Đại học Hoa Sen – HSU

Bphone và con đường sáng tạo

Phân tích xu hướng tìm kiếm của Google trong những ngày gần đây tôi thấy một điều mà bản thân chưa lý giải hết. Đó là những người tìm kiếm với từ khóa Bphone trong những ngày gần đây tăng đột biến nhưng điều đặc biệt là số lần tìm kiếm nhiều nhất không phải đến từ Việt Nam mà đến từ Israel – một quốc gia công nghệ và sáng tạo hàng đầu thế giới! Liệu có phải thế giới họ quan tâm đến sự kiện Bphone nhiều hơn cả chính người Việt mình không?

Sự kiện ra mắt Bphone đã làm xuất hiện không ít lời khen chê khác nhau.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, qua bài viết này tôi muốn gắn kết sự kiện Bphone với quá trình phát triển sự thịnh vượng của các nước đang phát triển như Việt Nam. Con đường sáng tạo!

Theo Michael Porter, “các chỉ số như đầu tư, thương mại, năng lực sáng tạo là những chỉ số dẫn báo về sự thịnh vượng trong tương lai… Sự tăng lên của đầu tư, thương mại, hay năng lực sáng tạo thường kéo theo sự cải thiện năng lực cạnh tranh theo thời gian”. Ở một quốc gia mà hiệu quả đầu tư rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ số ICOR Việt Nam luôn cao vượt bậc so với các nước trong khu vực), các chỉ số về năng lực thương mại chẳng có gì khả quan thì giải pháp duy nhất để cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia, đạt tới thịnh vượng chỉ có thể thông qua năng lực sáng tạo !

Quá trình phát triển năng lực sáng tạo của một nước đang phát triển để đạt đến tầm cỡ của các nước phát triển gồm có ba bước như sau:

Bước thứ nhất: tiếp nhận sử dụng công nghệ của nước ngoài. Bước thứ hai: cải thiện công nghệ và cải thiện phù hợp với nhu cầu thực tế tuy nhiên nền tảng căn bản của công nghệ vẫn không thay đổi đáng kể. Và cuối cùng các nước đang phát triển sẽ đạt được trình độ cao nhất trong quá trình phát triển sáng tạo ngang bằng với các nước phát triển khi họ đạt đến bước thứ ba: bước sáng tạo – tạo ra những tri thức và sản phẩm mới.

Quá trình này đúng khi xem xét sự phát triển năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp ở những nước có trình độ phát triển công nghệ thông tin cao như Nhật Bản, Ấn Độ và gần đây là Trung Quốc. Họ bắt đầu bằng cách tiếp cận công nghệ của các nước đi trước, sau đó cải tiến những công nghệ đó và dần dần tiến đến thực hiện những công việc yêu cầu khả năng sáng tạo cao. Ví dụ trường hợp các trò chơi trực tuyến Trung Quốc, ban đầu họ sử dụng những nền tảng có sẵn là Unity rồi sau đó xây dựng nền tảng riêng cho mình như Object Software. Nền tảng này giúp họ hỗ trợ tốt nhất cho ý tưởng cũng như thiết kế các trò chơi do Trung Quốc phát triển, sau đó bán các nền tảng này cho các nước khác.

Trở lại với Bphone, sản phẩm này đang ở đâu trong quá trình phát triển năng lực sáng tạo? Một số đặc điểm cho thấy Bphone có một vài tính chất nằm ở giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển sản phẩm. Hệ điều hành BOS như công bố là một bước cải tiến từ nền tảng Android. Những hãng smartphone nổi tiếng của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo cũng sử dụng nền tảng này.

Tuy nhiên, trong sản phẩm Bphone cũng thể hiện một số đặc điểm có thể nằm ở bước thứ ba trong năng lực sáng tạo, đó là yếu tố bảo mật được tích hợp trên điện thoại. Ví dụ như phần mềm diệt virus BKAV – một sản phẩm mới do chính một doanh nghiệp của Việt Nam tạo nên. Như vậy, dựa trên những thông tin công bố trong buổi ra mắt sản phẩm, Bphone đang ở bước thứ hai là cải thiện công nghệ nước ngoài và có thể đã bắt đầu những bước quan trọng để đặt chân sang nấc thang cao nhất của năng lực sáng tạo giống như các nước phát triển.

Việc Bphone sử dụng các linh kiện ngoại nhập để tạo ra sản phẩm cũng là điều bình thường trong một thế giới mà nền kinh doanh toàn cầu đã trở thành chuỗi giá trị sản xuất. Không ai tự làm tất cả mọi công đoạn sản xuất trong một thế giới tương thuộc lẫn nhau như hiện nay. Ngay cả như Apple thì họ cũng nhập linh kiện từ các nhà cung cấp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để lắp ráp ra sản phẩm. Họ chỉ tập trung vào cái mà họ làm giỏi nhất và tạo ra giá trị cao nhất: nghiên cứu, phát triển và tiếp thị sản phẩm.

“Vạn sự khởi đầu nan”, với số lượng bán ra ít hơn đối thủ cạnh tranh đã định hình được vị thế dẫn đầu trên thị trường, chắc chắn giá thành sản xuất Bphone sẽ rất cao so với đối thủ cạnh tranh. Bphone tham gia vào một thị trường vốn đã có những người dẫn đầu như Samsung hay Apple với thương hiệu mạnh, tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống kiểm soát chất lượng nhà cung cấp, năng lực tiếp thị… vượt trội, xem chừng đây là một cuộc chiến không cân sức!

Liệu Bphone có cơ hội tồn tại và chiến thắng?

Hãy sáng tạo! Đó là con đường quyết định giúp chúng ta ghi dấu ấn vào hành trình công nghệ thế giới!

——————–

>> Xem chi tiết bài viết

Theo Lê Hữu Đức, giảng viên Đại học Hoa Sen
(Nguồn: thesaigontimes.vn, ngày 04/06/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo