Đại học Hoa Sen – HSU

Tự chủ đại học còn quá chậm

Việc tự chủ đại học đang có nhiều vướng mắc khiến quá trình này được nêu ra từ lâu nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Đâu là nguyên nhân của việc chậm chạp này?

 

Tự chủ đại học là các trường được tự chủ tài chính, học thuật, tổ chức…  Ảnh: ST​​​.

“Rối như mạng nhện”

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, tại Việt Nam, những vấn đề tự chủ đại học đã được đề cập đến từ những năm đầu của thế kỷ 21 nhưng không đi đến kết quả. Sau 5 năm nước ta thực hiện tự chủ đại học, đến nay mới chỉ có 14/500 đại học trên toàn quốc tự nguyện tham gia tự chủ đại học. Như vậy, tự chủ đại học tại nước ta vẫn chậm xác lập.

Lý giải về điều này, GS Nguyễn Ngọc Phú chỉ rõ: “Ngay từ khi có luật, nhiều vấn đề liên quan đến sự ăn khớp, nhất quán mối liên hệ giữa Luật Giáo dục , Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và nhiều văn bản pháp lý khác đã được đặt ra. Riêng với Luật GDĐH, cho đến nay đã gần 5 năm chính thức được thi hành, nhưng Luật có nhiều điểm chưa phù hợp, không theo kịp với tình hình. Bên cạnh đó, có Luật rồi nhưng nhiều trường đại học vẫn không chịu thực hiện theo. Vấn đề tự chủ là vấn đề lớn trong Luật nhưng chưa được thể hiện đầy đủ, còn “rối như mạng nhện” cần phải sửa đổi. Nhiều diễn giả cũng đã phát biểu, sau hơn ba mươi năm đổi mới nhưng các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý”.

Đồng tình với ý kiến của GS Nguyễn Ngọc Phú, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thực tiễn triển khai cũng đã cho thấy một số bất cập của Luật GDĐH trong việc xây dựng hành lang pháp lý có hiệu lực và hiệu quả để tự chủ đại học thực sự đi vào cuộc sống. Trước hết, nhận thức liên quan đến cách hiểu về tự chủ đại học cùng các điều kiện cần thiết để tự chủ đại học thực sự phát huy tác dụng có sự phân kỳ.

Tiếp đó, chúng ta thiếu nhất quán về thể chế liên quan đến các quy định về vai trò của hội đồng trường và về các điều kiện để cơ sở GDĐH được giao quyền tự chủ. Một nguyên nhân đáng quan tâm nữa là sự phân mảng trong quản lý cùng sự thao túng của các lợi ích ngành, lợi ích nhóm, khiến cho sự phân định giữa quản lý nhà nước về GDĐH và quản trị cơ sở GDĐH rất khó thực hiện. Và cuối cùng, cho đến nay, vẫn chưa hình thành trong GDĐH nước ta một cơ chế tổ chức thực hiện hữu hiệu trong tự chủ đại học.

GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cơ sở giáo dục  đại học của Việt Nam đã vận hành trong một loạt cơ chế không có tự chủ quá lâu. Vì vậy, bản thân các cơ sở giáo dục đại học này nhiều khi cũng không hiểu tự chủ là thế nào. “Thực tế đã có những cơ sở GDĐH hiểu nhầm.  Theo họ, tự chủ đại học là tự lo kinh phí, được tự tiêu những khoản tiền mình kiếm được. Nghĩ đơn giản như vậy nên nhiều cơ sở đại học không dám nhận làm thí điểm tự chủ. Tức là họ bị mất khả năng tự chủ”, GS Vũ Minh Giang nói.

Chính vì thế, GS Giang cho rằng, GDĐH ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn thích ứng với cơ chế, luật pháp, thiết chế tổ chức, với cách quản lý chặt. Do vậy, muốn tự chủ đại học thì phải thay đổi từng bước.

Không cần bộ chủ quản?

Hiện có 24 cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm tự chủ đại học, tuy nhiên đến nay chỉ có 3 trường là trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường Đại học Kinh tế TP.HCM và trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT. Như vậy, hầu hết các trường đại học đang thực hiện thí điểm tự chủ đại học vẫn chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản. Theo GS Vũ Minh Giang, bộ chủ quản đối với giáo dục đại học thực chất không quản lý chuyên môn mà chỉ có quản lý nhà nước ở lĩnh vực đó và việc này thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

GS Vũ Minh Giang cũng cho biết: Muốn đại học trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới thì những nhà khoa học, những người quản lý khoa học phải biết được hướng nghiên cứu của thế giới về vấn đề đó, lĩnh vực đó trong những năm tới ra sao. Không Bộ nào có thể quản lý được việc nghiên cứu học thuật của các trường, các bộ liên quan chỉ có nhiệm vụ đưa ra những đơn đặt hàng với các trường.

“Nhưng thực tế ở Việt Nam, bộ chủ quản có nhiệm vụ cấp tiền cho các trường, nên đương nhiên, bộ chủ quản giống như ông chủ. Bộ chủ quản có rất nhiều quyền, họ can thiệp vào công việc chuyên môn, can thiệp vào tổ chức của các trường. Vì bộ chủ quản can thiệp các vấn đề trên nên các trường đại học coi như không có tự chủ. Tự chủ đại học phải song song với việc không có bộ chủ quản. Lúc đó, Bộ GD&ĐT cũng không phải là bộ chủ quản mà là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý về mặt nhà nước lĩnh vực giáo dục”, GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tự chủ đại học đã có những quyền và mục tiêu rõ ràng, tự chủ tài chính, tự chủ về tổ chức. Tuy nhiên, về tổ chức của các trường đại học tự chủ là cuộc tranh chấp giữa cơ quan chủ quản. Trong cơ chế thị trường mà các trường đại học vẫn có bộ chủ quản là vẫn thực hiện theo cơ chế xin cho”. Ông Phúc quan niệm: “Giáo dục đại học là thị trường, tất cả phải tuân thủ theo quy luật của thị trường, tức là có sự đào thải, giải tán, phá sản. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường thì từ đó sẽ có những trường đại học lớn lên nhưng cũng có thể có trường phải giải tán”.

Ông Phúc cũng chỉ ra thực tế từ việc mở trường đại học tràn lan trong những năm vừa qua. “Từ năm 2008, tỉnh nào cũng có từ 1-2 trường đại học đến bây giờ thì không có sinh viên. Đây là sai lầm chồng lấn mà không có điểm dừng và không ai chịu trách nhiệm về việc này. Do đó, các trường đại học cần phải tuân theo quy luật thị trường để chúng ta có những ứng xử sao cho đúng”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nguồn: Đỗ Hòa/Baohaiquan.vn

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo