Đại học Hoa Sen – HSU

Người lao động cần làm gì để “sống sót” giữa làn sóng trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta vẫn nặng về kiến thức, data dữ liệu đã có sẵn rồi thì đặt nặng vấn đề này để làm gì khi chỉ cần bấm là có. Trong khi đó, vai trò của con người và bộ óc con người là gì?

Tương lai người lao động giữa làn sóng trí tuệ nhân tạo

Nhà Ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM tại buổi trò chuyện chuyên đề cho biết, sau gần 50 năm hòa bình, con đường Việt Nam đã đi đang dẫn đất nước tới một “ngưỡng”, một “thời vận” để tự khẳng định mình với bản thân và với thế giới.

“Chúng ta phải tự tin mình đã lớn lên, mạnh lên, đã giỏi lên và hạnh phúc hơn. Cho nên mình phải tự khẳng định mình thì mới nói được cho thế giới, lưu ý được cho thế giới: Hãy nhìn Việt Nam đi! Có phải từ trong tro tàn chiến tranh đổ vỡ thì sau 50 năm đã trở thành một Việt Nam rất khác.”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ về tương lai người lao động giữa làn sóng trí tuệ nhân tạo
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ về tương lai người lao động giữa làn sóng trí tuệ nhân tạo

Theo bà Ninh, Việt Nam đang sở hữu nhiều lời thế đáng chú ý như: Chính sách đối ngoại linh hoạt; Chủ trương chính sách của Nhà nước Việt Nam thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu; Cục diện sản xuất và xuất nhập khẩu liên quan đến Châu Á nói chung, Trung Quốc và Đông Nam Á nói riêng có sự tiến triển tích cực; Lao động Việt Nam chăm chỉ, cầu tiến;… Tuy vậy, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo như hiện nay đặt ra những yêu cầu mới cho nhân lực.

Sinh viên HSU tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ do Samsung tổ chức

Làn sóng phát triển của trí tuệ nhân tạo đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhân lực. Câu hỏi đặt ra không chỉ AI có thể làm gì mà còn là con người cần làm gì bởi công nghệ có phát triển đến đâu thì “chìa khóa” vẫn là bộ óc, trái tim, bàn tay con người.

Bà nhấn mạnh “Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhân lực, đòi hỏi sự đổi mới trong giáo dục và đào tạo”. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải thích ứng linh hoạt trước sự thay đổi của thị trường lao động.

Nhân lực Việt đang thiếu gì trong giai đoạn mới

TS. Phan Thị Việt Nam – Phó Hiệu trưởng HSU cho rằng: “Để hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam, nhất là thoát khỏi mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người khoảng 7%/năm đến năm 2030 thì sự đột phá về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong những yếu tố then chốt”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thời đại AI.

Sinh viên HSU được tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại trong quá trình học tập
Sinh viên HSU được tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại trong quá trình học tập

Bên cạnh những lợi thế như lao động chăm chỉ, cầu tiến, cởi mở và có kỷ luật, bà Ninh chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục:

  • Thiếu cơ sở, trung tâm đủ quy mô và hiệu quả để đáp ứng đúng mức và kịp thời nhu cầu về nhân lực kỹ thuật và công nghệ (đặc biệt là liên quan đến bán dẫn và AI).
  • Cách thức dạy và học chưa đáp ứng đúng mức và hiệu quả yêu cầu của giai đoạn mới, cụ thể chưa phát huy khả năng phân tích và tổng hợp; Khả năng so sánh và đánh giá tư duy phản biện; Chưa cập nhật kiến thức theo xu thế; Hạn chế về vận dụng AI…
  • Tinh thần thái độ và phương pháp làm việc thiếu tự tin và chủ động trong quan hệ với cấp trên; Thiếu cái nhìn tổng thể; Lập luận và trình bày vấn đề thiếu logic; Ít khi đề xuất sáng kiến.

Giáo dục là “chìa khóa” để giới trẻ làm chủ AI

“AI đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta vẫn nặng về kiến thức, data dữ liệu đã có sẵn rồi thì đặt nặng vấn đề này để làm gì khi chỉ cần bấm là có. Trong khi đó, vai trò của con người và bộ óc con người là gì? Chúng ta phải đặt lại vấn đề và vì vậy càng khẳng định giáo dục Việt Nam cần phải tiến bộ hơn nữa về tư duy, phương pháp, cách tiếp cận.” – Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Với lợi thế các lớp học quy mô nhỏ, sinh viên HSU dễ dàng trao đổi trực tiếp cùng giảng viên
Với lợi thế các lớp học quy mô nhỏ, sinh viên HSU dễ dàng trao đổi trực tiếp cùng giảng viên

Để không bị “bỏ lại” phía sau trong thời đại AI, giới trẻ cần trang bị những kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trên thị trường lao động. Bà Ninh khẳng định: “Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một thế hệ trẻ có khả năng đối mặt và thích ứng với những thay đổi của xã hội”. Điều này có nghĩa sinh viên không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn phải hiểu biết về thế giới, có tư duy mở và biết cách hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi về công nghệ giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tiễn
Nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi về công nghệ giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tiễn

TS. Phan Thị Việt Nam bổ sung thêm rằng: “Thị trường lao động nước ta vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, tính thích ứng, chủ động và linh hoạt của lao động còn thấp, nhất là trước những biến động như đại dịch COVID-19”. Điều này cho thấy, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và quản lý thời gian để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ cũng là một yếu tố then chốt.

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế nhiều công việc truyền thống, sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ cùng một tinh thần học hỏi không ngừng. Như bà Ninh đã nhấn mạnh, thế hệ trẻ Việt Nam nên tận dụng cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục phương Tây, đồng thời hòa nhập với văn hóa bản địa để tạo ra sự kết hợp hoàn hảo.

Thực hiện: Hồng Nhi – Gia Hân

Phòng Marketing – Truyền thông

Facebook Youtube Tiktok Zalo