Đại học Hoa Sen – HSU

Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam (Kỳ II)

Kinh nghiệm và thực tiễn thế giới cho thấy, có bốn công cụ chính đảm bảo chất lượng giáo dục đại học: (1) Kiểm định chất lượng, (2) công khai thông tin chất lượng, (3) xếp hạng và (4) đối sánh. Tuy nhiên, theo quan điểm của Nhóm Đối thoại giáo dục, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, Việt Nam nên tập trung hơn vào hai công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng vì tính khả thi và tính phổ dụng cao hơn.

3. Đảm bảo chất lượng

Phân tích hiện trạng

Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là khái niệm mới xuất hiện ở nước ta trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Việc hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng là bước đi hợp lý, phù hợp với xu thế chung của thế giới sau giai đoạn bùng nổ về số lượng. Kinh nghiệm và thực tiễn thế giới cho thấy, có bốn công cụ đảm bảo chất lượng chính như sau: (1) Kiểm định chất lượng (quality accreditation), (2) công khai thông tin chất lượng (quality information disclosure), (3) xếp hạng (ranking) và (4) đối sánh (benchmarking). Đối chiếu với hệ thống đảm bảo chất lượng ở nước ta hiện nay, có thể thấy mặc dù cả bốn công cụ trên đều đã được triển khai, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:

●    Kiểm định chất lượng

Trong bốn công cụ đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng có lẽ là công cụ được biết đến rộng rãi và được sự quan tâm lớn nhất từ phía nhà nước. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục được ra đời từ năm 2004 là cơ quan quản lý của nhà nước chuyên trách về kiểm định chất lượng. Quy định về kiểm định chất lượng cũng được hình thành và chỉnh sửa nhiều lần, trên cơ sở tham khảo quy định về kiểm định chất lượng thế giới. Trên cơ sở quy định về kiểm định chất lượng, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã thành lập đơn vị chuyên trách về kiểm định chất lượng bên trong (mặc dù trong thực tế, các đơn vị này thường vẫn phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ như khảo thí/thanh tra). Một số chương trình đã bắt đầu được đánh giá kiểm định theo quy định của Bộ GD&ĐT và ba trung tâm kiểm định độc lập đã được thành lập tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Có thể thấy cả ba trung tâm này chưa hoàn toàn có tính độc lập vì hoạt động dưới sự bảo trợ chuyên môn của hai ĐH Quốc gia và ĐH Đà Nẵng. Tại các nước khác, các trung tâm kiểm định chất lượng thường tách rời, không trực thuộc các trường đại học và Bộ GD&ĐT.

Từ phía cơ sở, một số trường đã nhận ra ích lợi của kiểm định chất lượng giáo dục và có một số nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tham gia vào chương trình kiểm định của các tổ chức quốc tế như AUN, ABET.

●     Công khai thông tin chất lượng

Công khai thông tin chất lượng là công cụ được rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Anh, Hàn Quốc áp dụng và phát huy hiệu quả trong việc tạo sức ép buộc các trường đại học phải vận động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thông tin chất lượng bao gồm các bộ chỉ số (indicator set) về đào tạo và nghiên cứu khoa học như: tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng, mức thu nhập bình quân của sinh viên tốt nghiệp, mức độ hài lòng của sinh viên, tỷ lệ công bố khoa học/giảng viên… Thông thường việc tiến hành thu thập các thông tin chất lượng sẽ do một tổ chức độc lập thực hiện, các trường có nghĩa vụ phối hợp để việc thu thập được tiến hành thuận lợi, ví dụ như trong việc cung cấp thông tin sinh viên, cựu sinh viên, các đối tác… Tại Việt Nam, công khai thông tin chất lượng đã được “nhen nhóm” triển khai từ năm 2009 với Chương trình ba công khai trong đó các trường đại học được yêu cầu phải công khai thông tin của trường mình trên trang mạng về các mảng đào tạo, cơ sở vật chất và tài chính. Tuy vậy, chất lượng của công khai thông tin ở Việt Nam vẫn chưa đạt được độ tin cậy khả dĩ bởi vì các trường tự đo và tự công bố báo cáo của mình, việc mà đúng ra cần được giao cho một tổ chức độc lập.

●    Xếp hạng và đối sánh

Xếp hạng và đối sánh là hai công cụ đảm bảo chất lượng còn ít được phổ biến ở Việt Nam, mặc dù đã có những nỗ lực đơn lẻ của một vài trường đại học có tầm nhìn và ước muốn hội nhập quốc tế. Trong năm 2014, Bộ GD&ĐT có ban hành một quy định tạm thời về việc phân tầng và xếp hạng đại học; nhưng cho đến nay, văn bản chính thức vẫn chưa được ban hành.
Khuyến nghị

Theo quan điểm của chúng tôi, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, áp dụng đồng bộ cả bốn công cụ của đảm bảo chất lượng kể trên là một điều cần làm. Tuy vậy, trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, nhà nước nên tập trung vào hai công cụ kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng hơn vì tính khả thi, và tính phổ dụng (có thể cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học) cao hơn.

●    Kiểm định chất lượng

– Tiếp tục hoàn thiện, cải tiến hệ thống, tiêu chí kiểm định chất lượng hiện tại trên cơ sở tham khảo hoặc tham gia các hệ thống, tiêu chí kiểm định chất lượng của thế giới; áp dụng nhiều bộ tiêu chí kiểm định chất lượng khác nhau cho các bậc học khác nhau (cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) và cho các hình thức học khác nhau (chính quy, liên kết quốc tế, e-learning).

– Tổ chức lại các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thành các trung tâm kiểm định độc lập, nằm ngoài Bộ GD&ĐT. Ban hành các quy định nhằm đảm bảo việc đánh giá kiểm định thực sự khách quan và công bằng.

– Khuyến khích sự hiện diện của các tổ chức kiểm định quốc tế ở Việt Nam và có chính sách hỗ trợ các trường đại học tham gia đánh giá kiểm định tại các tổ chức này.

●   Công khai thông tin chất lượng

– Giao cho một tổ chức độc lập tiến hành việc thu thập thông tin chất lượng giáo dục đại học và công bố hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường đại học, cao đẳng có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức nói trên trong quá trình thu thập dữ liệu.

– Có thể tham khảo từ các nước đã áp dụng trước đó như Mỹ, Anh, Hàn Quốc để thiết lập bộ chỉ số thông tin chất lượng. Bộ thông tin chỉ số có thể bao gồm: mức độ hài lòng của sinh viên sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau tốt nghiệp, thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp…

●    Xếp hạng và đối sánh

– Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các trường đại học Việt Nam tham gia vào các bảng xếp hạng và đối sánh quốc tế.

Mô hình dài hạn

Về dài hạn, kiểm định chất lượng và công khai thông tin chất lượng cần được xem là hoạt động bắt buộc và định kỳ đối với tất cả các trường, chương trình đại học và cao đẳng trong cả nước. Kết quả kiểm định chất lượng độc lập cần được xem như tiêu chí trong việc phân bổ ngân sách, quyết định mở, đóng hay tạm ngừng các chương trình đào tạo, bổ nhiệm/tái bổ nhiệm các nhân sự cấp cao trong trường đại học.

4. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở đại học

Sứ mệnh của đại học là truyền đạt và mở rộng tri thức. Những cố gắng cải cách mô hình quản trị và tài chính của đại học cũng chỉ hướng đến mục tiêu chính là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Phân tích hiện trạng

Chúng tôi cho rằng vấn đề nổi cộm nhất trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở đại học Việt Nam là sự ưu tiên dành cho số lượng thay cho chất lượng. Vấn đề này thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau:

●    Khả năng nghiên cứu khoa học

Khả năng nghiên cứu khoa học yếu kém của giảng viên đại học ở Việt Nam là một vấn đề lớn. Dưới đây là một số nguyên nhân:

–    Quá trình nâng cấp gần đây của nhiều trường từ trung cấp, cao đẳng lên đại học có thể đã quá vội vàng.

–    Trong việc tuyển dụng giảng viên đại học, khả năng nghiên cứu khoa học chưa được coi là ưu tiên hàng đầu.

–    Trong quá trình làm việc, giảng viên thiếu điều kiện và động cơ để nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh những thách thức nêu trên, cần ghi nhận Việt Nam có một đội ngũ nhỏ các nhà khoa học có trình độ đã được khẳng định, và một đội ngũ khá đông nhà khoa học trẻ, đã tu nghiệp và tiếp cận với nghiên cứu khoa học ở những đại học tiên tiến. Tuy vậy, vẫn còn thiếu những người có khả năng làm đầu tầu.

●    Tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước

Nafosted, quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, đã có hiệu ứng rất tích cực, đặc biệt trên số lượng công bố quốc tế. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng tài trợ nghiên cứu khoa học chung của nhà nước còn dàn trải. Trong việc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, đôi khi còn quá ưu tiên “mục đích luận” so với khả năng và chất lượng nghiên cứu khoa học. Trong một số mẫu tính điểm hồ sơ đề tài khoa học ứng dụng, tính “cấp bách” có trọng số cao hơn so với thành tích khoa học của chủ đề tài, nói cách khác là tính khả thi.

●    Môi trường trao đổi và hợp tác

Môi trường khoa học để trao đổi tương tác giữa các trường đại học khác nhau, giữa đại học và công nghiệp, còn rất thiếu. Hầu hết các trường tuyển dụng sinh viên cũ của mình làm giảng viên, thay vì tích cực đi tìm tài năng từ những nguồn khác. Quan hệ giữa các trường đại học bị chi phối bởi những cạnh tranh mang tính chất lịch sử, đôi khi là mâu thuẫn cá nhân, thay vì hợp tác và cạnh tranh lành mạnh hướng tới nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Liên hệ của đại học với công nghiệp nếu có thông thường chỉ dừng ở mức độ quan hệ cá nhân chứ ít khi được thể chế hoá. Sự thiếu tin tưởng và hợp tác giữa đại học và công nghiệp là một trong những nguyên nhân chính cho sự non yếu của nghiên cứu triển khai ở Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng.

Phương thức hiệu quả và thực chất nhất để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là hợp tác quốc tế. Các trường đại học hầu như không có cơ chế tài chính để đón tiếp khách quốc tế. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể bỏ khoản tiền rất lớn để thuê tư vấn quốc tế, các trường đại học Việt Nam không thể thanh toán vé máy bay và sinh hoạt phí cho các giáo sư nước ngoài vì không có cơ chế và ngân sách.

●    Số môn học và số giờ lên lớp

Về số lượng, học trình ở đại học Việt Nam nặng hơn nhiều so với đại học ở các nước tiên tiến. Để lấy ví dụ, số môn học toán ở ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều gấp hai số môn học toán ở Đại học Chicago. Tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, sinh viên phải hoàn thành 60 môn học trong bảy học kỳ, trong khi trung bình sinh viên ở đại học Mỹ trung bình học bốn môn một học kỳ. Nhìn chung, sinh viên Việt Nam học nhiều môn hơn, nhưng vì ít làm đề án, bài tập nên mức độ hiểu biết không sâu, kỹ năng tự học và nghiên cứu còn rất yếu so với sinh viên ở các nước phát triển.

Vì số lượng môn học quá nhiều (và một phần vì lý do thu nhập), số lượng giờ đứng lớp của giảng viên hiện tại là quá lớn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên tìm tòi khám phá.
Khuyến nghị

Từ phân tích hiện trạng chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy như trên, chúng tôi đi đến một số khuyến nghị như sau:

●    Giảng dạy

–    Giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp.
–    Tăng số giờ thực tập, thực hành, làm đề tài và làm bài tập.
–    Khuyến khích việc sử dụng trực tiếp học liệu do các trường đại học tiên tiến cung cấp để giảng viên giảm giờ dạy, tăng giờ hướng dẫn thực hành và làm bài tập.

●    Nghiên cứu khoa học

–    Lấy trình độ nghiên cứu khoa học làm ưu tiên hàng đầu cho việc tuyển chọn giảng viên.
–    Thiết lập một số vị trí với điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt để tạo ra những đầu tầu trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng.
–    Thiết lập cơ chế tài chính để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc.

●    Tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước

–    Tập trung tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước về các quỹ hoạt động theo mô hình Nafosted.
–    Lấy thành tích khoa học và mức độ công nhận quốc tế làm chỉ tiêu hàng đầu trong việc xét duyệt đề tài.
–    Tăng cường sự tham vấn của các nhà khoa học quốc tế trong việc xét duyệt đề tài.

●    Môi trường trao đổi và hợp tác

–    Làm thông thoáng thị trường lao động khoa học, khuyến khích việc luân chuyển từ trường này sang trường khác, từ đại học sang công nghiệp và ngược lại.
–    Hỗ trợ cho những đề tài có khả năng làm tiền đề cho việc hình thành các mạng lưới trong nghiên cứu khoa học.
–    Thể chế hóa sự liên kết giữa đại học và công nghiệp thông qua một số việc như sau: (i) đại diện của công nghiệp tham gia hội đồng ủy thác của trường, hội đồng khoa học của các khoa, (ii) đại diện của công nghiệp tham gia vào việc thiết kế học trình, nội dung môn học và hướng dẫn sinh viên thực tập, (iii) thiết lập các vị trí giáo sư đặc biệt do công nghiệp tài trợ.

Lộ trình

Chúng tôi cho rằng sẽ rất khó có thể cải tổ về cơ bản chế độ tuyển dụng nhân lực khoa học, đặc biệt trong việc thiết lập các vị trí giáo sư đặc biệt, nếu không có cải tổ về quản trị và tài chính đại học như đã nêu ở các mục trên.

5. Dân chủ nội bộ và tự do học thuật

Uy tín của các trường đại học trong xã hội không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng tài chính và chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy mà còn phụ thuộc vào các định chế dân chủ nội bộ, cũng như khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Bản thân chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng bị chi phối bởi khả năng duy trì đạo đức và tự do trong học thuật. Môi trường học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có lành mạnh hay không phụ thuộc vào tính minh bạch của các định chế dân chủ nội bộ.

Phân tích hiện trạng

Các định chế dân chủ nội bộ trong các trường đại học Việt Nam còn thiếu hoặc nếu có thì còn khá sơ sài. Có thể nhận thấy qua các biểu hiện sau đây:
–    Giảng viên đại học, thậm chí giáo sư, cảm thấy vị trí của mình thấp hơn các bộ phận quản lý vì tiếng nói của họ không được lãnh đạo nhà trường lắng nghe.
–    Sinh viên thiếu kênh chính thức để phát biểu nguyện vọng của mình về học trình, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cũng như đời sống sinh viên.
–    Còn thiếu định chế dân chủ nội bộ để giải quyết qua đối thoại minh bạch những xung đột nội bộ.
–    Những vi phạm đạo đức khoa học đáng ra phải được phân xử ở các định chế dân chủ của đại học trước, thì nhiều khi lại phải mượn tới báo chí và công luận, làm mất uy tín của trường.
–    Các trường đại học chưa có tự do học thuật thực sự vì còn nhiều môn học bắt buộc.

Khuyến nghị

–    Thiết lập nghị trường giảng viên (Faculty Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường. Nghị trường giảng viên có thể đưa ra tiếng nói chung của giảng viên đối với các hiện tượng vi phạm đạo đức khoa học hoặc tự do học thuật. Nghị trường giảng viên bầu ra đại diện để tham vấn ban giám hiệu nhà trường.
–    Thiết lập nghị trường sinh viên (Student Senate) với vai trò tham vấn mọi vấn đề liên quan đến học tập và đời sống sinh viên. Nghị trường sinh viên bầu đại diện của mình để tham vấn ban giám hiệu nhà trường.
–    Thiết lập các ủy ban thông qua đó giảng viên có thể tham vấn trực tiếp cho Ban giám hiệu. Trong số những ủy ban như thế có thể kể đến: ủy ban kế hoạch, ủy ban tuyển dụng, ủy ban đề bạt, ủy ban đánh giá thường niên… Ban giám hiệu giao cho các ủy ban nhiệm vụ tham vấn về những vấn đề cụ thể.
–    Mỗi trường đại học có quy chế nội bộ để điều tiết quan hệ giữa hội đồng ủy thác, ban giám hiệu, nghị trường giảng viên, nghị trường sinh viên và các ủy ban, phù hợp với quy chế chung của nhà nước.
–    Các trường đại học được tự chủ trong việc thiết lập ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và học trình giảng dạy.
 

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Nhóm Đối thoại giáo dục
(Nguồn: Tạp chí Tia Sáng, ngày 10/06/2015)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo