Đại học Hoa Sen – HSU

Cảm nhận về bài thơ ca ngợi Bác Hồ mà tôi tâm đắc nhất

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị cha già kính yêu của dân tộc, vị danh nhân kiệt xuất của thế giới mà hình ảnh của Người còn là tượng trưng cho những tinh hoa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để minh chứng cho lời nhận xét trên, tôi xin giới thiệu đến tất cả chúng ta hình ảnh của Bác trong những bài thơ mà tôi tâm đắc nhất.

NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC (Tác giả: Chế Lan Viên)

Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ

Sóng vô dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không nổi một đêm dầy

Ta lại mặc cho mưa tuôn gió thổi.

Lòng ta thành con rối cho cuộc đời giật dây

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ

Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ

Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

Sông Hồng chảy về đâu và lịch sử

Bao giờ dãy Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây

Rồi cờ sẽ ra sao, tiếng hát sẽ ra sao

Nụ cười sẽ ra sao ơi ngày độc lập

Xanh biết mấy là trời xanh tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu

Khi mặt trời nghe bừng chói ở phương Đông

Cây cay đắng đã ra mùa trái ngọt

Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc

Sao vàng bay theo búa liềm công nông

Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng đất nước

“Cơm áo là đấy, hạnh phúc đây rồi”

Hình của Đảng lồng trong hình của nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Bác thấy:

Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của nước”

Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người

Một góc quê hương nửa đời quen thuộc

Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vinh hoa cho hai lăm triệu con người

Có nhớ chăng hỡi gío rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng Bác chống lại cả mùa đông băng gía

Và sương mù thành Luân Đôn có nhớ

Giọt mồ hôi người nhỏ giữa đêm khuya.

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi

Những đất tự do những trời nô lệ

Những con đường cách mạnh đang tìm đi

Đêm mơ nước ngày thấy hình của Nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây

Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt

Ruộng theo trâu về lại với người cày

Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc

Không còn người bỏ xác trên đường ray

Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê

Thành nước Việt Nam nhân dân mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc mới

Những đời thường cũng có bóng hoa che

Ôi đường đến với Lê Nin là đường về tổ quốc

Tuyết Mát cơ va sáng ấy lạnh trăm lần

Trông tuyết trắng như đọng nghìn nước mắt

Lê Nin mất rồi nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lê Nin theo người về quê Việt

Biên giới còn xa nhưng Bác đã đến rồi

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đá

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai

Có thể nói, từ một nhân vật lịch sử mà tên tuổi đã trở thành huyền thoại, Bác Hồ đã đi vào thơ ca và trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức rung động và toả sáng mạnh mẽ. Trong Bác là tinh thần thiết tha yêu nước, chí khí cương quyết đi tìm ra hình dáng cho đất nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, Người là linh hồn của kháng chiến, từ đó các nhà văn, nhà thơ đã để cả tâm hồn, tất cả tình cảm đằm thắm nhất của mình để diễn tả những hình ảnh yêu kính và quý mến nhất ấy vào trong ngòi bút, lưu lại cho đến các thế hệ mai sau.

Những vần thơ như những nốt nhạc du dương, trầm bổng, réo rắt như tấm lòng tha thiết yêu mến của nhà thơ với Bác. Bằng những ngôn từ ẩn dụ đặc sắc, từ ngữ bình dị mà giàu sức gợi, câu thơ đã khơi gợi trong lòng người đọc những rung động sâu sắc và đáng quý:

SÁNG THÁNG NĂM  (tác giả:Tố Hữu)
Vui sao một sáng tháng Năm 
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ 
Suối dài xanh mướt nương ngô 
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn… 

Bác kêu con đến bên bàn 
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ 
Con bồ câu trắng ngây thơ 
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn 
Lát rồi, chim nhé, chim ăn 
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà 

Bàn tay con nắm tay cha 
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng. 
Bác ngồi đó, lớn mênh mông 
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non… 
Bác Hồ, cha của chúng con 
Hồn của muôn hồn 
Cho con được ôm hôn má Bác 
Cho con hôn mái đầu tóc bạc 
Hôn chòm râu mát rượi hoà bình!

Ôi cái tên kính yêu Hồ Chí Minh! 
Trong sáng lòng anh du kích 
Nửa đêm bôn tập diệt đồn 
Vững tay người chiến sĩ nông thôn 
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo 
Anh thợ, má anh vàng thuốc pháp 
Cánh tay anh dày sẹo lửa gang

Ôi những em đốt đuốc đến trường làng 
Và các chị dân công mòn đêm vận tải! 
Các anh chị, các em ơi, có phải 
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh 
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh! 
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi 
Ta lớn cao lên, bay bổng diệu kỳ 
Trên đường dài, hai cánh đỡ ta đi… 

Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh 
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao! 
Giọng của Người, không phải sấm trên cao 
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước 
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước 
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau… 

Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị 
Màu quê hương bền bỉ đậm đà 
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta 
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút… 
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút 
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời. 
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười 
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi! 
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng 
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng 
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người. 

Hồ Chí Minh, Người ở khắp nơi nơi 
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ 
Lắng từng câu, từng ý chưa thành 
Người là Cha, là Bác, là Anh 
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ 
Người ngồi đó, với cây chì đỏ 
Vạch đường đi, từng bước, từng giờ… 

Không  gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ 
Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại! 
Con nhớ hết mỗi lời Người dạy: 
Kháng chiến gian nan, kháng chiến trường kỳ 
Bác bảo đi, là đi 
Bác bảo thắng, là thắng 
Việt Nam có Bác Hồ 
Thế giới có Xta-lin 
Việt Nam phải tự do 
Thế giới phải hoà bình! 
Chúng con chiến đấu hy sinh 
Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề. 
Bắt tay Bác tiễn ra về 
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu…

Dù thế giới có đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi, cho dù “Cả trái đất mây mù ảm đạm” nhưng “Vẫn không che nổi ánh mắt của Người” , (Chúc tụng Bác Hồ, Ismael Gomez Braga – Brazil, Đào Anh Kha dịch).

Thơ ca là một trong những loại hình nghệ thuật gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình chuyển ngữ. Bởi việc thay đổi ngữ âm, từ ngữ rất dễ làm suy giảm giá trị của bài thơ, đặc biệt làm sao chuyển tải được nguyên vẹn tình cảm của một tác giả nước ngòai tới độc giả trong  nước là một trách nhiệm vô cùng nặng nề đối với những người dịch thơ. Vượt qua tất cả những rào cản đó, nhân dân Việt Nam với các nhà thơ và nhân dân thế giới đã tìm thấy tiếng nói tương đồng là sự yêu thương và thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                                                           Từ Như Hưởng – TTĐT CN Chợ Lớn

Facebook Youtube Tiktok Zalo