Đại học Hoa Sen – HSU

Ông bản đồ

Trời đất xoay vần, thế cuộc đổi thay…, công trình nghiên cứu đồ sộ tồn tại từ mấy chục năm nay song ít ai biết đến, năm qua bỗng nóng lên cùng nhiệt độ cuộc tranh chấp chủ quyền biển Đông. Ông bỗng dưng được mời “chạy sô” nói chuyện…

Không danh hiệu giáo sư hoặc tiến sĩ, người ta quen ghép tên ông với cụm từ “nhà nghiên cứu”, nhưng ngoại trừ những người trong giới chuyên môn liên quan thì ít ai biết đến ông – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Ngôi nhà 1 trệt 3 lầu của ông nằm ở một trong những vị trí đắc địa giữa trung tâm TP.HCM, 2 mặt tiền, tọa lạc ở góc đường Nguyễn Trung Trực – Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM). Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn mạnh khỏe và rất minh mẫn. Ông tiếp khách với phong cách của một nhà nghiên cứu: chuẩn bị sẵn tài liệu và có mặt ở phòng khách trước 5 phút so với giờ hẹn. Và cuộc trò chuyện với một nhà nghiên cứu có phần tẻ nhạt, không lắm hấp dẫn, bí ẩn, hé lộ… như những nghệ sĩ showbiz. Nhưng khi rời phòng khách để lên lầu 3, nơi có phòng lưu trữ bản đồ, máy lạnh chạy 24/24 giờ, khách viếng thăm bắt đầu bị hấp dẫn vào thế giới… nghiên cứu của ông.

Dọc theo cầu thang, trên tường của các phòng cạnh cầu thang, cơ man là bản đồ, nhiều cái được đóng khung và treo ngay ngắn. Phòng lưu trữ bản đồ có nhiều giá gỗ với đủ thứ bản đồ đã được phân loại. Ông kể, có cái ông mua tại Việt Nam, có cái mua ở nước ngoài, có cái mua với giá tương đương một cây vàng. Nhiều bản đồ có tuổi được xem như một món đồ cổ, đặc biệt có một tấm bản đồ do ông vẽ lại khi tìm thấy trong Thư viện Quốc gia Pháp. Ông bảo: “Người ta không cho mượn, không cho sao chụp, nên ông ngồi vẽ lại, rồi ghi xuất xứ của sách để khi cần, người nghiên cứu có thể tìm đến tư liệu gốc”. 

Trong kho lưu trữ hơn 3.000 tấm bản đồ của ông, có hơn 100 bản đồ vẽ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó khá nhiều bản đồ do các nước phương Tây và Trung Quốc vẽ. Đặc biệt, có vài bản đồ của Trung Quốc vẽ nước Trung Quốc không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là những bằng chứng khách quan nhất để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Số lượng và sự phong phú của bộ sưu tập bản đồ này, ngay cả Bộ Tài nguyên – Môi trường hiện nay cũng không có được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã xuất bản 30 cuốn sách viết riêng và 40 cuốn sách viết chung với các tác giả khác. Trong số sách viết riêng của ông, có 17 tập sưu tầm và biên dịch địa bạ từ Hà Tiên cho đến Thừa Thiên – Huế; địa chí văn hóa của: TP.HCM, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Phú Yên… Ông có nhiều đồ cổ chứng minh cho hoạt động công nghiệp cổ truyền VN và đặc biệt là hơn 3.000 tấm bản đồ các loại. 

Ông từng nhận giải thưởng Trần Văn Giàu (2005) và giải thưởng Phan Chu Trinh (2008).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, tuổi gần đất xa trời, sức tàn lực kiệt, ông mong lắm có một người để tiếp nhận khối tư liệu quý của mình nhằm tiếp tục phát huy nó. Ông nói: “Tôi không tìm người nhận tư liệu mà tìm người nghiên cứu tư liệu đó. Có vài cơ quan nhà nước ngỏ ý xin kho bản đồ của tôi, nhưng như vậy là xé lẻ tư liệu. Vì bản đồ là một phần của công trình gồm: địa bạ, địa chí, bản đồ và đổ cổ. Những tư liệu này khắng khít nhau không thể tách rời, nhằm nghiên cứu lịch sử và con người Việt Nam. Tôi có nhiều đồ cổ, nhưng không phải là nhà sưu tầm, chơi đồ cổ mà những đồ cổ đó phục vụ cho mục đích nghiên cứu”. 

Ông tâm sự: “Về địa bạ, tôi đã dịch và xuất bản là khoảng một nửa nước, còn một nửa cần người tiếp tục. Hiện nay đã có khoảng 10 tiến sĩ có công trình nghiên cứu về địa bạ, nhưng mỗi người làm một khúc, chưa toàn diện. Về lịch sử, qua kỳ thi đại học vừa rồi, học sinh ta không biết rõ về lịch sử đất nước mình. Sách giáo khoa cũng chỉ chú ý đến các trận chiến mà không quan tâm đến phần xây dựng đất nước. Việc phê phán nhà Nguyễn là một bức xúc đối với những người nghiên cứu như chúng tôi… 

Tôi đã sắp 92 tuổi, cảm ơn Trời đất đã cho tôi sức khỏe, trí nhớ tôi chưa suy suyển, nhưng sức nghiên cứu bị giới hạn. Tôi mong mỏi có một người có khả năng và tâm huyết thật sự với toàn bộ công trình nghiên cứu dang dở của tôi, tôi sẽ giao lại hết để họ tiếp tục nghiên cứu, nhằm có những đóng góp thiết thực cho đất nước”. 

Chiều cuối năm, từ lan can phòng lưu trữ bản đồ, ông nhìn ra bầu trời xa xăm, gương mặt thoáng buồn, như mong ngóng một người mà ông đã gửi lời nhắn từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn chưa thấy đến…

(Nguồn: Thể Thao Văn hóa)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo