Đại học Hoa Sen – HSU

Một trăm ba mươi năm bang giao văn hóa Việt Pháp

[Văn Hóa Nghệ An phỏng vấn nhà phê bình văn học Đặng Tiến]

Phóng viên:Chúng tôi được biết ông đã sang châu Âu từ năm 1966 và định cư ở Pháp từ năm 1968. Ông là người đã cùng với giáo sư Tạ trọng Hiệp sáng lập ra ban Việt học tại Đại học Paris VII và đã giảng dạy liên tục ở đó cho đến lúc về hưu. Động cơ nào đã thúc đẩy các ông hình thành ý tưởng tuyệt vời này ?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến:Trước tiên, phải thưa ngay : anh Tạ Trọng Hiệp, đã quá cố từ lâu, và bản thân tôi, không có chức danh Giáo Sư. Trong lãnh vực biên khảo, chúng tôi có một vài đóng góp, chúng tôi có giảng dạy ở cấp bực đại học, nhưng với tư cách giảng viên ngoài biên chế nên không có chức danh giáo sư, ngoài ra, ở Pháp, những giáo sư có quy chế thực thụ, cũng ít khi xưng chức tước. Tôi chưa từng nghe  các anh Lê Thành Khôi, Trịnh Văn Thảo…xưng danh GS TS,  cho dù họ là thầy của nhiều bậc thầy. Anh Cao Huy Thuần, ngày nay thường được người đời xưng tụng như vậy, chớ anh ấy không tự xưng chức danh trên sách báo.

Thứ đến, anh Tạ trọng Hiệp và tôi không “sáng lập” ra ban Việt học tại ĐH Paris 7. Việc sáng lập là do nhà nước Pháp quyết định, theo nhu cầu của họ, và tình hình quốc tế vào thời điểm 1968, mở đầu hội đàm Paris để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, và sau “tháng năm 1968” tại Paris, thay đổi cuộc diện nước Pháp về mặt chính trị lẫn trí thức. Giáo sư Jacques Gernet, chủ nhiệm khoa nghiên cứu Ngôn ngữ văn minh Á Đông (L.C.A.O. : Langues et Civilisations de l’Asie Orientale) tại Đại học Paris 7, một nhà bác học uyên bác, quen biết và tin cậy học giả Tạ Trọng Hiệp, chuyên gia chữ Nôm thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (C.N.R.S. : Centre National de Recherches Scientifiques), giao cho anh thi hành dự án thành lập ban Việt học, trực thuộc LCAO. Anh Hiệp quen tôi, rủ tôi cùng làm chung. Năm sau có thêm các anh Nguyễn phú Phong, Phạm đán Bình, nay đều đã quá cố.

Nhà phê bình Đặng Tiến

Phóng viên:Ban Việt học của Đại học Paris 7 đã hoạt động như thế nào ? Nội dung giảng dạy bao gồm những gì ?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến:Lúc đầu, những người tạo lập ban Việt học là chỉ để dạy tiếng Việt cho người Pháp, theo nhu cầu lúc đó. Anh Tạ Trọng Hiệp muốn nới rộng, kèm theo việc giảng dạy về văn hóa : đó là công lao của anh ấy. Lúc đấy chưa có cơ sở, phải ké vào ban Trung Quốc, tại trung tâm Censier, quận 5 Paris, về sau dọn về trung tâm Jussieu, cũng vùng quận 5, được một phòng khoảng trên 50 m2 vừa làm phòng dạy học, thư viện và văn phòng. Nay đã dọn về quận 13, gần Thư viện Quốc gia.Nội dung chính vẫn là việc dạy tiếng Việt, sau 3 năm thì có bằng cử nhân khoa tiếng Việt, sau đó là thạc sĩ hay cao hơn.

Có những chứng chỉ chuyên về văn chương, sử học, lúc đầu do những giảng viên được mời ngoài biên chế, về sau có những phụ giảng (assistant) và Phó giáo sư (Maitre de conférence).
Từ 1978, Đại học Paris 7 ký  hiệp ước hợp tác với Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phái đoàn đại biểu đầu tiên do ông hiệu trưởng Phan Hữu Dật điều khiển, gồm có các giáo sư Hà Văn Tấn, và Nguyễn Văn Tu. Dần dần, việc trao đổi dồi dào và mật thiết hơn. Hà nội gửi người sang giảng dạy, như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Giáp, TrầnTrí Dõi, … nhưng sinh viên Pháp kiến thức giới hạn về tiếng Việt nên việc giảng dạy chủ yếu là tiếng Việt.  Công tác này, về lâu dài, cũng có hiệu lực tốt, ví dụ dạy tiếng Việt cho những người sau này sẽ là chuyên gia về Việt Nam, như sử gia Daniel Hemery, Emmanuel Poisson, hay chuyên gia tiền cổ như Thierry.

Về mặt học thuật, ban Việt học không đóng góp được bao nhiêu, nhưng nó là khung cửa mở cho Đại học Việt Nam lần đầu tiên mở cửa hợp tác với một Đại học phương Tây, ngoài khối Xã hội chủ nghĩa.

Về phía Pháp cũng là một bước tiến : thiết lập quan hệ văn hóa với một chính thể Việt Nam mới : độc lập, hòa bình và thống nhất. Có thể Pháp, qua Đại học Paris 7, là quốc gia Tây phương đầu tiên thiết lập quan hệ này với nước Việt Nam trong thể chế Xã hôi chủ nghĩa, thoát ly hẳn với quan hệ thuộc địa trước đó.

 

………………….

>> Xem thêm chi tiết bài viết

 

Theo Phan Thắng
(Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 07/12/2014)

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo