Đại học Hoa Sen – HSU

Sách trong cuộc đời

1. Sách, song song với một sản phẩm văn hóa, có chức năng truyền bá tri thức, còn là một đồ vật.

Đã là đồ vật, người ta có thể sử dụng như một đồ vật. Người ta (có khi chính chúng ta) kê sách để làm gối (ngủ), làm bàn viết… Người ta bán sách như một món hàng tầm thường, chữ tầm thường này để phân biệt với món hàng có giá trị văn hóa, tinh thần to lớn. Nhà văn Nam Cao từng có lúc phải mang cả các cuốn sách mình chắt chiu, quý trọng đi bán để giải quyết cơn đói. Bây giờ, ở không ít tiệm ve chai (nói rõ, vựa ve chai, không phải hiệu sách cũ), người ta mua bán sách rất đỗi bình thường, xem nó chỉ là giấy vụn thôi. Tệ hơn, trong lịch sử, đã có lúc, có người còn dùng sách để… nhóm lửa, nấu bếp…

Đó là chưa kể có những cuốn không đáng gọi là sách. Nhà văn Trần Nhã Thụy từng úp mở rằng, theo anh, có những cuốn được bán chạy tại hội chợ sách nhưng không hẳn là sách. Bởi hàm lượng tri thức và văn hóa trong đó quá ít, thậm chí không có. Đâu phải cái quyển nào được đóng từ những trang chữ được in đàng hoàng cũng là sách, nếu nội dung nó không chuyển tải những giá trị, những thông tin, những thông điệp, những tình cảm tốt đẹp cho con người…

2. Tôi nhớ mãi một mẩu chuyện trong sách Tiếng Việt không biết lớp 2 hay lớp 3 gì đó, bởi đã trên 30 năm rồi: Dante là một nhà thơ lớn của nước Ý. Ông còn nổi tiếng là người ham đọc sách. Ông thường tìm đọc các loại sách vừa xuất bản. Không đủ tiền mua sách, ông đã làm quen với một người bán sách và thường mượn những cuốn mới đem về nhà xem. Một hôm, người chủ quán sách không muốn cho Dante mượn một cuốn sách mới. Ông liền đứng ngay tại quầy hàng đọc, bất chấp mọi tiếng ồn ào xung quanh. Khi ông bỏ cuốn sách vừa đọc xong xuống để trả người chủ quán thì cũng là lúc trời đã tối mịt. Người chủ quán liền hỏi: “Kẻ ra người vào ồn ào như vậy mà ông cũng đọc được hết cuốn sách à?”. Dante ngơ ngác đáp: “Có người ra vào ồn ào ư?

Tôi chỉ thấy người trong sách đi lại nói chuyện với nhau thôi!”…

Chắc ai cũng hiểu là chính vì ham đọc sách, ham tìm hiểu, nghiên cứu mà nhân loại có một Dante Alighieri (1265-1321) kiệt xuất, tác giả của hai trước tác nổi tiếng Thần khúc và Cuộc đời mới, người được coi là mở đầu cho phong trào Phục hưng ở châu Âu.

Ở Việt Nam và một số nước phương Đông xưa, người ta hay nhắc đến câu “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc” (tự trong sách đã có cái nhà vàng), “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (trong sách có người con gái đẹp như ngọc), nhưng soạn giả Loan Thảo viết trong bài tân cổ giao duyên Trăng sáng vườn chè (tân nhạc của Văn Phụng – Nguyễn Bính) thì: “Nhan sắc của vợ hiền đâu sánh bằng biển thánh rừng nho”… Dù cách nói nào thì người ta cũng ca ngợi sách với những giá trị bất diệt.

Bởi vậy, khi xua quân xâm lược Đại Ngu vào năm 1407, Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho quân đội nhà Minh phải gom hết sách của nước ta đem về Trung Quốc, hòng làm mất đi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một dân tộc, để cho dân tộc ấy không thể tồn tại và phát triển được nữa. Dĩ nhiên, âm mưu thâm độc đó đã khiến nước ta mất mát rất nhiều tài liệu quý giá nhưng không thể nào lấy cho kỳ hết các sách cũng như không thể nào làm mất đi tất cả các giá trị đó.

3. Trong phim khoa học viễn tưởng The Time Machine (cỗ máy thời gian), bản năm 1960, có một chi tiết làm tôi nhớ mãi. Khi George dừng cỗ máy thời gian vào ngày 12-10-802701 (tức là cách chúng ta hiện nay hơn 800.000 năm), anh đến thế giới của người Eloi. Anh tìm hiểu về thể chế chính trị, về đời sống, về văn hóa, về các cuốn sách… Người Eloi không biết gì về sách, đến độ George phải thốt lên: làm sao một xã hội có thể tồn tại mà không có sách? Rồi anh được đưa đến một gian phòng chứa những cuốn sách còn sót lại từ thế giới của chúng ta hiện nay… Cảnh sau đó cho thấy, thế giới của người Eloi gần như không có quan hệ giữa người với người, không có lao động, không có đấu tranh, không có văn minh, văn hóa…, họ sống như những sinh vật, được một sinh vật khác là Morlock nuôi và làm thức ăn cho chúng… Sách đã là một khía cạnh của xã hội không ra xã hội đó, nhưng cũng phản ánh một điều rằng, không có lịch sử, không có văn hóa, không có các giá trị tinh thần thì chẳng thành xã hội loài người. Sách chính là sản phẩm vật chất hóa để lưu lại các giá trị đó.

…………………

>> Xem thêm chi tiết bài viết

 

Theo Nguyễn Minh Hải
(Nguồn: thesaigontimes, ngày 25/04/2015)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo