Đại học Hoa Sen – HSU

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh: Cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm sẽ không biết bán đi đâu

Đó là băn khoăn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận ở tổ của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 chiều 25.5.

Rớt giá thê thảm, nhiều nơi chặt cây cao su

Ông Vinh nhấn mạnh: Khó khăn đầu tiên ta phải đối mặt là thị trường xuất khẩu nông nghiệp bị thu hẹp. Việc Bộ Công thương vừa rồi phát động hoạt động mua dưa cho đồng bào miền Trung chỉ là giải pháp tinh thần là chính chứ không có ý nghĩa về kinh tế, không giải quyết được gì. Tình trạng này không chỉ xảy ra với dưa hấu. Rất nhiều nông sản khác đã liên tiếp thua, từ hành tím, hành tây tới thanh long và cả lúa gạo.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể, vừa qua ông gặp các doanh nghiệp caosu, họ thực sự buồn bã vì mặt hàng này đã giảm giá từ mức 150 triệu đồng/tấn giờ chỉ còn 25 triệu đồng/tấn, rất hiếm những đơn hàng đạt được mức 30 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi người dân bắt đầu chặt cây caosu.

Theo ông Vinh, vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị khi nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng caosu rất mạnh mẽ thời gian qua, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì đã rớt đến mức không thể bán được như này. Ông Vinh nói: “Chúng ta sẽ ăn nói thế nào với bà con?”.

Cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm sẽ không biết bán đi đâu

Vấn đề lúa gạo cũng khiến Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lo lắng. Ông Vinh cho hay, những năm qua, mức xuất khẩu gạo của Việt Nam thường đạt khoảng 7,7 triệu tấn tấn/năm, vậy mà quý I năm nay, kết quả xuất khẩu rất thấp. 3 điểm vướng mắc mà lúa gạo Việt Nam phải đối mặt, trước hết là việc sản xuất ra nhiều về số lượng nhưng chất lượng kém, không đủ sức cạnh tranh như gạo Thái.

Một số nước đã bắt đầu dùng chính sách bảo hộ với lương thực của mình. Indonesia trước đây nhập gạo Việt Nam rất nhiều nhưng giờ cũng đã áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu để tự cung tự cấp trong nước.

Ông Vinh cũng kể  lại chuyến đi thăm Trung Quốc vừa qua cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: Trung Quốc cũng sản xuất được mùa mấy năm nay, hiện đang thừa gạo (phải xây thêm kho để dự trữ) nhưng vẫn nhập gạo của Việt Nam vì quá rẻ. Gần đây, Trung Quốc đã đưa ra quota nhập khẩu rất hạn chế cho các doanh nghiệp với điều kiện nhập bao nhiêu thì phải đảm bảo tiêu thụ được chừng đó lượng lương thực sản xuất trong nước. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (2 triệu tấn/năm).

Theo ông Vinh, thị trường lúa gạo cũng đang nổi lên nhiều đối thủ cạnh tranh mới như 2 nước vốn chỉ nhập gạo nay đã tham gia xuất khẩu là Ấn Độ và Pakistan. Thái Lan thì vì lượng tích trữ lớn nên cũng bung bán gạo ngon hơn với giá rẻ hơn để giải phóng kho. Campuchia bây giờ cũng xuất khẩu gạo. Lúa gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh rất gay gắt. Vậy nếu cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm sẽ không biết bán đi đâu.

Thanh long quy hoạch chỉ 15.000ha, thực tế tăng 22.000ha

Khó khăn chưa dừng ở cây gạo, mà sang cả cây thanh long. Ông Vinh cho biết, diện tích quy hoạch loại cây này tại Bình Thuận là 15.000ha, nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng. Đến nay diện tích đã tăng tới 22.000ha và sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Ông Vinh nói: “Làm như vậy sao chẳng ế thừa. Nông dân của ta có phong trào đua nhau làm và cùng đua nhau chết”.

Để tháo gỡ, theo ông Vinh, cần phải tái cơ cấu một cách căn cơ với nông nghiệp. Đến tháng 10 (kỳ họp Quốc hội tiếp theo), nếu không chấn chỉnh được việc này, tốc độ tăng trưởng sẽ lại giảm ngay mà giảm nông nghiệp là giảm thẳng vào đời sống người dân.

Dịch vụ cũng là vấn đề khiến Bộ trưởng Vinh băn khoăn. Riêng về du lịch, con số giảm có thể nhìn thấy bằng mắt khi tháng 5 năm nay, tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chỉ là 506.000 lượt người, giảm 14,4% so với tháng 5.2014 – thời điểm xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 khiến Trung Quốc cấm công dân sang du lịch Việt Nam, nhiều quốc gia cũng cảnh báo công dân hạn chế đến Việt Nam.

………………….

>> Xem thêm chi tiết bài viết

 

Theo Xuân Hải
(Nguồn: Lao động, ngày 25/05/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo