Đại học Hoa Sen – HSU

Suy nghĩ và hành động vì một nền giáo dục sạch

Bản chất của giáo dục là hướng thiện, do đó một nền giáo dục chân chính trước hết phải là một nền giáo dục sạch. Tuy nhiên, đứng trước hiện tượng đạo văn và nhiều tiêu cực khác trong giáo dục hiện nay, làm thế nào để giữ cho thế hệ học sinh, sinh viên và kể cả người thầy có được sự “miễn nhiễm”?

Đó là những trăn trở và suy tư của các diễn giả và sinh viên các trường đại học tham gia buổi tọa đàm “Vì một nền giáo dục sạch” được tổ chức tại Đại học Hoa Sen nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12.

 

Khi cái bất thường đang trở nên bình thường

Mở đầu chương trình, TS. Phạm Quốc Lộc – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, kiêm Chủ nhiệm CLB Face của Trường ĐH Hoa Sen, đã giới thiệu đến các diễn giả, sinh viên một video clip dài hơn 3 phút, mô tả hành trình một bạn trẻ khởi đầu từ một gian dối nhỏ trong thi cử. Đây cũng là đoạn video clip đã đạt giải nhất trong cuộc thi “Học sinh-sinh viên trung thực: Được gì, mất gì?” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức năm 2011. Đoạn video này lấy hình ảnh chủ đạo là đôi bàn tay của một bạn trẻ. Ban đầu, đôi tay ấy chỉ có một vết hoen nhỏ khi nhìn trộm bài của bạn, rồi từ từ đôi tay ấy ngày càng vấy bẩn hơn khi bắt đầu quay cóp, mua điểm, chạy bằng. Kết quả, đôi bàn tay ấy đã bị vấy bẩn hoàn toàn và không thể bước vào tương lai.

Tiếp nối chương trình là đoạn video clip “Niềm tin và nói dối” của Youth Box Channel (YBO)- Kênh truyền thông trực tuyến dành cho các bạn trẻ và do chính các bạn trẻ xây dựng, phát triển với sự tư vấn và hỗ trợ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Tổ chức Hướng tới Minh bạch và ĐH Hoa Sen. Clip đưa ra một thông điệp sâu sắc: “mỗi lời nói dối sẽ làm vơi đi niềm tin và đừng làm cạn đi niềm tin của người khác bằng những lời nói dối của mình”.

Những thông điệp từ hai đoạn video clip trên đã gợi mở những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Thực tế, để điểm tên những hiện tượng giả dối trong giáo dục hiện nay có thể nói là hằng hà sa số. Gian lận trong thi cử, đạo luận văn, luận án, đạo nghiên cứu học thuật, mua điểm, chạy bằng giả….

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Đào Thị Nga, quyền Giám đốc tổ chức Hướng tới minh bạch chia sẻ: “Thực tế hiện nay, rất khó để sinh viên, học sinh sống cao đẹp. Theo khảo sát của chúng tôi, dù rất coi trọng tính trung thực và liêm chính nhưng sinh viên, học sinh cũng rất dễ dàng thỏa hiệp, nới lỏng vì lợi ích bản thân như sẵn sàng quay bài, đạo văn, mua điểm và nhà trường, môi trường giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách, tính trung thực và sự liêm chính của học sinh, sinh viên …”.

TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, thật khó để giữ con em chúng ta được “sạch” tuyệt đối trong một môi trường “không sạch”, bởi lẽ giả dối trong giáo dục hiện nay đang là một cám dỗ rất lớn đặt ra nhiều thách thức các bạn học sinh, sinh viên. Vì vậy, bản thân người trẻ phải có sự “miễn nhiễm” mới có thể vượt cám dỗ này.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thị Phương Anh- Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nói: “Những năm trở lại đây, hiện tượng giả dối trong giáo dục gần như trở thành một căn bệnh ăn vào xương máu của nhiều người. Học sinh, sinh viên học hành đối phó, gian lận, đạo luận án, đạo nghiên cứu khoa học. Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng một bộ phận lớn trong đó lại là “hàng giả”, trình độ và năng lực thật sự không có. Dường như chúng ta đang chấp nhận thói dối trá trong giáo dục là việc bình thường”.

Làm thế nào để khôi phục diện mạo cho nền giáo dục?

FACE không chỉ là CLB mà còn là một trong những giá trị của HOA SEN

Được thành lập năm 2010, đến nay CLB FACE đã tròn 2 tuổi và đang lớn lên từng ngày. Tuy là một CLB nhưng FACE gần như đã trở thành một giá trị của ĐH Hoa Sen. Một trong 7 giá trị cốt lõi của Đại học Hoa Sen “tính chính trực” và FACE hàm chứa trong đó sự tiếp nối tính giá trị này, được bộc lộ một cách tường minh ngay trong tên gọi FACE: “For A Clean Education” (Vì một nền giáo dục sạch).

TS. Phạm Quốc Lộc- Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học-Chủ nhiệm CLB Face

Theo TS. Bùi Trân Phượng, truyền thống của người phương Đông, trong đó có Việt Nam từ lâu luôn coi trọng giá trị trung thực và đề cao phẩm chất liêm chính. Tuy nhiên hiện nay, những giá trị này đang bị bóp méo bởi sự giả dối, tham nhũng. Do đó, để tìm lại diện mạo thật sự của nền giáo dục, trước hết chúng ta cần nhìn nhận đúng thực trạng hiện nay; đó là hiện tượng “đạo văn”, “tham nhũng” trong học thuật đang nổi lên như một vấn nạn nghiêm trọng, tạo ra hình ảnh không đẹp về nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta cần mạnh dạn đối diện với “căn bệnh” của nền giáo dục hiện nay, đương đầu với nó để tái tạo diện mạo chân chính của người thầy, người học và diện mạo của nền giáo dục.

Ông Giản Tư Trung Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cho rằng “trong mỗi con người đều có hai mặt, mặt phẩm giá và mặt bản năng. Cuộc đấu tranh giữa phần khai minh và phần u minh trong mỗi con người là cuộc chiến khốc liệt nhất. Trong cuộc chiến này, để giữ lại con người phẩm giá, bản thân chúng ta phải đủ mạnh mẽ vượt qua những cám dỗ. Trong cuộc đấu tranh chống lại tham nhũng, giả dối trong giáo dục, học thuật, bản thân người thầy phải là những tấm gương phản chiếu và các bạn học sinh, sinh viên phải tự kêu gọi bản thân nói không với giả dối và tham nhũng”.

TS. Vũ Thị Phương Anh chia sẻ: “Tính trung thực và liêm chính trong học thuật là một giá trị cần được vun đắp lâu dài và môi trường giáo dục là nơi làm điều đó. Vì vậy, các giá trị này cần được nhấn mạnh trong các trường học. Cụ thể, các trường đại học nên định hướng và dạy cho sinh viên về các quy định trích nguồn, thế nào là đạo văn, thế nào là trung thực và dối trá trong học thuật.”

Theo TS. Phương Anh, ngoài biện pháp giáo dục, định hướng, việc rèn luyện tính liêm chính, trung thực trong học thuật cần phải được thực hiện bằng các biện pháp xử lý cụ thể, không khoan nhượng như: cảnh cáo, buộc tạm ngưng học tập, đuổi học.

Trong bối cảnh hiện nay, việc suy nghĩ và hành động vì một nền giáo dục sạch có thể nói là một thử thách rất lớn. Thế nhưng, nói như TS. Bùi Trân Phượng, bất cứ việc gì cũng có giai đoạn khởi đầu, con đường dù dài đến đâu thì cũng có bước chân đầu tiên và nếu bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ đi hết con đường… Tại Đại học Hoa Sen, sự ra đời của CLB Face (For A Clean Education) năm 2010 là một bằng chứng cụ thể cho điều đó. Căn bệnh đạo văn tuy đã “ăn vào xương, thấm vào máu” nhưng vẫn chưa có gì là quá muộn nếu ngay từ bây giờ chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và hành động để làm trong sạch và khôi phục lại diện mạo của nền giáo dục Việt Nam. Không phải tất cả mọi sự đều có thể, nhưng nhiều điều vẫn còn có thể hoặc chúng ta làm cho chúng trở nên có thể…

Hữu Tri

 

Câu lạc bộ FACE được thành lập năm 2010 tại  Đại học Hoa Sen với sứ mệnh nâng cao tính liêm chính và minh bạch trong giáo dục tại Việt Nam. FACE với sự hỗ trợ của Đại học Hoa Sen, tổ chức Minh Bạch Quốc tế (Transparency International), và tổ chức Hướng tới Mình Bạch (Towards Transparency), đã triển khai nhiều dự án xây dựng tính trung thực, liêm chính trong thanh niên, sinh viên, học sinh. Năm 2012, FACE cùng với các tổ chức trên triển khai dự án Youth Box Channel (YBO).

YBO là một không gian để các bạn trẻ sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông nhằm nhân rộng những giá trị sống tốt đẹp trong giới trẻ, trong cộng đồng, trong đó đức tính trung thực và liêm chính là mục tiêu chính trong kế hoạch hành động của dự án

 

Các hoạt động thực hiện trong chiến dịch “Vì một nền giáo dục sạch” năm 2012

  • Khảo sát về thói quen sử dụng tài liệu trong hoc tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên: 10 – 16/12/2012.
  • Hội thảo Facebook and Face a Book – hướng dẫn sinh viên các phuong thức về cách xử lý thông tin và trích nguồn: 25, 26, 27/12/2012
  • Chữ kí cam kết “Nói không với hoạt động mua bán tiểu luận, luận văn, đề án”: 15/1/2013
  • Ngày hội Đeo vòng tay – Cùng hành động: 15/1/2013

 

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo