Đại học Hoa Sen – HSU

Web 3.0 đánh dấu cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục

Trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khái niệm Web 2.0 được nhiều người đưa ra để mô tả sự phát triển của một hệ thống các trang web được xây dựng trên cơ sở mở rộng sự tham gia của số đông. Giai đoạn suy thoái của phong trào tham gia e-commerce tại Hoa Kỳ hay còn gọi là dotcom bubble vào những năm đầu thập kỷ 2000 đã tạo ra một khuynh hướng mới với sự tham gia của lực lượng xây dựng nội dung web không chuyên ngày càng tăng, dẫn đến thể loại Web ngày càng phong phú.

Web 2.0 được đánh dấu bằng sự ra đời của các blogs, các mạng xã hội (social network), các trang web cho phép người dùng chia sẻ nội dung như Youtube. Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay trên thế giới với hơn 1 tỷ người sử dụng (số liệu công bố của Facebook ngày 4/10/2012) dù mới chỉ ra đời năm 2004, hẳn không xa lạ với rất nhiều người trong chúng ta. Cùng với việc Internet được phổ biến đến với mọi người, mạng xã hội trong những năm gần đây đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới với tiện ích tuyệt vời mà nó đem lại : khả năng kết nối và duy trì một mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi vượt ra khỏi giới hạn địa lý giữa những người chia sẻ cùng mối quan tâm, hoạt động, có cùng những kinh nghiệm, quá trình trải nghiệm/học tập hoặc có những mối liên hệ trong cuộc sống thực tế. 
 
 
Hình: giao diện của TheCN.com – theCN.com interface.
 
Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy xuất hiện một hình thức Web có thể tạm gọi là Web 3.0. Hình thức này lại được nhắc kèm với khái niệm crowdsourcing. Wikipedia định nghĩa khái niệm này như sau (tạm dịch): khai thác đóng góp từ một nhóm người, đặc biệt là cộng đồng mạng, thay vì sử dụng một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp như cách làm truyền thống để có được những ý tưởng, dịch vụ hoặc nội dung cần thiết. Mass collaboration hay tạm dịch là sự hợp tác của quần chúng nhân dân là một đặc điểm quan trọng của crowdsourcing và Web 3.0. Một ví dụ đơn giản là Wikipedia. Chính người dùng là những người đóng góp nội dung và biên tập nội dung tạo thành một trang web có nội dung cụ thể. Nếu số đông quần chúng người dùng một ngày nào đó quyết định không đóng góp nội dung nữa thì sự hữu ích của trang web và sự tồn tại của nó bị đe dọa trực tiếp.
 
Sự phát triển của mạng xã hội dần dần cũng vươn ra khỏi phạm vi chia sẻ và kết nối thông thường. Nhiều mạng xã hội mang tính chuyên biệt hóa chức năng phục vụ cho những mục đích nội dung cụ thể do nhiều người sử dụng chung tay tạo ra. một ví dụ điển hình là LinkedIn –  mạng xã hội lớn thứ ba trên thế giới hiện nay với hơn 200 triệu người sử dụng trên toàn thế giới (số liệu công bố của LinkedIn ngày 10/01/2013) ra đời năm 2003, cung cấp dịch vụ tuyển dụng và cho phép các thành viên tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua những mối quan hệ chuyên nghiệp.
 
Web 3.0 đã xuất hiện phục vụ cho giáo dục và cũng đánh dấu một cuộc cách mạng trong giáo dục. Người dùng ở đây là sinh viên và giảng viên tham gia cung cấp nội dung và trao đổi với nhau ở quy mô toàn cầu. Một cách đơn giản, đó là sự kết hợp giữa chức năng mạng xã hội và chức năng quản lý lớp học của giảng viên. Hiện nay trên thế giới có ít nhất hai sản phẩm web phát triển theo hướng này. OBA – collaborative learning platform là sản phẩm do TS. Yong Zhao và các cộng sự tại trường Đại học Oregon thực hiện. CourseNetworking tại theCN.com do TS. Ali Jafari – giáo sư ngành công nghệ máy tính và thông tin trường tại Đại học Indiana University-Purdue University at Indianapolis  (IUPUI) thực hiện và chính thức triển khai ngày 19 tháng 3 năm 2012.  
 
Đại học Hoa Sen có lẽ là trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam ký kết tham gia TheCN.com. Nếu tận dụng tốt, nó sẽ cho phép tạo được sự liên kết giữa giảng viên và học viên có những mối quan tâm chung, cho dù họ đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nó cũng cho phép việc tiếp cận với những kiến thức cập nhật hiện đại và góp phần xây dựng nội dung giảng dạy mang tính toàn cầu. Với số lượng các trường đại học tại Hoa Kỳ, Việt Nam, và nhiều quốc gia khác tham gia ngày càng tăng, chắc chắn mạng xã hội giáo dục này sẽ đóng góp rất lớn cho chuyển biến chất lượng giáo dục tại Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan
Trưởng phòng Hợp tác Quốc  tế  – Đại học Hoa Sen
(Nguồn: Đại học Hoa Sen, 16/3/2013)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo