Đại học Hoa Sen – HSU

Những mảnh ghép Hoa Sen

Khi nghĩ về Hoa Sen, tôi nghĩ về những mảnh ghép của một bộ ghép hình, trong đó mỗi con người, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép tạo nên bức tranh Đại học Hoa Sen. Tôi thích ý nghĩ này, bởi vì như vậy chính tôi cũng là một phần của bức tranh. Và những câu chuyện của tôi cũng là một phần của bức tranh Hoa Sen mà tôi yêu quý. Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn về những mảnh ghép yêu thích nhất của tôi nhé!

MẢNH GHÉP 1: TÔI YÊU HOA SEN

Toi yeu hoa sen- nhưng manh ghep tu Hoa Sen

Là một ý tưởng ấp ủ hơn 2 năm, và mãi đến đầu năm 2015 những tấm decal hình trái tim xinh xắn với dòng chữ “Tôi yêu Hoa Sen” mới xuất hiện. Khi nhìn thấy tấm decal, tôi và các đồng nghiệp xung quanh như phát cuồng lên, mang nó đi và dán khắp nơi: từ điện thoại, máy tính, thậm chí lên má, lên mắt kính. Phát cuồng vì lời muốn nói không chỉ dành trong tim, mà chúng tôi có thể “nói” và “thấy” ở xung quanh mình.

Rồi những hào hứng ban đầu trôi qua. Dường như có điều gì đó vẫn chưa trọn vẹn … “Tôi yêu Hoa Sen” có thể mang niềm vui đến cho cả những cộng đồng bên ngoài Hoa Sen, tại sao không? Sếp tôi đã trăn trở như thế, và rồi quỹ “Tôi yêu Hoa Sen” đã ra đời với mục tiêu bé nhỏ: “Giúp trẻ em nghèo Xuân này có Tết” chỉ với một thùng quyên góp quỹ và những tấm decal đặt bên cạnh, mọi người sẽ chọn tấm decal yêu thích và tự để số tiền quyên góp của mình vào thùng quỹ. Không người canh gác, không người bán, nhưng chẳng ai sợ những tấm decal sẽ mất, bởi tại Hoa Sen, chúng tôi có niềm tin vào sự chân thực đã được đặt tiền đề từ các gian hàng không người bán của CLB Face.

Hồi hộp, háo hức và tin tưởng, đó là tất cả những cảm xúc của chúng tôi mỗi lần đi qua thùng quyên góp và cầm lắc lắc để xem đã được nhiều chưa. Và bạn đoán được không? Chúng tôi đã có quỹ để tổ chức một chương trình tặng quà cho các em bé mồ côi tại chùa, và chương trình thứ 2 đi xa hơn đến miền đất Quảng Bình (mà tôi gọi là miền nắng) để tặng quà cho các em bé trường tại trường tiểu học gần động Phong Nha . Đến đây, tôi lại phân vân, nếu kể hết 2 chuyến đi thì sẽ vượt quá độ dài cho phép của bài viết, vậy tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện thứ 2 thôi nhé, vì câu chuyện này có sự góp mặt của nhiều người hơn đến từ các phòng khác của trường Hoa Sen nữa.

Toi yeu Hoa Sen den voi tre em o Quang Binh

Quỹ “Tôi yêu Hoa Sen” tặng quà cho các em học sinh dân tộc Vân Kiều, đang theo học tại trường Tiểu học số 2 Sơn Trạch, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. 

Bước vào sân trường cùng tôi khi ấy là những đứa trẻ tóc hoen màu nắng, da ngăm chất nắng, đôi chân trần bước vội trên sân xi măng nóng rát giữa trưa hè. Tôi đã từng nhìn ảnh chụp con đường lầy lội bùn sình mà các em phải vượt qua để đến trường, nhưng đứng giữa sân trường ấy nhìn các em, tôi không cản được tiếng gào thét dội lên trong lòng. Tôi biết, mỗi người có một số phận riêng, nhưng các em thật quá cực và tách biệt với cuộc sống đang thay đổi hàng ngày. Cũng không biết cuộc sống bị phụ thuộc vào công nghệ tốt hơn hay tách khỏi công nghệ tốt hơn, nhưng các em còn quá bé để vật lộn với cái đói và sự thiếu thốn. Vậy mà các em vẫn kiên gan, gồng mình lên để nhặt từng con chữ. Bỗng thấy gói quà với sách, dép, quần áo, vở tập, bút thước tặng các em bỗng quá bé nhỏ. Các em cần cả 1 cuộc sống no đủ hơn. Tôi nhớ các em, nhớ những đôi mắt mở to ngơ ngác, nhớ đôi chân trần lấm bụi. Tôi tự hỏi mình có thể làm gì hơn?

Buổi trao quà đơn giản ở một góc sân trường cũng nhẹ nhàng như những chuyến thăm khác tôi từng tham gia, cho đến cuối danh sách. Khi ấy người còn lại là một bé trai, nhưng chiếc túi cuối cùng có để bộ đồ của bé gái, như vậy em chỉ có thể dùng sách vở,… Nhưng không mặc đồ mà chúng tôi tặng được. Tôi quay lên, anh Bình và chị Mỹ Lan nhìn nhau, tôi quay xuống dưới, cậu bé đứng yên lặng, lo lắng, sợ hãi, có lẽ em không biết vì sao còn lại mình em thì việc phát quà phải dừng lại. Tôi lại quay nhìn lên, ai đó đã rút 200.000 trong ví ra rồi gọi mẹ cậu bé đến đưa cho bà mua cho cậu một bộ đồ mới. Đến giờ tôi vẫn tò mò đó là anh Bình hay chị Mỹ Lan hay cả hai, dù là ai đi nữa, tôi cũng thầm cảm ơn anh/chị đã không ngại ngần dùng tiền của mình, không để cậu bé rơi nước mắt và thực sự đã mang đến cho các em niềm vui trọn vẹn.

Mãi lúc ấy, tôi mới thấy một cậu bé khác, lớn nhất nhóm – học lớp 6 hay 7 – là cậu bé có hoàn cảnh khó khăn nhất. Đôi mắt buồn của đứa trẻ sớm lo toan cứ ám ảnh tôi mãi, đến tận giờ, sau chuyến đi gần cả năm mà tôi vẫn còn hình dung ra được đôi mắt ấy. Nhưng điều khiến tôi chú ý là những vệt máu khô lấm chấm trên chiếc áo đã rất cũ của em ấy, tưởng như gió lùa qua là có thể xé rách toạc. Tôi chú ý vì tôi thật sự không thể đoán được điều gì đã khiến áo em như vậy, là máu của em hay của vật gì khác ? Các thầy cô ở đấy không có vẻ gì lạ với chiếc áo đó, không biết có phải vì em đã phải mang vác nặng và bị thương ?

Cô giáo ở trường ấy chỉ cho tôi hai đứa trẻ đang đứng cạnh một người đàn ông. Cô kể mẹ của tụi nhỏ đã mất, ông bố thương tật và hôm nay chở hai đứa nhỏ ra đây phải chạy hơn 20km trên con đường mà không có một người bình thường nào đi nổi, chỉ có người sống ở đó, mới có gan và kỹ năng để chạy con đường khó khăn ấy. Ôi những đứa trẻ của tôi, tôi có thể làm được gì thực sự hữu ích cho các em đây ?

“Tôi yêu Hoa Sen” đã mang đến cho tôi mảnh ghép này, mảnh ghép nhiều trở trăn, nhưng là mảnh ghép tuyệt đẹp bởi quỹ được đóng góp từ tất cả giảng viên, nhân viên, sinh viên và cả những người bạn tình cờ “lạc lối” vào Hoa Sen. Tại đây, tôi rút ra một ý niệm riêng cho mình. Tình yêu, vốn dĩ thật đẹp, nhưng tình yêu có thể lan toả, là tình yêu ý nghĩa nhất.

MẢNH GHÉP 2: SỰ GIẢN DỊ CỦA MỘT TRÍ TUỆ LẤP LÁNH

Trường Hoa Sen có một phòng chiếu phim, thường vào mỗi thứ 6 sẽ chiếu một bộ phim đặc biệt, có thể là phim đã đạt giải Oscar hay những bộ phim quý hiếm. Điều khiến tôi thấy thú vị nhất là trước khi xem phim tôi sẽ được giới thiệu qua về bộ phim để có những kiến thức sơ khai về lịch sử, hoàn cảnh ra đời hay diễn viên trong phim. Sau khi xem ,mọi người sẽ nán lại, cùng nhau bàn luận về bộ phim đó, thế nên mỗi bộ phim được xem, với tôi, đã trở thành một báu vật chứ không phải là giải trí.

Cũng Vì thế, khi xem phim tôi đăng ký cho cả em trai cùng xem. Lần đầu tiên đến trường Hoa Sen, cậu nhóc trường Bách Khoa đã có cơ hội đi cùng thang máy với cô hiệu trưởng. Khi cô bước ra khỏi thang máy, tôi nói nhỏ:
– Cô Hiệu trưởng trường chị đó !
Cậu bé tròn mắt:
– Hiệu trưởng trường chị giản dị vậy ?

Tôi cười toe toét, hạnh phúc như những lần làm được điều gì đó đặc biệt khiến người khác sửng sốt. Lần này, nụ cười của tôi còn pha thêm chút tự hào. Cũng hôm đó tôi biết được phòng Charlie Chaplin là tâm huyết của cô, cô là vậy, luôn nỗ lực mang đến những điều tốt nhất có thể cho Hoa Sen và cộng đồng. Tôi cũng nhớ lại, cô vẫn thường xuất hiện thật giản dị và gần gũi: lễ khánh thành cơ sở, lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp hay vào ngày cô nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh do Tổng thống Pháp ký sắc lệnh trao tặng, trang phục cô chọn luôn là tà áo dài Việt Nam, không trang sức, không phụ kiện hào nhoáng nhưng nhìn cô khi ấy, vẫn đẹp hơn bao giờ hết. Cô đã khiến một cô gái học Công nghệ như tôi, suốt hơn 10 năm không đụng đến áo dài hì hụi đi may cho mình một bộ áo dài mới. Cô lan toả niềm tự hào là một phụ nữ Việt Nam và còn lan toả cả niềm đam mê học hỏi mỗi ngày. Gặp cô, nghe cô nói chuyện tôi rút cho mình ý niệm thứ 2: Có một vẻ đẹp không bao giờ bị phai đi theo thời gian, đó là vẻ đẹp của trí tuệ. Vẻ đẹp ấy nếu kết hợp với sự giản dị của bên ngoài thì sẽ trở nên lấp lánh, và tôi gọi đó là sự giản dị của một trí tuệ lấp lánh.

Mảnh ghép riêng này, tôi không nghĩ là sẽ dùng để dự thi cho cuộc thi “Chuyện kể từ Hoa Sen” bởi câu chuyện này chỉ là một phần rất nhỏ về cô. Nhưng tôi muốn viết để góp vào “kho tàng 25 năm” để thế hệ về sau ngoài biết về cô như một Hiệu trưởng cầm lái con thuyền Hoa Sen vượt qua bao sóng gió vươn lên mạnh mẽ, còn là một phụ nữ Việt Nam giản dị, gần gũi, chân tình.

MẢNH GHÉP 3: NHỮNG NGƯỜI MANG ĐẾN MAY MẮN

Mỗi ngày đến trường, người tôi gặp đầu tiên là các chú bảo vệ ở bãi gửi xe. Không biết từ lúc nào các chú ở chỗ trực biết tôi hay lén nhìn thẻ xe để xem thử ngày hôm ấy tôi nhận được số mấy. Thế là những ngày sau, số xe tôi nhận được luôn luôn là dãy số cộng lại thành 9, rồi tôi phát hiện ra các chú đã chọn sẵn cho tôi số may mắn. Ngay khi tôi lái xe xuống hầm, chú treo thẻ xe và nói: Hôm nay cô giáo 9 nút luôn nha!

nhung manh ghep tu Hoa Sen

Có những hôm các chú treo số thẻ cộng lại ra số khác. Chú lại nói: Thẻ may mắn của cô giáo lỡ treo đâu rồi? Tôi lại bật cười. Thật ra thì, mỗi ngày đến trường, biết rằng luôn có người mong cho tôi được may mắn, như vậy đã đủ để tôi có một ngày tuyệt vời. Con số vẫn chỉ là con số, chính các chú mới là người mang đến may mắn cho tôi và những người gặp chú mỗi ngày. Và đó là cách tôi đã bắt đầu một ngày làm việc may mắn của mình tại Hoa Sen, cho dù thẻ xe của tôi là bất kì số nào.

MẢNH GHÉP 4: NGƯỜI LƯU GIỮ KÍ ỨC

Tại Hoa Sen, nếu muốn tìm hiểu lịch sử, muốn biết trong suốt một tháng, một năm đã có những sự kiện gì diễn ra khắp trường bạn biết ai là người lưu giữ không ?

Lần đầu tiên tôi làm việc cùng cô là vào dịp chuẩn bị lễ kỉ niệm 20 năm của trường, tôi phải lập ra website hành trình 20 năm. Để có tư liệu cho các bài viết và minh hoạ, cô lấy ra hàng tập album ảnh các sự kiện và hoạt động của trường từ những ngày mới thành lập, chỉ tấm ảnh nào cô cũng có thể nói được tên sự kiện và thậm chí có thể nhận ra được những người trong ảnh mà những người vào trường sau như tôi không biết gì cả. Từ đó tôi đã âm thầm dành riêng cho cô tên: Người lưu giữ kí ức.

Làm việc cùng cô, tôi hiểu về Hoa Sen rõ hơn, không chỉ hiện tại, mà cả trong quá khứ. Tôi biết Logo Hoa Sen được thể hiện từ ý tưởng ban đầu: dự án thành lập trường Hoa Sen là một dự án thuần khiết về giáo dục, trong sạch như hoa sen.

Nhờ cô, tôi cũng có những tấm ảnh quý giá từ khi trường mới thành lập, chỉ có 2 dãy phòng nhỏ nằm trong trường Sư phạm thực hành, nay là trường Trần Đại Nghĩa. Tôi cũng có những tấm ảnh của cơ sở Nguyễn Văn Tráng khi Hoa Sen vừa được cấp, sau đó, đã xây dựng nên cơ sở Nguyễn Văn Tráng cũ, không bề thế như hiện tại nhưng cũng đã rất hoành tráng.

nhung manh ghep tu Hoa Sen

Những bức ảnh về trường Đại học Hoa Sen từ những ngày đầu thành lập từ “người lưu giữ ký ức”

Tôi cũng tìm thấy những tấm ảnh về các chuyến viếng thăm của trường Hoa Sen tại trường khiếm thị, thì ra từ xưa lắm rồi Hoa Sen đã hướng đến cộng đồng với những hoạt động tình nghĩa. Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi vào dịp cuối năm như lúc này, các Khoa, Câu lạc bộ, gảng viên nhân viên và cả những nhóm tình nguyện nhỏ tại Hoa Sen đều có những hoạt động rộn ràng như: Xuân tình nguyện, Xuân san sẻ, Nối vòng tay yêu thương, Đông ấm, Xuân biên giới, gói bánh chưng… Như những cánh én nhỏ lan toả tinh thần cộng đồng của Hoa Sen, mang niềm vui Tết đến khắp mọi miền đất nước.

Tôi còn có được những tấm ảnh các hoạt động sinh viên trong những khoá đầu tiên, các anh chị khi còn trẻ cũng quậy, cũng cháy hết mình cho học tập và vui chơi. Cô nói với tôi, có nhiều anh chị sau khi học cũng đã tiếp tục gắn bó với trường để phát triển Hoa Sen trở nên vững mạnh như ngày hôm nay.

Và cho đến giờ, bạn sẽ thấy cô vẫn âm thầm lưu giữ ký ức Hoa Sen, mỗi năm sẽ là tổng kết các hoạt động Hoa Sen trong suốt một năm, mỗi 3 tháng sẽ là Chuyên đề Hoa Sen, và mỗi tháng sẽ thấy cô tổng hợp hoạt động của cả trường cho các Bản tin online trên eoffice.

Tôi nghĩ rằng, trong một tập thể, sẽ có những người dẫn đầu, những người truyền cảm hứng, những người thúc đẩy, … Nhưng người lưu giữ ký ức là người nắm giữ nhiều mảnh ghép nhất, cũng là người có thể kết nối những mảnh ghép quá khứ đến hiện tại. Tôi muốn ghép một mảnh ghép nhỏ của tôi về cô trong bức tranh Hoa Sen. Và cũng như những thành viên bước chân vào Hoa Sen sau này, tôi mong cũng sẽ được biết nhiều mảnh ghép hơn mà cô có về Hoa Sen, để hiểu hơn những thăng trầm của Hoa Sen từ khi thành lập đến nay, để yêu hơn những giá trị mà các thầy cô đã xây dựng và phát triển cho Hoa Sen trong suốt 25 năm qua.

LỜI KẾT

Mảnh ghép của tôi nhỏ bé, và tôi cũng nhỏ bé, cùng với rất nhiều mảnh ghép khác, chúng ta tạo nên một bức tranh Hoa Sen, có những mảng màu tươi thắm vui vẻ, cũng có những mảng màu xám, trầm buồn. Nhưng tất cả sẽ xây dựng lên bức tranh Hoa Sen ngày càng rộng lớn hơn, ý nghĩa hơn mà tôi tin rằng mỗi người đều đang cố gắng để bức tranh Hoa Sen đẹp nhất có thể. Tôi kể cho bạn mảnh ghép yêu thích của tôi rồi, còn bạn, bạn đã sẵng sàng chia sẻ mảnh ghép của bạn chưa ?

Trần Thị Ánh Nguyệt
(Bài đạt giải nhất cuộc thi Chuyện kể từ Hoa Sen)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo