Đại học Hoa Sen – HSU

Thỏa thuận chung về vấn đề Biển Đông

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, nhận định về cuộc tranh chấp Biển Đông trong bối cảnh hội nghị Bali đang diễn ra tại Indonesia.

Tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc làm khó dễ. (Bay Vút)

Trả lời phỏng vấn của Bay Vút, Tiến sĩ Trần Trường Thủy cho biết quan điểm của ông về một số vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay như chuyến đi Trung Quốc của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, mong đợi của Việt Nam tại Hội nghị Bali…

Bay Vút: Sau chuyến công du Trung Quốc của Đặc phái viên Hồ Xuân Sơn, Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố đã đạt được “thỏa thuận chung”. Xin ông cho biết về thỏa thuận đó?

TS. Trần Trường Thủy: “Theo tôi hiểu thì chuyến đi của Đặc phái viên Việt Nam sang Trung Quốc với mục đích làm giảm nhẹ căng thẳng trên Biển Đông. Chuyến đi này xảy ra sau chuyến thăm Việt Nam của Phó Trưởng ban Đối Ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Hai thông điệp chính truyền tải trong chuyến đi của đặc phái viên Việt Nam là nêu quan ngại trước việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời mong muốn củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc”.

“Đây chính là hai vế đi liền nhau trong chính sách của Việt Nam là vừa đấu tranh trên những vấn đề khác biệt nhưng vẫn giữ vững quan hệ ổn định với các bên liên quan, thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề có điểm đồng về lợi ích”.

“Về “thỏa thuận chung” theo tôi hiểu thì không phải là một thỏa thuận gì mang tính văn bản pháp lý, trong chuyến đi ngắn như thế thì không thể đạt được thỏa thuận gì trong vấn đề phức tạp như Biển Đông. Hai bên chỉ có tuyên bố báo chí chung như đã công khai: tăng cường quan hệ Việt-Trung; tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước trong vấn đề Biển Đông; hướng dẫn dư luận, báo chí; và tích cực đàm phán về các nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển.

“Một số người đặt câu hỏi về “nhận thức chung” của lãnh đạo cấp cao hai nước là gì, có thỏa thuận gì không”.

“Thực ra “nhận thức chung” chỉ mang tính chung chung, được tuyên bố trong nhiều chuyến thăm cấp cao của hai bên. Các ý cơ bản chỉ mang tính nguyên tắc như giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982; gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp; tích cực nghiên cứu và bàn bạc để hợp tác cùng phát triển để đề ra mô hình và khu vực thích hợp, theo hình thức dễ trước khó sau”.

“Các thành tố của “nhận thức chung” này thực ra là của Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, chỉ khác là mang áp dụng cụ thể thêm cho quan hệ Việt-Trung”.

Bay Vút: Tin cho biết Trung Quốc và ASEAN vừa đạt thống nhất về văn bản hướng dẫn thực hiện DOC. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên ASEAN than phiền những biện pháp hướng dẫn này có tính chất mơ hồ và không đầy đủ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Trần Trường Thủy: “Văn bản vừa đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN là văn bản hướng dẫn cách thức thực hiện DOC, có thể so sánh là như thông tư hướng dẫn thực hiện sau khi đã ban hành luật”.
“Nội dung văn bản chỉ là các bước hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể các điều khoản của DOC. Lâu nay hai bên không nhất trí thông qua văn bản này là do bất đồng về cách thức tiến hành: ASEAN muốn bàn bạc, thống nhất với nhau trước, sau đó mới bàn với Trung Quốc; trong khi Trung Quốc không đồng ý bàn với ASEAN như là một khối”.

“Bất đồng nữa liên quan đến việc ASEAN muốn thực thi đầy đủ các điều khoản của DOC, trong khi Trung Quốc chỉ chú trọng vào các dự án hợp tác”.

“Việc hai bên đạt được thống nhất về văn bản hướng dẫn này chỉ là bước nhỏ trong quản lý tranh chấp Biển Đông. Văn bản chỉ thể hiện là Trung Quốc và ASEAN có thể ngồi đàm phán và đạt được thỏa thuận với nhau. Cả DOC và văn bản hướng dẫn này không đủ hiệu lực để ngăn ngừa các hành vi làm phức tạp, căng thẳng tình hình của các bên”.

Bay Vút: Nếu các thỏa thuận sắp đạt được đều có tính chất không ràng buộc (như đã xảy ra với DOC từ năm 2002 tới nay) thì liệu việc ra đời thêm một văn kiện nữa có giúp giải quyết tình hình căng thẳng ở Biển Đông hay không?

TS. Trần Trường Thủy: “Hiện trong khu vực có hai cơ chế trực tiếp liên quan đến quản lý tình hình Biển Đông là Công ước luật biển 1982 và Tuyên bố DOC 2002”.

“Công ước luật biển 1982 là văn bản quan trọng nhất, phổ quát nhất quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biển, trong đó bao gồm các quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển”.

“Tuy nhiên, công ước không giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá; mà ngược lại là nhân tố làm tranh chấp mở rộng hơn, do liên quan đến tranh chấp nguồn tài nguyên dầu khí, hải sản ở biển theo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

“Ngoài ra, công ước cũng có nhiều điều khoản không rõ ràng nên các bên việc dẫn khác nhau nhằm tối đa hóa lợi ích của mình và biện minh cho hành động. Ví dụ như các điều khoản liên quan đến đảo, đá nào có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; hay quy định về họat động của tàu bè quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế”.

“DOC được ký kết nhằm mục đích quản lý tranh chấp thông qua khuyến khích các bên kiềm chế không làm phức tạp tình hình, tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, DOC là văn bản chính trị không có giá trị pháp lý nên không có giá trị ràng buộc và không có chế tài để xử lý vi phạm. Các điều khoản cũng chưa đầy đủ để kiềm chế hành động của các bên và một số điều khoản chưa rõ ràng để quy chiếu”.

“Thực tiễn cho thấy hai công cụ cơ bản này không đủ để quản lý hiệu quả các tranh chấp và không đủ hiệu lực để duy trì ổn định ở Biển Đông. Do đó rất cần thiết một văn bản mới có giá trị pháp lý quy định đầy đủ các điều khoản điều chỉnh hành vi của các bên liên quan thì mới có thể giúp quản lý hiệu quả tranh chấp Biển Đông”.

Bay Vút: Theo ông, Việt Nam trông đợi gì ở cuộc họp Bali. Xin cho biết một số trông đợi cụ thể?

TS. Trần Trường Thủy: “Cá nhân tôi nghĩ là Việt Nam có thể trông đợi từ Bali ở một số nội dung như sau”.

“Thứ nhất là duy trì việc bàn thảo về vấn đề Biển Đông tại các cuộc họp liên quan nội bộ ASEAN, ASEAN+Trung Quốc và đặc biệt là tại ARF, càng nhiều tiếng nói quan ngại, nhiều kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, thực thi DOC càng có tác dụng trong việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Có thể Việt Nam cũng trông chờ vào phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông”.

“Thứ hai là củng cố đoàn kết ASEAN, tăng cường đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, có các mốc thời gian cụ thể cho các bước đi mới như COC. Trong tuyên bố chung các ngoại trưởng tôi thấy các ngoại trưởng đã đặt các mốc lộ trình cụ thể cho việc bàn thảo COC”.

“Thứ ba là tranh thủ đạt các tiến triển mới trong các trao đổi song phương, với Trung Quốc”.

“Thứ tư là đạt được các bước tiến cụ thể trong đàm phán: như Bản hướng dẫn thực thi DOC là một bước tiến mới”.

(Nguồn: bayvut)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo