Lý giải “drama” tại toạ đàm “Người trẻ và văn hoá ứng xử giữa cơn bão drama”
Sáng ngày 09/06, toạ đàm “Người trẻ và văn hoá ứng xử giữa cơn bão drama” giữa Trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Báo Tiền Phong tổ chức đã diễn ra. Sinh viên đã được nhìn nhận thực trạng “nghiện drama”, những rủi ro tiềm ẩn về tâm lý và pháp lý khi bị cuốn vào “bão” drama” cũng như lắng nghe những lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia.
“Nghiện drama” dưới góc nhìn Tâm lý học
Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mọi người, đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, đính kèm với những tiện tích và lợi ích mà mạng xã hội mang lại thì chúng ta cũng tiếp nhận những luồng thông tin “drama” tiêu cực ngày càng lan tràn và có nguy cơ ảnh hưởng đến nhận thức cá nhân.
Sự phát triển của các nền tảng số trên thế giới ngày càng lớn, đã biến mọi cá nhân có thể trở thành nhà phát ngôn, người đưa tin, thậm chí là “người phán xử” khi bắt gặp một hành vi không đúng với ý kiến số đông trên mạng. Những câu chuyện được lan truyền từng phút từng giây và thu hút hàng triệu lượt quan tâm, bình luận – từ chuyện đời tư nghệ sĩ, tình cảm cá nhân hay những vụ việc đời thường như đòi nợ, tranh chấp, xích mích – tất cả đều có thể trở thành hiện tượng mạng được bàn tán công khai.

Lý giải từ góc độ tâm lý học, ThS, NCS Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi cho biết, trước khi gây tổn thương cho người khác, hành động theo dõi, bình luận “drama” phá hủy sự bình yên trong tâm trí của chính chúng ta. Bên cạnh sự kích thích liên tục từ truyền thông, tâm lý đám đông (drama khiến lây lan cảm xúc tiêu cực, sau đó là gây bắt chước hành vi).
Cô Thi còn chỉ ra ba “sự thiếu hụt” cốt lõi ở góc độ cá nhân, khiến một người dễ dàng bị cuốn vào “bão drama”, bao gồm: thiếu nhận thức về bản thân, thiếu tự tin về năng lực và thiếu khả năng kiểm soát cuộc sống.

Khi thiếu hụt những điều đó, các cá nhân sẽ mượn “drama” để định hình giá trị, sở thích,… của bản thân, bàn tán về người khác thay vì nói ra những điểm “xấu hổ” của bản thân. Từ đó, tạo ra cho bản thân một rào chắn, một sự tự tin không có thật hay cảm thấy mình hữu ích, nắm quyền kiểm soát thông tin – Dần dần, chúng ta để cảm xúc cá nhân dẫn dắt hành vi, khiến việc bình luận ẩn danh trên mạng ngày càng gay gắt.
Bằng cách vô tình hay hữu ý tham gia vào những bình luận xúc phạm, chia sẻ thông tin sai lệch hoặc cổ súy cho văn hóa đấu tố, chúng ta đang để cảm xúc dẫn dắt hành vi.
Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Tiền Phong TP.HCM, nhấn mạnh

Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý đám đông cùng sự kích thích liên tục từ thông tin trên mạng xã hội khiến người trẻ dễ mất kiểm soát, từng bước để drama ánh hưởng đến sự bình yên nội tâm. Thay vì nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, nhiều người lại mặc nhiên bị dẫn dắt vào cảm xúc đám đông, vô hình trung chuyển hoặc gia tăng độ lan truyền cho những thông tin sai lệch.
Drama online – Án phạt offline
Dù ở góc độ tâm lý, việc bị kích thích bởi các yếu tố kịch tính là một phản ứng vô cùng bình thường của con người. Pháp luật cũng bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân. Tuy nhiên, nếu cư xử thiếu thận trọng trên không gian mạng, thì người trẻ rất dễ rơi vào tình trạng “drama online, án phạt offline”.
Ranh giới giữa giải trí và vi phạm pháp luật trên không gian mạng là vô cùng mong manh.
TS Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Luật – Tâm lý, Trường Đại học Hoa Sen, khẳng định

“Drama” trên mạng xã hội không chỉ là mâu thuẫn cá nhân mà còn là những sự kiện gây tranh cãi, lan truyền nhanh và thường thiếu tính xác thực, chính điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Một số hành vi phổ biến khi tham gia “drama” có thể dẫn đến hậu quả pháp lý gồm: tung tin giả; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; tiết lộ bí mật đời tư; kích động bạo lực; vi phạm bản quyền. Tùy tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính (phạt tiền) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù).
Bí quyết “Bình yên giữa bão drama”
Khi bàn về cách ứng xử trên mạng xã hội, các diễn giả đã khẳng định: “Hóng drama không có vấn đề gì, nhưng cách chúng ta ứng xử mới là điều quan trọng nhất.” ThS, Á hậu Hoa Hậu Việt Nam 2020 Phan Ngọc Phương Anh chỉ ra một khía cạnh tích cực hiếm hoi: việc theo dõi drama có thể là cơ hội để lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Cô cũng nhấn mạnh trách nhiệm “làm gương” của những người nổi tiếng đối với công chúng.


Đúc kết từ 22 năm kinh nghiệm làm nghề, đối mặt với nhiều “drama” cá nhân, từ scandal đạo nhạc đến tranh chấp bản quyền. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ một triết lý sống còn: “Cần nhất quán với những gì mình làm, giữ vững giá trị đạo đức, nghề nghiệp, lối sống”.
Nhạc sĩ nhấn mạnh rằng trong “bão” dư luận, việc kiên định với bản thân và những nguyên tắc đã chọn chính là chiếc neo vững chắc. Thay vì cuốn theo những ồn ào vô bổ hay cố gắng chứng minh từng li từng tí, việc tập trung xây dựng giá trị thật và phát triển bản thân là con đường bền vững nhất để kiến tạo sự nghiệp và đón nhận những điều tích cực.

Bên cạnh đó, Doanh nhân Phan Việt Thắng – Chuyên gia truyền thông Thương hiệu cũng gợi ý cho người trẻ các cách chủ động lọc thông tin trên mạng xã hội như báo cáo nội dung không mong muốn.
Để hành xử văn minh, tránh rủi ro, cô Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi khuyến nghị người trẻ cần tự đặt 5 câu hỏi trước khi đưa ra ý kiến: “Có phải sự thật không? Có thật sự hữu ích không? Có truyền cảm hứng không? Có cần thiết không? Có tạo ra tác động thay đổi tốt đẹp không?”. Cô cũng khuyên người trẻ nên gạn lọc những người xung quanh và kiểm soát chính bản thân mình, tránh xa những nội dung độc hại. Thay vì lướt điện thoại, hãy tập trung học tập, làm việc, tạo giá trị thực cho cộng đồng.

Bên cạnh việc tự nhắc nhở bản thân, việc chủ động lọc thông tin, giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, tập trung học tập, làm việc và tạo giá trị thực lành mạnh cũng là những giải pháp thiết thực giúp người trẻ “bình yên giữa bão drama”.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA SEN – NƠI ĐÀO TẠO HÀNG ĐẦU VỀ KINH DOANH, QUẢN LÝ, CÔNG NGHỆ VÀ SÁNG TẠO
🔗 Fanpage: facebook.com/HoaSenUni
🔎 Tuyển sinh: tuyensinh.hoasen.edu.vn
Thực hiện: Hoài Thương – Thu Thảo
Phòng Marketing – Truyền thông