Đại học Hoa Sen – HSU

Những tiệm sách ấy, bây giờ ở đâu

Cuối tháng mười, tôi quay lại Paris mấy hôm vì chút công việc. Để tiết kiệm thời gian, ngay hôm đầu tiên tôi đã hẹn mấy người đồng nghiệp đến viện IHES cùng làm việc. Tám năm trước, tôi đã từng làm việc ở đây trong một thời gian dài. Dạo ấy, hàng sáng tôi lấy tàu B đi xuống bến Bures cách viện IHES khoảng mười phút đi bộ. Lần này, tôi quyết định đi sớm hơn thường lệ để có thời gian qua tiệm sách gần nhà ga Bures mua quyển Ký sự Algerie của Camus mới xuất bản. Tiệm sách nằm ngay trên đường đi từ nhà ga đến viện, đúng ở chỗ góc phố nơi phải rẽ trái. Tôi còn nhớ bà chủ tiệm luôn nhìn bạn qua cặp kính để trễ xuống mũi, luôn ở trong tư thế sẵn sàng tư vấn sách vở cho bạn với thái độ nghiêm túc và đầy tự hào nghề nghiệp. Không biết làm sao mà lần này tôi tìm mãi không thấy tiệm sách đâu và có lẽ vì thế mà cảm thấy thực sự hoang mang như một người đi lạc đường. Mất tới gần mười phút tôi mới hiểu ra rằng tiệm sách Bures đã đóng cửa. Nơi xưa là một tiệm sách sáng sủa, ngăn nắp và sạch sẽ, nay là một gian nhà tối om, trên cửa kính dán xô lệch những tờ quảng cáo loè loẹt.

Dịp hè vừa rồi, Trương Quý có cho tôi một quyển tản văn của Nguyễn Việt Hà. Văn anh Hà hóm hỉnh, đọc thỉnh thoảng muốn tủm tỉm cười, nhưng cười xong thì thấy buồn nhiều hơn là vui. Có một đoạn về những tiệm sách cũ của Hà Nội hơi thê lương, nhưng đọc đoạn này tôi lại cảm thấy vui. Anh Hà nhắc đến một tiệm sách cũ ở phố Hàng Bài, ngay phía bên trái rạp Tháng Tám.  Vào cuối những năm bảy mươi, chiều nào tôi cũng đi qua, rồi đứng tần ngần nhìn qua cửa kính, dù biết mình không có tiền để mua sách và dù có mua thì đọc cũng không hiểu vì ở đấy không bán sách cho trẻ con. Nhưng đây là nơi ông ngoại mua cho tôi quyển sách đầu tiên, một quyển sách về ngành khoa học chăn nuôi. Tôi mê mẩn quyển sách ấy chỉ vì ngoài bìa có vẽ mấy con lợn rất đẹp. Tiệm sách này đã đóng cửa từ rất lâu. Ông ngoại tôi cũng đã mất. Những người thân và háng xóm của tôi không hiểu tại sao không hề nhớ về sự tồn tại của nó. Đọc sách Trương Quý cho, tôi phát hiện ra rằng có một người nữa là Nguyễn Việt Hà vẫn còn nhớ về nó. Không quen, chưa gặp bao giờ, vậy mà tự nhiên tôi cảm thấy quý anh ấy. Nhưng có một chi tiết mà có lẽ anh Hà chưa biết. Ở phía trong tiệm sách phố Hàng bài là nhà của ông bà Dực. Ông Dực là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi ngờ rằng tiệm sách có một mối liên hệ nào đó với học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Hình ảnh GS. Ngô Bảo Châu trong buổi ra mắt sách (Nguồn: Internet)

Một số người hỏi tôi tại sao trong nhiều lựa chọn tôi lại chọn về dạy học ở Chicago, một trong những nơi lạnh nhất nước Mỹ. (Khi tôi viết mấy dòng này, nhiệt độ ngoài trời đã xuống dưới -10 độ C.) Tôi có sẵn một số lý do để tuỳ hoàn cảnh mà trả lời câu hỏi này. Một trong những câu trả lời rất thật mà không mấy người tin là xung quanh đại học Chicago có nhiều tiệm sách. Lớn nhất là tiệm sách Seminary Coop. Tiệm này có hai chi nhánh. Chi nhánh lớn có thể nói là thiên đường của sách hàn lâm. Mỗi khi có ít phút sau giờ ăn trưa, tôi lại rẽ qua đó để đắm đuối. Có rất nhiều đầu sách nhân văn có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết nếu không nhìn thấy ở Seminary Coop. Chi nhánh nhỏ chủ yếu bán sách hư cấu và sách cho trẻ con. Đây là địa điểm vui chơi ưa thích của bé Nguyên và bé An và cũng là nơi tôi đưa các bé đến mỗi khi có việc gì cần phải lấy lòng hai bé. Đối với tôi, địa điểm vui chơi ưa thích lại là hiệu sách cũ Powell. Không lần nào qua Powell mà tôi không hoan hỉ ra về với vài ba quyển sách cũ, dĩ nhiên theo tôi là quý hiếm, và dĩ nhiên giá cả lại rất phải chăng. Trước đây, trong khu vực xung quanh đại học còn một tiệm nữa là Borders nhưng đã đóng cửa từ hai năm nay. Đây là một trong hai chuỗi tiệm sách lớn nhất ở Mỹ, với cửa hàng với diện tích kinh doanh rộng, vừa bán sách vừa bán bánh ngọt và cà phê, một mô hình kinh doanh một thời đã rất thịnh hành. Buổi chiều sau giờ đi học, trẻ con ngồi đọc sách lốc nhốc khắp cửa hàng. Tiếc là mô hình kinh doanh của Borders không sống sót được trong kỷ nguyên kinh doanh qua mạng và nó đã là một trong những nạn nhân đầu tiên của đế chế Amazon. Ngay sát nách trường vẫn còn một tiệm Barnes and Nobles hoạt động theo mô hình tương tự, hiện tại vẫn thoi thóp sống.

Tôi thành thật tin rằng cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ dễ chịu hơn, nhân văn hơn nếu nơi đó có nhiều tiệm sách. Hà Nội bây giờ còn ít tiệm sách quá. Mật độ tiệm sách đạt cực điểm ở phố Đinh lễ, nơi sách mới được bán với chiết khấu cao nhất có thể. Nếu bạn phải tìm một quyển sách xuất bản chỉ một năm trước đây thôi, có đi dọc cả phố Đinh Lễ bạn cũng không tìm thấy. Đinh Lễ giống cái chợ hơn là một tiệm sách. Bạn đến đó để mua sách giá rẻ chứ không phải để nhẩn nha tìm một đầu sách mà bạn chưa biết. Tuy thế, ra Đinh Lễ vẫn thích, bạn bất chợt nhận ra rằng xung quanh bạn vẫn còn khá nhiều người thích đọc sách…

>> Xem tiếp

Theo GS. Ngô Bảo Châu

(Nguồn: Học thế nào, 31/1/2014)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo