Đại học Hoa Sen – HSU

Một giải pháp tích cực đối với vấn đề đạo văn

Chúng ta biết sinh viên học sinh có đạo văn. Chúng ta thấy rõ là nạn đạo văn, cũng như sự thiếu trung thực trong học thuật nói chung, ngày càng tăng trong những năm vừa qua, trong nhiều thập niên và trong cả thế kỷ qua, và xảy ra ở bất kỳ ngành học nào mà chúng ta muốn xem xét.

Những nhận định về vấn đề này đã trở nên quá quen thuộc: Có thể là do hiện nay sự gian lận được thực hiện dễ dàng hơn trước đây (đa số sinh viên, học sinh lớp tuyển khi bị phát hiện đạo văn đều nói rằng họ làm như thế vì việc đó “quá dễ”). Có thể là nhờ Google và Turnitin nên chúng ta dễ dàng hơn, nhanh hơn trong việc phát hiện ra sự đạo văn của bất cứ ai đó. Hoặc có thể chúng ta quên rằng thế hệ nào, tính từ thời dân La Mã và Hy Lạp cổ đại, cũng thường than phiền là thế hệ kế tiếp họ toàn là những người trẻ lười biếng, thậm chí thất học, và sẵn sàng gạt bỏ mọi khía cạnh đạo đức.

Mức độ hoài nghi khá cao đối với những người lên tiếng cảnh báo về nạn đạo văn nhưng điều đó vẫn không làm cho vấn nạn này tan biến. Điển hình là một bài báo đăng trên tờ The Chronicle ngày 21/7 nói về vị giáo sư trường Đại Học New York tuyên bố ngưng truy tìm những kẻ đạo văn; bài này đã nhận được 249 lời bình, trong đó có nhiều lời bình là những phê phán nặng lời đối với phản ứng của các định chế giáo dục trước vấn nạn đạo văn. Xử lý tình trạng đạo văn của sinh viên là một vấn đề triền miên và dường như là vô tận đối với những người giảng dạy đại học; rất nhiều phê phán về vấn nạn này từ các bài báo, các trang blog, và các diễn đàn thảo luận. Bản thân tôi cũng góp một số tham luận cho những cuộc thảo luận đó nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận.

Tôi đã nhiều lần tổ chức cũng như tham dự hội nghị thảo luận về nạn đạo văn, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo cho các giảng viên đại học và giáo viên trung học về chủ đề này; và đã nhiều năm áp dụng các phương cách mà tôi sẽ trình bày dưới đây. Tôi bước vào nghề dạy học với phương châm là không dung thứ cho bất cứ sai phạm nào. Phương châm này khiến tôi thường chú tâm đến những vụ thưa gởi, kiện cáo trong nhà trường, và nhận thấy những vụ việc này làm hao mòn sức phấn đấu của hầu hết những người bị sự luận tội tác động.

Nhưng khi Internet phát triển mạnh, tôi quyết định không dành thời gian để làm cảnh sát mạng nữa. Mục đích của tôi bây giờ là giúp sinh viên xem trọng danh dự và sự chính trực chứ không nhằm tạo dựng một văn hóa của sợ sệt và luận tội. Rất dễ tìm thấy nhiều bài viết rất hay trên các Website bàn về nạn đạo văn. Từ những nguồn đó, chúng ta có thể đề ra bốn nguyên tắc chung cho một phương cách hữu hiệu để xử lý vấn nạn này.

Giải pháp cần mang tính tích cực, tức là chỉ dẫn cho sinh viên cách hành xử như một trí thức và người viết có tinh thần trách nhiệm cao độ. Tính tích cực của giải pháp cũng cần được phản ánh trong giáo trình học tập. Tôi từng xem nhiều tài liệu học tập trong đó các hình thức phạt đối với việc đạo văn được trình bày tỉ mỉ từng chi tiết nhưng không đề cập một chút gì tới phương cách hoặc thái độ tích cực nào giúp sinh viên tránh vấn đề đó. Hiện nay chúng ta đều biết rõ là nguồn động lực tích cực luôn lướt thắng mọi dạng tiêu cực.

Giải pháp phải giúp sinh viên tránh việc đạo văn chứ không phải là tập trung vào vấn đề truy tìm đạo văn.

Giải pháp phải giúp tăng cường nghị lực cho cả sinh viên lẫn những người giảng dạy.

Nó phải làm cho sinh viên và những người giảng dạy thực sự cảm thấy họ có ý chí mạnh mẽ hơn.

 Đối với tôi, đó dường như là những yêu cầu tối thiểu nhưng trong thực tế chúng chưa được đáp ứng.

Trước khi đưa ra giải pháp khả thi, chúng ta cùng điểm qua một số phương cách mà chính những nhược điểm của chúng đã góp phần tạo nên những tranh luận có thể nói là vô tận về nạn đạo văn.

Phạt nghiêm khắt. Giảng viên dọa sẽ áp dụng hình thức xử phạt tối đa nếu phát hiện sinh viên nào đạo văn thường là những người xét vấn đề ở khía cạnh đạo đức. Các giáo trình học cũng như những tranh luận tiếp theo đó ở lớp luôn liệt kê mọi hình thức xử phạt sẽ áp dụng đối với sinh viên đạo văn, kể cả việc đuổi học.  

– Ưu điểm: Nếu được áp dụng một cách kiên định, không xét tới những tình tiết giảm khinh, thì phương cách này tỏ ra hiệu quả, nhất là đối với những giảng viên được sinh viên nể phục. Một đồng nghiệp của tôi là giáo sư chính thức giảng dạy bộ môn văn học và viết luận văn. Vị này thường có lời dọa là sẽ mạnh tay hủy thanh danh của bất cứ sinh viên nào đạo văn. Tuy vậy, ông vẫn luôn truyền được cho sinh viên của ông nguồn cảm hứng nghiên cứu.

– Nhược điểm: Những người giảng dạy áp dụng phương cách này sẽ tạo nên một bầu không khí căng thẳng ngay từ đầu khóa học. Mặc dù một số sinh viên chấp nhận học tập với vị giáo sư tương tự như Giáo Sư Kingsfield, một nhân vật trong bộ phim The Paper Chase, nhưng phần đông sẽ cố gắng vượt qua khóa học với thái độ bực dọc hoặc không mấy tin tưởng. Đối với việc xử lý vấn đề đạo văn thì phương cách này là cách làm nản lòng nhất; nó chẳng bao giờ thúc đẩy sinh viên hoặc giảng viên hăng say học tập và nghiên cứu. Sau cùng, phương cách này cũng chẳng ngăn chặn hữu hiệu việc đạo văn đủ để các nhược điểm của nó được mọi người xem nhẹ.

Tạo biện pháp ngăn ngừa. Giảng viên quan tâm tới nạn đạo văn và đã đọc nhiều về các phương cách đối phó với vấn đề này có thể vận dụng để soạn ra cho sinh viên những bài làm sao cho tránh được tối đa việc đạo văn.

– Ưu điểm: Soạn lại bài giảng – nâng cấp các bài tập – thường tạo ra sự sinh động trong khóa học. Những giảng viên quan tâm nhiều đến sư phạm học rất ưa thích phương án này.

– Nhược điểm: Phương án này hàm nghĩa là bài giảng, bài tập sẽ được soạn lại theo lãnh vực hạn hẹp hơn. Trong khi đó, điều quan trọng là giảng dạy, đào tạo cho sinh viên biết cách khám phá sâu rộng hơn. Họ cần có khả năng xem xét, chọn lọc từ mọi nguồn tài liệu, nhưng các bài giảng, bài làm được soạn theo mục đích trên thường quá hạn hẹp. Loại bài giảng và bài làm như thế chắc chắn không tạo thêm sức phấn đấu cho học viên các trường nghiên cứu hoặc trường chuyên ngành. Và chẳng bao lâu sau, chúng ta cũng sẽ cạn ý tưởng cho những bài giảng hoặc bài làm theo ý hướng này hoặc sẽ cảm thấy yên tâm với tình trạng an toàn giả tạo là học viên của mình không còn đạo văn nữa.

Thảo luận chuyên đề. Nhiều giảng viên cho thảo luận rộng rãi trên lớp về tính chất và hậu quả của nạn đạo văn, và tin rằng thời gian thảo luận như thế rất có hiệu quả. 

– Ưu điểm: Có nhiều sinh viên chưa hiểu những đặc tính của vấn đề đạo văn hoặc chưa biết những hậu quả của việc làm đó. Qua thảo luận sâu rộng ở lớp về nạn đạo văn, giảng viên tạo cho sinh viên ý thức đầy đủ về vấn nạn này.

– Nhược điểm: Chỉ đơn thuần bàn thảo với sinh viên, đặc biệt là đối với chủ đề còn nhiều tranh cãi này, là phương cách yếu nhất khó mà đoan chắc rằng các sinh viên sẽ hành xử đúng. Đưa ra các câu hỏi ngắn liên quan tới vấn đề đạo văn là một động thái rất đúng hướng. Nhưng loại câu hỏi như thế cũng có thể khích lệ tính thụ động. Sự đạo văn và gian lận trong học thuật không phải là lý thuyết mà là hành động người ta thực hiện; do đó, những bài trình bày mạnh mẽ về vấn đề này đòi hỏi phải có hành động tương ứng.  

Giải pháp khả thi. Bài tự luận đầu tiên tôi ra cho sinh viên viết trong khóa học do tôi đảm trách là bài viết về chủ đề nạn đạo văn và sự gian lận trong học thuật. Tôi yêu cầu sinh viên tìm hiểu và đọc các nguồn tài liệu trên trang Web qui tụ các nhà chuyên môn về vấn đề này như Nick Carbone, một chuyên gia tư vấn về công nghệ thông tin hiện đại cho nhà xuất bản Bedford/ St. Martin’s chuyên ấn hành giáo trình đại học, và Bruce Leland, giáo sư danh dự tại Đại Học Western Illinois. Tôi yêu cầu sinh viên ghi chép ý chính của các bài đọc đó, đặc biệt lưu ý về cách thức mà hai tác giả đó chưa hài lòng đối với những phương cách chuẩn mực nhằm ngăn chặn nạn đạo văn và sự gian lận trong học thuật. Tôi dặn các sinh viên chú tâm cách riêng tới luận điểm của Carbone về những điều nên làm và những điều không nên làm; bảng danh mục mà ông đề ra sau khi khẳng định rằng các phương cách trước đây nhằm chống nạn đạo văn hoàn toàn không phù hợp; và chú tâm tới danh mục rất đầy đủ của Leland về các nguồn tài liệu mà giảng viên có thể sử dụng để xử lý nạn đạo văn.

 Sau đó, tôi yêu cầu sinh viên tìm một Website có các bài tiểu luận được phép tải xuống miễn phí. Tôi cung cấp cho họ nguồn tài liệu chính yếu, chẳng hạn như “Cheating 101: Internet Paper Mills” ở địa chỉ www.coastal.edu/library/presentations/mills2.html trong số nhiều nguồn khác. Mỗi sinh viên phải tải về một bài (hoặc nhiều hơn nếu Website đó cho phép) rồi phân tích các điểm mạnh và điểm yếu của luận điểm trình bày trong bài. Họ phải mang tới lớp bản sao chép của bài đó cùng với những ghi chép về ý chính của các bài đọc, rồi tường trình cho cả lớp nghe.

Mục đích chính ở đây là để cho sinh viên đọc những văn liệu được các giáo sư viết cho giáo sư đọc chứ không phải để sinh viên đọc những gì viết cho họ. Bài học với ý cụ thể ở đây là sinh viên tìm hiểu về nạn đạo văn và sự gian lận trong học thuật. Còn bài học với ý ẩn tàng là họ nên hiểu rằng các giảng viên đã biết rõ các tài liệu nào được cung cấp miễn phí từ Internet, và những mánh lới sử dụng tài liệu trên Internet. Thậm chí nếu như bạn, một thành viên của khoa nào đó, không am tường lắm về vi tính, thì từ bài làm này sinh viên sẽ nghĩ rằng bạn biết rõ cách để phát hiện sự đạo văn.

Bằng cách phân tích những “bài tiểu luận miễn phí” này, các sinh viên học được trước hết là những bài có trên Internet thường kém xa những gì do chính họ viết ra. Đôi lúc họ viết được bài rất ấn tượng, họ sẽ nhận thấy đó đúng là một bài xuất sắc: Nhưng thường không có giáo sư nào tin rằng bài viết hay và rất đúng chuyên ngành lại được viết bởi sinh viên đang thực hiện bài làm của mình trong khóa học.

Bạn không cần hướng dẫn sinh viên chọn lọc các bài viết. Sở thích và môn chuyên ngành của họ sẽ làm việc đó. Nhờ cách làm bài như trên, sinh viên tham gia việc nghiên cứu ngay từ ngày đầu tiên của khóa học, và thường xuyên thực hành việc đọc có phê phán. Sinh viên biết rằng bạn đối xử với họ như những người trưởng thành vì bạn phân định cho họ đọc các bài viết xác thực và phù hợp lấy từ các Website dành cho những nhà chuyên môn lớn tuổi. Ngoài việc yêu cầu sinh viên chú tâm để tìm các điểm mạnh, điểm yếu của bài viết ra, bạn không cần phải hướng dẫn họ phân tích. Sinh viên ở bất cứ trình độ viết luận nào cũng thể hiện được rằng họ có thể cảm nhận  bài viết của một ai đó.

Hẳn nhiên là bạn có thể thay bằng các Website hoặc bài viết khác. Tuy nhiên, bạn nên dành cho sinh viên lời khen đối với những ghi chép của họ từ các Website, và đối với những bình luận của họ về các bài viết được tải xuống từ trên mạng – những ghi chép và bình luận nên được thể hiện trên bản in ra giấy. Sinh viên chăm ghi chép ý chính mỗi khi đọc thường nổi trội hơn sinh viên ít thực hiện việc đó; và điều này cho phép bạn trình bày bài giảng về việc ghi chép của các học giả hoặc các nhà chuyên môn tiếng tăm. Bản in ra giấy cho phép bạn thu bài làm của sinh viên khi không có đủ thời gian để từng sinh viên trình bày bài viết của mình trước lớp. Riêng tôi, tôi khuyên bạn nên tạo điều kiện để từng sinh viên tường trình trước lớp.

Cách làm bài như thế này sẽ tạo nên: (1) sự hiểu biết trực tiếp về nạn đạo văn và những thái độ đối với nó; (2) kỹ năng nghiên cứu vì sinh viên truy tìm và phân tích các nguồn tài liệu đáng tin cậy trên Web; và (3) kỹ năng trình bày bài nhận định trước cử tọa mà không tạo ra bầu không khí đối kháng hoặc mâu thuẫn. Hình thức bài làm này có thể áp dụng cho những khóa học đông sinh viên hoặc các khóa học trực tuyến bằng cách lập trang blog hoặc diễn đàn thảo luận trực tuyến mặc dù điều này không hay bằng sự kết nối với từng cá nhân. (Tôi thường yêu cầu sinh viên xung dánh tính mỗi lần họ tường trình. Triết lý của tôi là tối ưu hóa mọi thứ mà bài làm thao hình thức này đạt được.)

Tôi đã và đang áp dụng phương cách này cho sinh viên bậc cử nhân và các nghiên cứu sinh, cho các sinh viên chính quy lẫn không chính quy. Trong hai học kỳ vừa qua, tôi sử dụng phương cách này ở những lớp học trực tuyến và đạt được kết quả khả quan. Bất cứ phương pháp nào làm cho sinh viên và giáo sư hăng hái trong học tập và nghiên cứu đều nên được vận dụng.

 

Người dịch: Nguyễn Anh Dũng

Theo Jeff Karon

Tờ  The Chronicle, 18/9/2012

Giảng viên thỉnh giảng Khoa Anh, Đại Học South Florida

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo