được tính toán trên các chỉ số kinh tế vĩ mô và các yếu tố môi trường kinh doanh của một quốc gia.Báo cáo so sánh khả năng các quốc gia tạo ra sự thịnh vượng cho người dân thông qua các đánh giá về chính sách, quản lý nhà nước, và các nhân tố đem lại phát triển kinh tế bền vững ở hiện tại và tương lai gần. Bên cạnh đó, từ 2012, Diễn đàn bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của thành phố và đô thị và họ đã thực hiện đánh giá cạnh tranh đô thị cho 26 thành phố trên thế giới trong một báo cáo vào năm 2014. Việc đưa ra tiêu chí đánh giá cạnh tranh đô thị của Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể gây tranh cãi, tuy nhiên nó cho thấy có sự quan tâm nhất định đến yếu tố cạnh tranh của đơn vị hành chính nhỏ hơn quốc gia.

Sự quan tâm này không chỉ hạn chế trong phạm vi các nhà kinh tế làm việc tại tổ chức nói trên. Trên thế giới vẫn có những đánh giá xếp hạng tính cạnh tranh của các thành phố trên các khía cạnh khác nhau, từ chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt, đến mức độ bền vững (sustainability). Tại Việt Nam, các tỉnh và thành phố trung ương cạnh tranh nhau trong bảng xếp hạng theo PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) là một ví dụ của đánh giá cạnh tranh ở phạm vi hành chính nhỏ hơn quốc gia. Với mức độ quan trọng của thành phố ngày càng tăng, chắc chắn các thành phố trong một quốc gia sẽ cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút nguồn lực và phát triển.

Đối với người lao động, thành phố cho họ cơ hội để tương tác với nhau, tăng cường trao đổi thông tin và học tập, do đó tạo điều kiện để họ phát triển. Ảnh: Flickr Ngo Dung 

Thành phố ngày càng trở nên quan trọng

Quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa trên thế giới diễn ra ở tốc độ nhanh và có phạm vi khá rộng. Năm 2007 đánh dấu lần đầu tiên dân số đô thị chiếm 50% tổng dân số thế giới. Báo cáo World Economic and Social Survey 2013 của Liên Hiệp Quốc đưa ra dự đoán số dân sinh sống trong các khu vực đô thị tiếp tục tăng và sẽ chiếm 70% vào năm 2050. Khi số lượng cư dân di chuyển từ khu vực nông thôn vào thành phố ngày càng tăng thì vai trò của các thành phố càng trở nên quan trọng trong chính sách và quá trình phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Dự báo cho thấy tỉ lệ dân thành thị sinh sống ở những thành phố có quy mô lớn (hơn 5 triệu dân) sẽ chiếm 17-22% tổng dân thành thị và xu hướng đô thị hóa này sẽ khó có thể thay đổi. Hình 1 thể hiện phân bổ dân giữa thành thị và nông thôn, thể hiện xu hướng đi ngang và đi xuống của dân số nông thôn đến năm 2050.

Hình 1. Xu hướng gia tăng dân số toàn cầu và phân bổ giữa thành thị và nông thôn giai đoạn 1950 – 2050.

Quần tụ hoạt động kinh tế. Thành phố đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế vì sự quần tụ của các hoạt động khác nhau, vì những lợi thế kinh tế khi lao động và doanh nghiệp tập trung ở mật độ cao. Doanh nghiệp được lợi vì họ có thể chia sẻ nguồn lao động dồi dào với tay nghề đa dạng, giảm chi phí tìm kiếm, tuyển dụng lao động phù hợp nhu cầu. Doanh nghiệp được lợi vì họ chia sẻ các dịch vụ, tiện ích, và các doanh nghiệp cung ứng trung gian. Thành phố cũng là nơi đa số các sáng tạo, sáng chế và phát kiến ra đời.

Đối với người lao động, thành phố cho họ cơ hội để tương tác với nhau, tăng cường trao đổi thông tin và học tập, do đó tạo điều kiện để họ phát triển. Có thể thấy sự quan trọng này thể hiện trong vai trò đầu tàu của các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM trong nền kinh tế Việt Nam.

Biên giới quốc gia mờ nhạt trong hoạt động kinh tế. Thành phố cũng trở nên quan trọng hơn khi biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt trong hoạt động kinh tế hiện đại. Sự mờ nhạt này xuất hiện rất sớm trong hoạt động tài chính toàn cầu – đầu tư xuyên quốc gia. Dần dần, thương mại quốc tế thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm xây dựng những thỏa ước đa phương về thương mại. Ví dụ tiêu biểu có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mà theo dự kiến sẽ cho phép lao động di chuyển linh hoạt làm việc tại nhiều quốc gia thành viên ASEAN từ tháng 12.2015. Điều đó có nghĩa là một người Việt Nam được đào tạo trong lĩnh vực khách sạn có thể tìm chỗ làm ở TP.HCM, Đà Nẵng (Việt Nam) hay Kuala Lumpur (Malaysia), Bali (Indonesia), Phuket (Thailand), Bangkok (Thailand). Và do đó, không phải Thailand cạnh tranh với Việt Nam để thu hút nhân lực khách sạn mà chính xác hơn là các thành phố du lịch cạnh tranh nhau để thu hút nhân lực này.

Đô thị càng lớn càng khắt khe về không gian mưu sinh. Ảnh Qúy Hòa

Cạnh tranh đô thị sẽ trở nên quan trọng và cần thiết

Xếp hạng đô thị là vấn đề không mới. Tạp chí The Economist đã làm bảng đánh giá các thành phố tốt nhất trong năm 2012. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng làm so sánh tính cạnh tranh giữa các thành phố trong năm 2014. Và thỉnh thoảng cũng xuất hiện một đánh giá xếp hạng các thành phố ở phạm vi toàn cầu theo tiêu chí chất lượng cuộc sống. Thông thường thì các kết quả xếp hạng này chỉ mang tính chất xem cho biết chứ chưa thực sự tạo ra áp lực để các thành phố tìm cách thay đổi thứ bậc. Ngoại trừ trường hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam đã thực sự tạo ra một cuộc cạnh tranh nhất định giữa các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả của cuộc cạnh tranh này dù còn khiêm tốn nhưng thật sự tạo ra một số chuyển biến tích cực. Như một số địa phương đã tìm cách cắt giảm thủ tục hành chính làm phiền doanh nghiệp xuống hết mức có thể. Nếu yếu tố môi trường cũng được đưa vào như một khía cạnh năng lực cạnh tranh thì có lẽ các chuyển biến về môi trường cũng có thể diễn ra.

Điều đó cho thấy với việc thu nhập tăng, lao động dễ dàng di chuyển giữa các vùng trong quốc gia, giữa các quốc gia, cạnh tranh đô thị trở nên quan trọng và việc đo lường nó trở nên rất cần thiết cho cả người lao động, doanh nghiệp và chính quyền. Người lao động cần biết nơi nào có môi trường nghề nghiệp và chất lượng sống tương ứng với thu nhập họ có thể có. Doanh nghiệp cần biết nơi nào đạt được những tiêu chí môi trường doanh nghiệp tốt và lao động có tay nghề, mức lương phù hợp. Chính quyền thành phố thì mong muốn thu hút lao động và doanh nghiệp để phát triển kinh tế dựa trên những điều kiện tự nhiên, xã hội sẵn có.

Cũng cần lưu ý là trong việc so sánh cạnh tranh đô thị, chỉ số cuối cùng dùng để xếp hạng không phải là yếu tố quan trọng cần lưu tâm. Lý do chính là vì nó tổng hợp từ một số lượng các chỉ số bộ phận dùng để đo lường các vấn đề khác nhau. Do đó, nó thật sự không có nhiều ý nghĩa ngoài chuyện được dùng để xếp hạng cho tiện. Các chỉ số bộ phận sẽ cung cấp thông tin cụ thể trong từng vấn đề cụ thể từ môi trường, chất lượng sống, hay mức độ thân thiện của cư dân. Đó mới chính là yếu tố các đô thị hay thành phố cạnh tranh nhau và tìm cách cải thiện.
……………………..

>> Xem thêm chi tiết bài viết

TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Đại học Hoa Sen)
(Nguồn: Người đô thị, ngày 27/05/2015)

 

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo