Đại học Hoa Sen – HSU

Những thước phim về tuổi già và bài học làm người

Hai bộ phim của buổi chiếu thứ bảy (ngày 27/6/2013) cùng chạm vào một đề tài mang tính toàn cầu: người cao tuổi. Ai đó đã tính: cứ 6 người trên thế giới lại có 1 người trên 60 tuổi và tỉ lệ này sẽ là 1 trên 4 người vào năm 2030.

Trong buổi chiếu hôm nay, Ban tổ chức rất bất ngờ khi được hân hạnh tiếp đón sự góp mặt của Giám đốc Hội Đồng Anh tại Việt Nam.

“Sớm cơm, trưa cháo, chiều trà”

Trong “Chuyện dài ở bệnh viện” (đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương), xuyên qua những mảnh đời, thân phận của những “người nuôi bệnh”, là hình ảnh tuổi già gắn liền với giường bệnh. Trẻ đeo hoa, già đeo tật,  tuổi tác và bệnh tật không kiêng dè bất cứ ai. Trong những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, người nằm viện rất cần sự chăm sóc sát sao. Một nghề mới ra đời chốn đô thị: nghề nuôi bệnh. Người làm nghề đủ mọi thành phần, đến từ khắp các vùng quê, chọn nghề này để mưu sinh và nuôi sống gia đình nghèo cơ cực.

Bằng thủ pháp liên tục đặt những hình ảnh đối lập bên cạnh nhau: thành thị và nông thôn, giường bệnh và cuộc sống, già yếu và tuổi thơ, chăm sóc và bỏ rơi, người dưng vồ vập và gia đình lạnh vắng, những căn phòng bệnh viện và những căn nhà mới cất … đạo diễn dần hé lộ những mâu thuẫn xã hội ngày một dày đặc xung quanh cái nghề giản dị, bọt bèo, với những con người đang “sớm cơm, trưa cháo, chiều trà” cho phần lớn những người già mang trọng bệnh.

Phim không dừng lại ở một giải pháp cấp thời của một bệnh viện nhỏ, mà để lại trong lòng người xem câu những hỏi lớn: về tình trạng quá tải “mặc định” của bệnh viện, về trách nhiệm mô hồ của các cấp thẩm quyền, về hố sâu khác biệt thành thị và nông thôn, và trên hết, là cuộc sống khó khăn của người cao tuổi.

Những “ông bà già Ba Tri”

Cũng trong buổi chiếu, Hội đồng Anh đã mang đến cho Liên hoan Phim Tài Liệu Châu Âu – VIệt Nam – Đông Nam Á lần thứ 5 một bộ phim đặc sắc về người cao tuổi: “Bóng bàn”.  Với thời lượng 80 phút, bộ phim đã được lựa chọn tại nhiều liên hoan phim danh tiếng tại Anh cũng như quốc tế như Hotdocs, Sheffield Docs, Docs New York City, và Warsaw International Film Festival 2012. Phim là câu chuyện về những người già đến từ khắp nơi trên thế giới tranh tài tại Giải vô địch Bóng bàn dành cho Vận động viên ở lứa tuổi trên 80 tại Khu tự trị Nội Mông năm 2012.

Phim mở đầu bằng những con số tuổi tác, những mái tóc bạc phơ, những bước đi chậm chạp, những giọng nói run rẩy… Nhưng thật trái ngược, chính từ những gương mặt già nua đó, lại bật lên những câu nói hóm hỉnh yêu đời khiến khán giả không khỏi bật cười. Rồi những hình ảnh có một không hai: một ông già 89 tuổi nâng cao tạ đẩy, một bà lão thổi nến mừng sinh nhật trăm tuổi, và chỉ muốn “chết trên bàn ping-pong”, một cụ ông hăng hái múa vợt giữa 2 lần đột quỵ, một cụ bà chải tóc, sơn móng tay làm đẹp trước khi bước vào trận đấu… Tất cả đều hướng đến Giải vô địch bóng bàn thế giới dành cho người cao tuổi, với ý chí quyết tâm cao đến kỳ lạ.

Tám vận động viên, tám quốc tịch khác nhau, ở tám độ tuổi khác nhau, tìm đến bóng bàn với tám lí do khác nhau nhưng ở họ có chung một niềm đam mê vô tận với quả bóng tròn nhỏ. “Nếu đã chơi bóng bàn thì phải là người đứng nhất”. Và họ đã chơi bằng tất cả sự nhiệt huyết  của mình. Ở họ toát lên một sự lạc quan, một ý chí, một niềm đam mê cháy bỏng khiến những “người trẻ” kinh ngạc. “Tôi muốn chơi đến khi nào tôi không thể vì tôi không muốn ngối xuống và tôi không muốn chết”. Ông Terry Donlon – từng bị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và giờ mặc dù căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt quay trở lại và di căn thành ung thư xương nhưng ông vẫn chống chọi và đứng bên bàn bóng bàn tại Giải vô địch Bóng bàn dành cho Người cao tuổi ở Khu tự trị Nội Mông. Bà Dorothy Delow ở độ tuổi 100 vẫn tham dự Giải vô địch Bóng bàn Thế giới dù khi tham gia bà chỉ có thể đứng một chỗ vì bà không thể tự di chuyển trên đôi chân của mình. Cũng có những khi họ vuột mất huy chương vàng, hay chức Vô địch Thế giới nhưng niềm lạc quan không bao giờ cạn.“Tôi chơi bóng bàn đã rất lâu rồi. Tôi cũng đã học được cách chiến thăng và cách thất bại. Mai sẽ lại là một ngày mới.”

Giải vô địch thế giới bóng bàn dành cho người cao tuổi 2012 đã được đoàn làm phim tường thuật tài tình. Vẫn là tường thuật thể thao, nhưng ống kính như thấm đượm nỗi hồi hộp của đối thủ khi gặp “ông già Ba Tri” Les D’Arcy, hay bất động đau lòng với từng nhịp thở đứt quãng của ông Terry Donlon, hay hoan hỉ tươi vui khi bà Ursula đứng yên vợt bóng mà cho đối thủ vào thế kẹt, và dí dỏm ngộ nghĩnh khi ngắm những mái tóc bạc hồi hộp theo dõi trận đấu…

Người trẻ xem phim ra về không khỏi suy nghĩ: trên mành ảnh là những tấm gương lớn lao về ý chí, về nghị lực, về sự lạc quan và về niềm đam mê cuộc sống. Và câu hỏi lớn đọng lại: làm gì hôm nay đề mỗi ngày quý báu trôi qua không vô nghĩa?

Ngành Quản trị Công nghệ Truyền thông – Đại học Hoa Sen

 

Xem thêm

Giới thiệu buổi chiếu phim thứ 7 của Liên hoan phim Châu Âu – Việt Nam- Đông Nam Á

Buổi chiếu phim thứ 5 của Liên hoan phim châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á

Thêm một buổi chiếu phim đầy cảm xúc

Buổi chiếu phim thứ 2 của Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á lần thứ 5 tại ĐH Hoa Sen

Phóng sự ảnh Lễ khai mạc liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam và Đông Nam Á lần thứ 5 tại ĐH Hoa Sen

Lịch chiếu phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen (10/6 đến 29/6)

Liên hoan phim tài liệu châu Âu và Đông Nam Á tại Đại học Hoa Sen

 

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo