Đại học Hoa Sen – HSU

Nguyễn Trường Tộ – người canh tân của triều đình Tự Đức

Khi học lịch sử trung đại Việt Nam hồi lớp 7 và 8, tôi có biết qua về Nguyễn Trường Tộ vì tên ông chỉ được nhắc thoáng qua trong bài giảng vỏn vẹn 45 phút. Cho đến khi đọc Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, tôi mới biết rõ Nguyễn Trường Tộ là một người bị khước từ với ước vọng canh tân đất nước.

Nguyễn Trường Tộ, cái tên lạ lẫm trong các kỳ thi lớn về môn lịch sử. Lịch sử, trong ký ức của tôi, là những gạch đầu dòng của ngày tháng năm, được đặt trong một sườn bài kinh điển: nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa. Đã có một thời của thế hệ tôi, trước tôi và bây giờ có lẽ cũng vậy, đã từng học sử như thế. Không biết tại sao Nguyễn Trường Tộ lại không xuất hiện ở những gạch đầu dòng ấy.

Chuyện đổi mới đất nước hiện nay mà chúng ta vẫn thường ngày nghe nói đến trên các phương tiện truyền thông chính là những gợi nhớ về bài học của sự canh tân thuở trước: Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức. Đó là tầm nhìn của lãnh đạo, sự nỗ lực của giới trí thức trước vấn đề tồn vong của dân tộc, cũng như mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và giới tinh hoa trước sự thịnh – suy của quốc gia.

Ngày ấy, nếu Tự Đức chấp thuận những kiến nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, đất nước sẽ đủ sức chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp, và dân tộc Việt đã không phải bước thêm những bước dài trong chiến tranh.

Những bài học từ lịch sử luôn có giá trị tham khảo đối với tiến trình phát triển của dân tộc. Đất nước chúng ta đã bắt đầu đổi mới từ năm 1986, và hiện nay, các nhà lãnh đạo đang nỗ lực đổi mới lần nữa. Thật không quá để nói rằng, câu chuyện về Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức là một tham chiếu lịch sử giá trị trước những nguy cơ mới đối với đất nước ta. Đó là sự lựa chọn cơ hội canh tân, thoát khỏi những định kiến trong tư duy vốn là rào cản đối với nhà cầm quyền và giới tinh hoa thuở trước.

Không những vậy, cách thức trình bày và phương pháp nghiên cứu của học giả Nguyễn Đình Đầu trong Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức là điều đáng suy ngẫm về cách học sử hiện nay. Tác giả đã trình bày các sử liệu một cách hệ thống, chọn lọc và tham khảo từ những bộ sử có giá trị như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam sự lệ tục biên và trước tác Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo của Nguyễn Bá Cần. Đây là tác phẩm khảo cứu lưu giữ 58 bản điều trần còn sót lại của Nguyễn Trường Tộ.

Tác giả Nguyễn Đình Đầu rất kiệm lời trong việc đánh giá các sử liệu mà thay vào đó, ông đã để bản thân các sử liệu mà ông trích dẫn, tham khảo tự cất lên tiếng nói của mình. Với lối viết nhẹ nhàng, không sử dụng nhiều Hán ngữ, cổ ngữ như các sử gia cùng thời, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức của ông là một cách làm sử đáng suy ngẫm trong tư duy viết sử “ít khảo nhiều bình” như hiện nay. Có lẽ, môn lịch sử sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với học sinh nếu như sách giáo khoa được viết với sự tinh tế và nghiêm túc như vậy.

Theo Phan Nhật Anh
(Nguồn: Doanh nhân Sài gòn, ngày 15/08/2015)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo