Đại học Hoa Sen – HSU

“Nước, chất thải, cầu tõm – Nỗi lo của cộng đồng. Nỗ lực của chúng tôi”

“Nước, chất thải, cầu tõm – Nỗi lo của cộng đồng. Nỗ lực của chúng tôi”. Đó chính là thông điệp chính của Dự án “Vì môi trường” do trường Đại học Hoa Sen phối hợp với tổ chức ECO Vietnam Group thực hiện tại 2 xã thuộc tỉnh Bến Tre: xã An Hiệp, huyện Ban Tri và xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm. 

Ứng dụng công nghệ, phục vụ cộng đồng

Xã An Hiệp là xã gần biển nên các mạch nước ngầm, ao hồ bị nhiễm mặn và có nơi bị nhiễm phèn nên nước mưa là nguồn nước sạch. Hiện nay, người dân sử dụng các hồ xi măng chứa nước mưa, nhưng không phải là giải pháp tốt vì giá thành của hồ cao, chiếm nhiều diện tích, khó di chuyển và không có nắp đậy kính. Trong khi đó tại xã Tân Lợi Thạnh, số hộ nuôi heo cao và lượng phân thải ra môi trường lớn mà người dân không chịu lắp đặt hệ thống biogas. Nguyên nhân phần lớn là hệ thống biogas chia làm hai loại, loại rẻ thì không bền và loại mắc thì không thích hợp với bà con chăn nuôi nhỏ. 

Với mong muốn đem tiến bộ khoa học để hỗ trợ bà con nghèo tại tỉnh Bến Tre, nhóm dự án đã nghiên cứu và đem đến 3 giải pháp: cung cấp hệ thống trữ nước bằng việc sử dụng túi nhựa HDPE đã được chứng minh về độ bền và không gây hại sức khỏe; xây dựng hệ thống Biogas xử lý các chất thải hữu cơ và xây dựng nhà vệ sinh mới để xóa cầu tõm tại địa phương. Đồng thời, lồng ghép các chương trình tập huấn về biến đổi khí hậu và môi trường, nâng cao nhận thức của người dân địa phương. Từ đó, lan rộng mô hình rộng rãi khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

Dự án này sẽ do Khoa Khoa học và công nghệ, ngành môi trường phối hợp cùng với Trung tâm Service-Learning thực hiện theo mô hình Service-Learning dành cho sinh viên của Khoa. Thông qua đó, các bạn sinh viên Hoa Sen có thể ứng dụng ngay những kiến thức đã học để giải quyết những khó khăn của cộng đồng. Mô hình Service-Learning là mô hình giáo dục tiên tiến được phát triển ở Mỹ, giúp sinh viên ứng dụng các kiến thức chuyên môn vào việc giải quyết các vấn đề khó khăn của cộng đồng, xã hội. Trung tâm Service-Learning Đại học Hoa Sen là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam có nhiệm vụ phát triển mô hình Service-Learning một cách toàn diện thông qua các chương trình đào tạo của bậc Đại học. Đây là một hình hoàn toàn mới trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

Tính bền vững của dự án: “kết nối 4 bên”

Vượt qua hơn hai mươi dự án về cộng đồng, Dự án “Vì môi trường” là một trong 3 đội tham gia vào vòng bán kết của Quỹ Rút Ngắn khoảng cách của Tổ chức LIN diễn ra vào ngày 27/08, tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng. Sự kiện đã thu hút trên 100 người tham dự trong đó có nhiều đại diện đến từ các tổ chức NGOs tại Tp.HCM.

Bạn Nguyễn Thị Kim Yến, đại diện nhóm dự án “Vì môi trường” trình bày tại vòng bán kết – Quỹ rút ngắn khoảng cách

Tính bền vững của dự án: kết nối 4 bên – trường học, doanh nghiệp, cộng động và tổ chức NGOs, NPOs

Dự án đã thuyết phục ban giám khảo khó tính về tính khả thi của dự án, tác động mang lại cho môi trường, hiệu quả kinh tế tốt và có tính bền vững khi biết kết hợp nhiều thế mạnh của từng đại diện bao gồm: Tổ chức xã hội như ECO Vietnam Group với thế mạnh làm việc với bà con nông dân hơn 5 năm qua, Đại học Hoa Sen nơi cung cấp đội ngũ tình nguyện có kiến thức chuyên môn sâu như sinh viên và giảng viên Khoa Khoa học & Công nghệ, Công ty cổ phần Năng lượng Á Châu với nhiều năm sản xuất các giải pháp làm từ vật liệu HDPE và cuối cùng là sự tham gia của cộng đồng, nơi sẽ đón nhận các giải pháp của dự án. 

Khán giả đặt câu hỏi về tính bền vững của dự án “Vì môi trường”

Theo bạn Nguyễn Thị Kim Yến, đại diện nhóm dự án “Vì môi trường” chia sẻ: Người dân, đối tượng thụ hưởng chính sẽ đóng góp 1 phần kinh phí nhỏ đồng thời được tham gia các khóa tập huấn nâng cao nhận thức. Như vậy người dân sẽ hiểu rõ, sử dụng đúng, trân trọng và bảo vệ công trình của dự án. Trong quá trình sử dụng, nhóm sinh viên KHCN – ĐH Hoa Sen sẽ ghi nhận ý kiến phản hồi của bà con nông dân, trên cơ sở đó cải thiện và nâng cao chất lượng của các dự án sau. Về phía doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ và bảo hành sản phẩm, quảng bá rộng rãi, nhân rộng mô hình ra nhiều xã, huyện tại tỉnh Bến Tre. Vì vậy, dự án sẽ mang lại tính bền vững cao, đối tượng thụ hưởng không hoàn toàn bị phụ thuộc.

Kết quả tại vòng bán kết, một lần nữa, dự án “Vì môi trường” được chọn là một trong 3 đội lọt vào Vòng chung kết của Quỹ rút ngắn khoảng cách, Hai dự án còn lại thuộc về tổ chức những người điếc câm của TPHCM và tổ chức Change. Dự kiến vòng chung kết sẽ được tổ chức vào lúc 14h00 ngày 26/09 tại trường ĐHKH&XHNV Tp.HCM. Giải thưởng của vòng chung kết tài trợ bao gồm: 1 giải nhất: 150 triệu, 1 giải nhì: 100 triệu và một giải ba 50 triệu. Đội đạt giải nhất là đội có nhiều sự ủng hộ của công chúng tại sự kiện cũng như trên online.

Vòng chung kết của Quỹ rút ngắn khoảng cách sẽ diễn ra vào luc 14h00 ngày 26/09/2015 tại Sảnh D, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM. Tham gia sự kiện chung kết này, bạn sẽ được nghe đại diện ba dự án vào vòng chung kết là CHANGE, DCOH, ECO Vietnam Group lần lượt trình bày dự án và trả lời câu hỏi liên quan. 

Cộng đồng sẽ tham gia bình chọn trực tiếp để quyết định mức tài trợ cho mỗi dự án. Mức tài trợ dự kiến là giải Nhất (150 triệu VNĐ), giải Nhì (100 triệu VNĐ) và giải Ba (50 triệu VNĐ). Bầu chọn online sẽ chiếm 20%, bầu chọn tại đêm chung kết 80% tổng số điểm. Ngày chung kết có bán vé và những gười tham gia sẽ bầu chọn cho dự án mà mình ủng hộ. Cũng có thêm một số gian hàng và một số thông tin về môi trường cho các anh chị và thầy cô nào có quan tâm. 

Để bình chọn cho dự án: xem TẠI ĐÂY

Xem thêm thông tin về đêm chung kết, chi tiết xem TẠI ĐÂY

Văn Anh – Khánh Chi

Tham khảo thêm
– Hãy cùng bình chọn cho dự án “Vì môi trường”

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo