Đại học Hoa Sen – HSU

Service Learning – bệ phóng cho những công dân toàn cầu

Service Learning (mô hình giáo dục học tập thông qua phục vụ cộng đồng) đang được phổ biến ở các trường đại học trên thế giới vì sự hiệu quả của nó trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân cách, trách nhiệm công dân, các kỹ năng của sinh viên. Tại Việt Nam, Đại học Hoa Sen là trường đầu tiên áp dụng và phát triển mô hình Service Learning một cách sâu rộng trong các ngành học, thậm chí đã thành lập hẳn một trung tâm chuyên trách.

Dịp này, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Service Learning (Đại học Hoa Sen) về mô hình giáo dục với cách đào tạo sinh viên khá mới mẻ này.

Ông Phạm Văn Anh cho biết: Service Learning là mô hình tích hợp việc phục vụ cộng đồng vào chương trình đào tạo cũng như kiến thức chuyên môn, từ đó sinh viên đồng thời học và ứng dụng kiến thức đó giải quyết các vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Với mô hình này tất cả mọi người, dù học ngành nghề nào cũng có những giá trị để đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng chứ không phải như nhiều người nghĩ, chỉ những người đi học công tác xã hội, những nhà xã hội học mới làm được những điều đó.

Ông Phạm Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Service Learning, ĐH Hoa Sen

Như mô tả của ông, mô hình này có gì khác với phong trào công tác xã hội?

Với phong trào công tác xã hội người ta chú trọng việc phục vụ cộng đồng – Service. Dĩ nhiên đây là mô hình tốt, cũng có những đóng góp cho xã hội, cũng mang lại cảm giác hạnh phúc cho tình nguyện viên. Nhưng khi tương tác một chiều như vậy – là cho đi, thì khi dư thời gian, có điều kiện, vui vẻ mới thực hiện. Điều đó dẫn tới hiện tượng thoái trào của phong trào hoặc chỉ mang tính tự phát. Còn Service Learning, điều đó xuất phát từ nhu cầu của anh, muốn học, muốn hoàn thiện bản thân, được trải nghiệm, chia sẻ. Muốn vậy anh phải học từ những người anh đi phục vụ. Khi câu chuyện tôi muốn học bạn và chia sẻ với bạn thì điều đó đặt đối tượng lên trên. Khi quan niệm và thái độ xác định như vậy, thì mô hình này không thoái trào, còn muốn học nghĩa là còn muốn cống hiến, chia sẻ. Nếu nhìn ra khu vực, chẳng hạn Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) bắt buộc tất cả các sinh viên hệ đào tạo bốn năm phải tham gia ít nhất một môn học Service Learning. Lộ trình Hoa Sen cũng vậy, sẽ đưa vào nhiều môn học và sinh viên sẽ có những trải nghiệm môn học đó. Vì vậy sau hơn 40 năm, mô hình này vẫn phát triển.

Tại sao ông lại chọn Đại học Hoa Sen?

Tôi đã làm mô hình này ở Việt Nam được sáu năm. Mang Service Learning về Việt Nam, mục tiêu là kết nối các trường đại học, kêu gọi các bạn sinh viên quốc tế về Việt Nam để phục vụ cộng đồng, những nơi còn khó khăn trên cả nước; từ đó cũng kêu gọi sinh viên trong nước đi chung, tương tác, trao đổi học tập. Rất may mắn khi mô hình giáo dục này tiệm cận với tầm nhìn của trường Đại học Hoa Sen và ủng hộ cho việc ra đời trung tâm Service Learning đầu tiên ở một trường đại học của Việt Nam. Ở những nước phát triển, hoặc ngay trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Phlippines… cũng đã đưa mô hình này vào chương trình đào tạo của bậc đại học. Ngày trước chúng tôi làm mô hình này theo kiểu kêu gọi sinh viên tới đào tạo, còn bây giờ tại trường Đại học Hoa Sen mô hình được triển khai rộng hơn, đi sâu hơn về các kiến thức chuyên môn mà trường đang đào tạo. Từ đó sẽ có tác động lớn hơn tới cộng đồng, với xã hội.

Cũng phải nói thêm, Hoa Sen có đủ điều kiện cần và đủ để áp dụng và phát triển mô hình này. Bởi thực tế trước đây trường cũng đã thực hiện nhiều dự án cộng đồng, công tác xã hội… Và đó cũng là tầm nhìn của trường, ra đời mô hình Service Learning một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu của Hoa Sen trong chất lượng giáo dục và phục vụ cộng đồng, được quốc tế công nhận.

Sinh viên Đại học Hoa Sen hướng dẫn người dân làm Homestay tại Tà Nung. Ảnh: CTV

Service Learning đã có hơn 40 năm, chặng đường ấy hẳn sẽ có những chuyển biến về hình thái để thích nghi với thay đổi của xã hội? Và việc áp dụng tại Việt Nam có phải điều chỉnh nhiều?

Bởi đây là một phương pháp học nên ứng dụng nó như thế nào tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, nhu cầu xã hội. Nhìn chung, so với thế giới, mô hình chúng tôi đang làm không thay đổi, vẫn hướng các em học, hiểu về cộng đồng. Ở Việt Nam, cụ thể là Đại học Hoa Sen, khi triển khai mô hình này không chỉ dành cho giảng viên, sinh viên hiểu về mô hình mà phải cho cộng đồng hiểu Service Learning, từ đó đồng hành cùng thực hiện. Khi trao đổi với cô Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, cô hoàn toàn ủng hộ vì cho rằng “Đại học là nơi lưu trữ lượng kiến thức lớn, từ đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu; lại có nhiệt huyết của cộng đồng sinh viên vì thế cần làm sao để chuyển giao kiến thức này hỗ trợ, giúp ích cho cộng đồng. Mục tiêu Đại học Hoa Sen là giúp sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn, có tài mà còn phải có tâm!”.

Ông có thể chia sẻ khó khăn khi triển khai mô hình này là gì? Điều kiện gì để mô hình triển khai hiệu quả?

Công tác cộng đồng đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần kiên trì đánh thức sự tử tế. Những năm đầu đưa mô hình này về không có nhiều người tin, với những nhận định kiểu “sinh viên thì làm được gì”, coi đó là những suy nghĩ bay bổng, ý tưởng xa vời, kiểu cưỡi ngựa xem hoa… Thời gian đầu cứ xách ba lô qua gõ cửa từng trường ở Singapore, khi được gặp sẽ trình một kế hoạch, đó là một số vấn đề xã hội ở Việt Nam, những câu chuyện, bài học mình cung cấp cho học sinh sinh viên. Mình cam kết đưa ra những bài học, những nhu cầu thực tế của cộng đồng và khi họ về kiểm chứng đúng như mình nói thì họ đồng ý. Thực ra thuyết phục họ tới Việt Nam không khó bằng thuyết phục cộng đồng Việt Nam nhận họ. Nhưng nhờ các bạn sinh viên quốc tế đã hiểu mô hình, xác định học – trải nghiệm – cống hiến nên những dự án đầu làm đúng kế hoạch. Khi cộng đồng nhìn thấy như vậy đã tin, các bạn trẻ ở ta thấy sinh viên nước ngoài nghiêm túc và chuyên nghiệp như vậy cũng thay đổi và tạo ra sự lan toả, mở rộng nhiều hơn các hoạt động.

Tuổi trẻ có nhiều nhiệt tình, muốn cống hiến và tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội nhưng các em chưa được tin, hướng dẫn đúng và nhận lãnh trách nhiệm. Khi niềm tin của mình đặt lên sinh viên họ đã phát triển nên một nội lực, với những đóng góp tích cực. Vì vậy không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà mỗi sinh viên Hoa Sen sẽ có những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Thứ hai, làm sao để các trường đại học cùng thực hiện bởi những ích lợi mà mô hình mang lại rất lớn cho cộng đồng.

Ngoài ra, làm sao để các doanh nghiệp cũng đồng hành với những dự án của sinh viên, không chỉ là việc tài trợ kinh phí mà còn chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Bởi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều họ cam kết với cộng đồng nơi công ty trú đóng. Khi đó, nhà trường có tài nguyên tri thức – khoa học, doanh nghiệp có tài chính, cộng đồng là đối tượng thụ hưởng, sự đồng hành đó sẽ giải quyết các vấn đề xã hội. 

Sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học (Đại học Hoa Sen) dạy tiếng Anh cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt của trường nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM. Ảnh: CTV

Về những kết quả bước đầu của mô hình Service Learning mà trường đại học Hoa Sen đã làm được, ông đánh giá như thế nào?

Một điều may mắn như đã nói là mô hình này tiệm cận định hướng và tầm nhìn của Đại học Hoa Sen: không vì lợi nhuận và phục vụ cộng đồng. Đó là sự hưởng ứng của giảng viên, bởi trước đây họ cũng đã cùng sinh viên thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện. Vì vậy việc đưa mô hình gắn với chương trình đào tạo đã được áp dụng vào các môn học. Sinh viên Đại học Hoa Sen cũng là cộng đồng năng động, nhiệt huyết với các chương trình thiện nguyện, nên áp dụng Service Learning cũng lập tức được hưởng ứng. Vấn đề là làm sao mình đào tạo chuyên sâu, để sinh viên hiểu được mô hình khác biệt gì so với vấn đề tình nguyện, nó có những tác động tích cực gì với xã hội và chính bản thân những người tham gia mô hình. Chúng tôi đã mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho giảng viên, sinh viên. Ngoài ra cũng liên kết với mạng lưới châu Á về Service Learning, các trường đại học trong khu vực như Hong Kong, Singapore… để cùng Đại học Hoa Sen trao đổi kinh nghiệm. Như vậy chúng tôi sẽ đưa sinh viên của họ qua Việt Nam và đưa sinh viên Đại học Hoa Sen ra nước ngoài. Điểm thú vị đây là những chương trình trao đổi sinh viên học tập và phục vụ cộng đồng, là môi trường và nền tảng để hình thành nên những công dân toàn cầu.

Tháng sáu này sẽ có hai đoàn sinh viên từ Hong Kong, trong đó một nhóm học về nghiệp vụ nhà hàng khách sạn sẽ hỗ trợ một chương trình giảng dạy miễn phí cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Sinh viên Hoa Sen cũng sẽ tham gia hướng dẫn. Kết thúc chương trình khoảng 18 tháng, những em hoàn cảnh đặc biệt này sẽ có bằng nghề. Ở chiều ngược lại, sinh viên Đại học Hoa Sen sẽ được sang Hong Kong, tim hiểu về những vấn đề của đô thị như người già, quản lý đô thị… 

Sinh viên khoa Đào tạo chuyên nghiệp gặp gỡ và thảo luận về các chương trình thiện nguyện với Tổ chức người câm điếc TP.HCM (DCOH). Ảnh: CTV

Những chương trình đang triển khai và mục tiêu thời gian tới của trung tâm là gì?

Học kỳ này có nhiều chương trình Service Learning đang triển khai. Chẳng hạn Khoa Khoa Học & Công Nghệ là đề án đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất của người nông dân, như: cải thiện hệ thống Biogas, dự án nước sạch cho vùng nhiễm mặn – phèn. Đề án của Khoa Đào Tạo Chuyên Nghiệp, ngành Thiết kế Đồ họa, hướng tới cộng đồng 200 người điếc câm qua việc thiết kế bao bì, nhận dạng thương hiệu cho quán trà đạo của họ. Đề án dài hạn của sinh viên ngành Du Lịch – Nhà Hàng – Khách Sạn triển khai tại xã Tà Nung (Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) nhằm tìm hiểu nhu cầu, định hướng làm sổ tay hướng dẫn du lịch, homestay, tính toán chi phí.. được chuyên gia cùng sinh viên tổ chức giảng dạy cho người dân tại đây. Như vậy thì ngay từ môn học sinh viên đã có thể học, nghiên cứu làm ra những sản phẩm cụ thể phục vụ cộng đồng, thay vì những báo cáo, tiểu luận làm xong rồi cất trong tủ kính.

Cố tổng thống Nam Phi, ông Nelson Mandela từng nói: “Giáo dục là vũ khí hiệu quả để thay đổi thế giới”, có nghĩa là làm sao mang giáo dục đến cho tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo. Nhưng tôi muốn phát triển thêm, giáo dục với những người nghèo họ có thể thay đổi cuộc sống của họ nhưng chưa chắc thay đổi được thế giới. Nhưng giáo dục cho những người có điều kiện, để họ gắn với cộng đồng thì chính họ mới là những người có khả năng thay đổi xã hội và thế giới. Như vậy, những người có điều kiện như sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ… khi gắn với cộng đồng thì họ là những nhân tố giúp thế giới tốt đẹp hơn.

Đó cũng là điều Service Learning hướng tới.

………………

>> xem thêm chi tiết bài viết

 

(Nguồn: Người đô thị)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo