Đại học Hoa Sen – HSU

Lịch sử nền giáo dục đại học Hoa Kỳ: Việc theo đuổi tấm bằng đại học

Ở Hoa Kỳ, văn bằng đại học được cấp từ nhiều nguồn với những quan điểm khác nhau về tính chất và tính năng của văn bằng. Theo từ điển Random House, bằng đại học thường được hiểu là “một tước danh khoa bảng được viện đại học hoặc phân viện trao tặng như một biểu thị về sự hoàn thành một khóa học, một quá trình nghiên cứu nào đó; hoặc như một sự công nhận có tính vinh danh một thành tựu đạt được”. Khái niệm về các trường giảng dạy và đào tạo sau trung học rộng nghĩa hơn khái niệm về các định chế giáo dục với chương trình giảng dạy hai hoặc bốn năm mà vẫn thường được hiểu là “cao đẳng”. Khái niệm về định chế giáo dục đại học bao hàm cả những trường dạy nghề, trường hướng nghiệp, trường chuyên nghiệp và các chương trình giảng dạy ở đại học, cao đẳng được soạn thảo và áp dụng bởi hàng ngàn định chế giáo dục khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, chính bằng cấp đại học, một văn bằng cao trọng được trao bởi những định chế giáo dục sau hệ trung học và có thẩm quyền cấp bằng của Hoa Kỳ, mới hàm chứa vẻ quyền uy và cao vọng, nhất là khi học viên đó trải qua đầy đủ cấp hệ văn bằng đại học gồm cử nhân, thạc sĩ, và tiến sĩ.    

Bởi “quyền lợi và trọng trách” gắn liền với trình độ đại học, và lý tưởng của người Mỹ về tiềm năng để thúc đẩy nền kinh tế luôn tăng trưởng, nên văn bằng đại học vẫn liên tục được mọi học viên phấn đấu để đạt được; và con số những người theo đuổi tấm bằng này ngày càng tăng. Theo Trung Tâm Quốc Gia về Thống Kê Giáo Dục (NCES), năm 2005 có 17,5 triệu người thuộc mọi cộng đồng sắc tộc ghi danh vào các định chế giáo dục có thẩm quyền cấp bằng đại học. Năm 2016, con số này được dự kiến là 20,6 triệu. Tổng số văn bằng đã cấp trong năm 2006 lên tới hơn 2,9 triệu bằng. Đến năm 2017, con số này dự kiến khoảng 3,5 triệu (Nguồn: NCES 2008). Tuy nhiên, tiếp cận nền giáo dục đại học không phải lúc nào cũng dễ dàng, và trước đây người ta theo đuổi việc học này với những lý do hoàn toàn khác so với hiện nay.

Harvard -Trường Đại học lâu đời nhất ở Hoa Kỳ

Những năm khởi đầu
Đại học Harvard  là cơ quan giáo dục đại học lâu đời nhất ở Hoa Kỳ. Đại học này được thành lập năm 1636, đúng vừa 16 năm kể từ khi chiếc hải thuyền Mayflower đến Cape Cod thuộc miền đất mà nay là bang Massachusetts (Archibald 2002). Cho tới thời Cuộc Chiến Tranh Giành Độc Lập (1775-1783), đã có 9 trường được phép cấp văn bằng đại học được thành lập ở các thuộc địa này; con số này rất đáng kể khi so với mẫu quốc là Vương Quốc Anh đất rộng, dân đông, và thịnh vượng nhưng chỉ có hai đại học là Cambridge và Oxford (Trow 1988).  Tuy nhiên, các đại học vùng thuộc địa Anh – Harvard, William và Mary, Collegiate School (nay là Đại Học Yale), Học Viện Philadelphia (nay là Đại Học Philadelphia), College of New Jersey (nay là Đại Học Princeton), King’s College (nay là Đại Học Columbia), College of Rhode Island (nay là Brown), Queen’s College (nay là Rutgers), và Dartmouth – đều theo khuôn mẫu Đại Học Cambridge và Oxford, và cũng theo khuôn phép của Anh, các trường luôn có sự gắn kết với tôn giáo. Hội Thánh Thanh Giáo, Hội Thánh Trưởng Lão, Hội Thánh Baptist đã chi phối với nhiều hình thức khác nhau đối với một số trường riêng biệt, còn trường William and Mary, và trường King’s College thì thuộc quyền bảo trợ của Giáo Hội Anh Giáo.

Sứ mệnh và sự điều hành quản trị của các trường đại học này luôn hướng các sinh viên đến những môn học liên quan tới tôn giáo “theo đúng tinh thần của truyền thống tôn giáo” thể hiện rất rõ nét ở thuộc địa Mỹ trong những năm khởi đầu (Brickman 1972). Tuy nhiên, vào thời đó, nền giáo dục đại học có vẻ như chỉ dành riêng cho một thiểu số nào đó – vì không được hỗ trợ tài chính từ Anh Quốc, nên chi phí điều hành hoạt động của trường đại học đã làm cho học phí trở thành một cản trở rất lớn đối với đa số mọi người. Nhưng Mỹ cũng đã đưa ra một loạt những tùy chọn dành cho những người da trắng giàu có, trong số họ có nhiều người rất mong muốn trở nên thành viên trong hàng ngũ giáo sĩ (Archibald 2002). Hệ quả là sự ghi danh theo học tại các đại học này không đáng là bao, cho tới thời Cuộc Chiến Giành Độc Lập. Tuy nhiên, những người tốt nghiệp đại học thời đó luôn nằm trong số những lãnh đạo xuất sắc ở cả lãnh vực chính trị lẫn tôn giáo, và thuộc về thế hệ những nhà giáo dục mới ở Mỹ.   

Tầm Nhìn Của Jefferson Và Đạo Luật Morrill Land
Thomas Jefferson là một trong những người đầu tiên đề xuất về nền giáo dục quốc gia ở Mỹ (từ tiểu học đến đại học) dựa trên sự khám phá khoa học và lấy đó làm mục tiêu theo đuổi chứ không nhất thiết phải theo những bài dạy và sự truyền giảng của tôn giáo. Mặc dù phần lớn những ý tưởng của ông không được xem trọng, mãi cho tới sau cuộc Nội Chiến Mỹ; nhưng ảnh hưởng của thời kỳ Khai Sáng, nơi đất nước Mỹ trở nên rất mạnh trong thế kỷ 18 và cùng với phong trào đầu tiên vận động cho sự phát triển hệ thống đại học quốc gia, cả hai đã đặt nền tảng cho chính sách tách biệt tôn giáo ra khỏi nhà trường (chính sách thế tục hóa học đường), và mở rộng quyền con người ở Mỹ, mặc dù khi đó hầu hết là quyền dành cho nam giới da trắng (Brickman 1972). Nhưng ngoài phương pháp khoa học và thực tiễn đề xướng trong hệ thống giáo dục đại học lý tưởng của ông, Jefferson còn nỗ lực quảng bá “phương pháp giảng dạy, hệ thống tuyển chọn” tách khỏi sự chi phối của tôn giáo cần được áp dụng bởi mạng lưới các trường đại học đang phát triển mạnh trên khắp đất nước Hiệp Chủng Quốc đang trong thời kỳ bành trướng lãnh thổ. Tâm điểm của triết lý này là sự minh định rằng “giáo dục cần phải làm vững mạnh thể chế cộng hòa bằng cách dạy cho mọi công dân và các nhà lãnh đạo hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của mình” (Addis 2003).

Jefferson còn đưa ra luận điểm về một hệ thống giáo dục hình tháp mà trên đỉnh là viện đại học trung ương nhằm thúc đẩy thành phần có tư chất thông minh vượt trội. Quan điểm của Jefferson được đưa vào Dự Luật năm 1779 về Phổ Cập Tri Thức và lại được đề cập trong những dự luật sau đó. Sự cho phép mở trường Đại Học Virginia năm 1819 và sự khai giảng của trường này năm 1825 đã thể hiện một số quan điểm của Jefferson, nhưng bang Virginia, một bang với 40% là nô lệ không có quyền công dân, thực sự không thể là một nơi lý tưởng để tầm nhìn về giáo dục của Jefferson đến được với mọi cư dân, cộng thêm vào đó là chủ nghĩa địa phương và sự chống đối của tôn giáo đang rất mạnh trên vũ đài chính trị. Một dự luật trọng yếu được thông qua trong thời kỳ Nội Chiến Mỹ đã là một tác nhân quan trọng đưa tới sự tái xuất hiện những tư tưởng về giáo dục của Jefferson trong thời kỳ Tái Thiết (Addis 2003).

Mark R. Nemec nhận ra rằng nhiều lực kết hợp đồng thời với nhau đã thúc đẩy “sự vươn dậy mạnh mẽ của trường đại học Mỹ và sự bành trướng lãnh thổ của các bang thuộc Hiệp Chủng Quốc”, nhưng nguồn động lực chính là Đạo Luật Morrill Land năm 1862 (Nemec 2006). Tầm nhìn của Justin Morril, thượng nghị sĩ bang Vermount, về việc thành lập các đại học nông nghiệp rất cần cho các bang miền nam ly khai, và sự vận động của thượng nghị sĩ bang Ohio là Benjamin F. Wade đã làm cho tầm nhìn này được đưa vào dự luật và được Tổng Thống Lincoln phê chuẩn thành đạo luật năm 1862. Do sự mở rộng của luật pháp, 69 trường đại học đã được thành lập, mặc dù một số trường do tư nhân hỗ trợ và nhiều trường không thực sự theo hướng đào tạo về nông nghiệp (Archibald 2002). Điều mà Đạo Luật Morrill nhắm tới là “khuyến khích sự phối hợp và tài kinh doanh khôn khéo vốn rất cần thiết cho sự thành lập các đại học nghiên cứu” và điều này đã đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng nền giáo dục đại học Mỹ. Các trường hiện có lúc đó đã mở rộng chương trình giảng dạy vào lãnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng các trường cao đẳng và các ngành học theo những trường đại học tiếng tăm. Ngoài các đại học nông nghiệp và sự mở mang lãnh thổ ra, một số nguồn thu phát sinh từ sự cấp đất đai kết hợp với nguồn thu hiện có của liên bang và phần hiến tặng của tư nhân, chẳng hạn như sự hiến tặng của mạnh thường quân Ezra Cornell, cả hai nguồn này giúp tạo nên những đại học công lập ưu việt trên khắp nước, và hỗ trợ cho những đại học tư (Nemec 2006).

Nền kinh tế suy yếu vào đầu thế kỷ 20 và sau Thế Chiến Thứ Nhất đã làm kiệt quệ tài chính của một số trường đại học và cao đẳng, và thời kỳ này chứng kiến sự suy giảm mạnh về con số các trường đại học. Tuy nhiên, đại học nghiên cứu tiên tiến đã định hình trong giai đoạn này phần lớn là nhờ nỗ lực của những người như Ralph Waldo Emerson, một con người luôn nói thẳng nói thật, và bạn của ông là Charles W. Eliot. Vị này là chủ tịch Đại Học Harvard suốt 40 năm kể từ năm 1869, và là “nhà nhân văn học cấp tiến hàng đầu” đã nối gót Jefferson nỗ lực cổ vũ hệ thống tuyển chọn trong giáo dục; đánh giá thành phần ưu tú theo tài năng và “sự ganh đua tài trí” trong nỗ lực phấn đấu lấy bằng cấp trong quá trình học đại học. Nói cách khác, tính dân chủ sẽ thúc đẩy việc chọn lựa thành phần ưu tú dựa theo tài năng và phẩm chất vượt trội; đây là chế độ nhân tài theo chủ thuyết của Jefferson. Theo đúng quan điểm đó, Eliot đã đưa các kỳ thi vào đại học làm cơ sở để tuyển chọn sinh viên (Newfield 2003). Quan điểm này làm cho việc học ở bậc trung học trở thành điều kiện tiên quyết để theo học bậc đại học. Và rồi, việc có được bằng cấp đại học trở thành một điều ngày càng được các nhà tuyển dụng lưu tâm (Lazerson 1998). Sự thịnh vượng sau chiến tranh và tầm nhìn mới về nền giáo dục đại học đã làm cho sĩ số sinh viên vào đại học tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ 1920 tới 1930 (Archibald 2002), và số văn bằng đã cấp tăng với mức cao hơn trước, từ 53.000 tới khoảng 140.000 (NCES 2008). Đã xuất hiện bước nhảy vọt về số người ghi danh vào đại học và số văn bằng được cấp khi những binh lính giải ngũ trở về nhà sau Thế Chiến Thứ Hai.     

GI Bill Và Thời Hoàng Kim Của Nền Giáo Dục Đại Học Hoa Kỳ
Tận dụng một điều khoản khác trong Servicemen’s Readjustment Act 1944 (Đạo luật về Sự Tái Hội Nhập của Quân Nhân) (thường được biết dưới tên là GI Bill – Dự Luật GI), rất đông cựu chiến binh Thế Chiến II ghi danh theo học đại học với khoản trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ. GI Bill tài trợ toàn bộ chi phí cho việc học toàn thời gian trong ba năm; và khoảng 4,4 triệu trong số 15 triệu cựu quân nhân hưởng theo GI Bill vào đại học (Archibald 2002). Rất nhiều người trước đây không xem trọng việc học đại học thì giờ đây họ cũng theo đuổi việc học này vì trường đại học trở thành “nơi cấp giấy phép cho những người Mỹ (trung lưu) nào muốn bước vào các ngành nghề chuyên nghiệp” (Lazerson 1998).

The Journal of Blacks in Higher Education (Tập San về Người Da Đen trong Đại Học) đã nhận định rằng tiếc thay GI Bill lại mở rộng thêm khoảng cách chủng tộc vì các cơ hội dành cho người da đen hầu như không chút gì đáng kể ở đất nước Mỹ thời sau Thế Chiến II vốn vẫn đầy rẫy những luật lệ kỳ thị như trước thời Nội Chiến Mỹ, nhất là ở các bang miền nam (2003). Tuy vậy, thời gian gần đây đã có sự cam kết của chính phủ Hoa Kỳ về việc đa dạng hóa lực lượng lao động, và phúc trình của Journal trên cho thấy có được bằng đại học đã và đang giúp người da đen thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa họ với người da trắng (2004). Tuy nhiên, phụ nữ vẫn bị trả lương thấp một cách bất hợp lý, ngay cả khi số phụ nữ có bằng đại học đang và sẽ vượt qua số nam giới ở mọi cấp học (NCES 2008).

Nhưng chính vì sự lạc quan dâng trào về nền giáo dục đại học trong nửa đầu thế kỷ 20 mà bằng đại học mang dáng dấp của sự thăng tiến, và điều này vẫn còn đúng cho tới bây giờ. Thêm vào đó, nhiều chương trình quan trọng do chính quyền liên bang triển khai thông qua việc cấp học bổng và các khoản vay dành cho sinh viên đã thúc đẩy sự ghi danh theo học đại học. Một trong những chương trình được chú ý nhiều nhất, Sắc Luật Giáo Dục Quốc Phòng 1958 là sự khẳng định rằng chính phủ rất cần thêm nhiều người Mỹ có bằng đại học về khoa học và kỹ thuật do những lo ngại đang gia tăng khi Liên Xô (cũ) phóng vệ tinh Sputnik vào năm trước đó (Archibald 2002).

Mặc dù có sự tài trợ nay từ lúc đầu và sự lạc quan như thế, nhưng trong thập niên 1970 và 80, sự hồi phục kinh tế, so với chi phí đại học, đã lên tới đỉnh cao. Và trong hai thập niên vừa qua, sự lạm phát đã và đang đưa học phí đại học tới mức gần như trở thành rào cản đối với nhiều người. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ và sinh viên vẫn tiếp tục hy sinh để theo học đại học; khoản nợ khó lường thường phát sinh do những khoản cho vay kép dành cho sinh viên. Hệ quả từ nỗ lực theo đuổi việc học này là “trong khoảng thời gian từ 1950 tới 1990, con số các trường đại học và cao đẳng tăng lên gần như gấp đôi, từ 1.851 lên tới 3.535 trường,” đồng thời sự chi tiêu của tiểu bang và liên bang dành cho giáo dục đại học tăng vọt. Có thể nói một cách ngắn gọn, ngành giáo dục đại học có lẽ là “ngành công nghiệp duy nhất thành công vượt bậc của Hoa Kỳ thời hậu chiến” (Lazeson 1998). Uy danh đại học, sinh viên, và sự lạc quan đã tạo thêm đà thúc đẩy cho việc mở rộng thêm các nguồn lực và điều kiện thuận lợi; và tạo dựng thêm nhiều định chế giáo dục vững mạnh hơn trong suốt “thời hoàng kim” của các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ.   

Môi Trường Đại Học Thế Kỷ 21
Sự đào tạo từ xa không phải là ý tưởng mới từ lâu nay, nhưng Internet thực sự đã giúp cách mạng hóa phương thức học này và chỉnh sửa một số khiếm khuyết của chương trình dạy và học qua thư tín (học hàm thụ) vốn rất phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Thông qua việc cộng tác với các nhà cung cấp tư nhân, và các doanh nghiệp công nghệ thông tin thương mại, như American Online và Onlinelearning.net, các trường đại học đang ra sức phát huy kinh nghiệm đào tạo chất lượng trong phương pháp đào tạo từ xa trực tuyến, mặc dù có lời khuyến cáo của David F. Noble rằng không có sự giao tiếp thực sự giữa các cá nhân với nhau (không phải chỉ đơn thuần là sự tương tác) đã và đang làm cho số người bỏ học giữa chừng tăng cao (2002). Tuy nhiên, số học viên ghi danh theo học ở các trường lớn nhất và ưu việt của Mỹ, phân viện đào tạo trực tuyến của Viện Đại Học Phoenix, cao gấp hai lần so với sĩ số ở các trường lớn bậc nhì, như Đại Học Miami-Dade ở Florida, và Arizona State University ở Tempe. Các chương trình hoàn bị dành cho bất cứ ai muốn lấy bằng đại học luôn có sẵn trên mạng, trong khi đó, các giáo sư cũng sử dụng Internet làm công cụ giảng dạy phụ trợ ngoài lớp học.

Ý tưởng về phương cách đào tạo này khởi nguồn từ Đại Học California ở Los Angeles (UCLA); sự đưa ra “Instructional Enhancement Initiative” (Sáng Kiến Nâng Cao Giảng Dạy) của trường vào năm 1997 đòi hỏi nhiều chương trình giảng dạy phải có Website. Đây là thời điểm lần đầu “công nghệ viễn thông vi tính phục vụ việc mở rộng giáo dục đại học” (Noble 2002). Những nỗ lực số hóa muôn vàn tài liệu trên thế giới đã được các trường đại học quan tâm hàng đầu và hỗ trợ; và thành quả đem lại là nguồn thông tin trên mạng tích hợp đầy đủ tri thức nhân loại vào một mạng trực tuyến dường như không còn thiếu gì. Mạng lưới thư viện và trường đại học đã và đang làm công nghệ thông tin trở thành nhân vật chủ yếu trong lớp học tới mức các giáo sư nhận thấy họ chỉ cần phác thảo hướng nghiên cứu, học tập trong chương trình giảng dạy của họ dựa theo sức thu hút của phương cách “tìm kiếm trên Google” để thu thập tài liệu cần thiết. Trong khi đó, bằng cấp đại học luôn được cấp từ rất nhiều nguồn; những nguồn này ngày càng gia tăng và là những trường đào tạo trong lớp hoặc trường đào tạo trực tuyến.

Sự quan tâm về “sự tự động hóa nền giáo dục đại học” có thể đã được thôi thúc bởi những cải tiến về công nghệ dùng cho các khóa học trực tuyến, và những cam kết của các nhà giáo dục cùng những nhà quản lý là tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao tại môi trường đại học. Người sớm đề ra chủ trương nên đưa quĩ tài trợ nhà nước vào môi trường đại học trong thời đại kỹ thuật số này là J. Bernard Machen, cựu chủ tịch Đại Học Utah. Trong diễn văn khai giảng năm 1998, ông phát biểu rằng chính tại môi trường đại học sinh viên có được sự trải nghiệm “rộng hơn, có ảnh hưởng sâu đậm hơn”, nơi phát xuất “những tranh luận, bàn thảo, và trao đổi ý tưởng một cách khoáng đạt … đây chính là điều thiết yếu để phát triển tâm trí” (Noble 2002). Điều chắc chắn là môi trường đại học Hoa Kỳ vẫn luôn thu hút sinh viên phấn đấu lấy bằng đại học, và nhìn tổng thể, con số sinh viên theo các khóa đào tạo trực tuyến để lấy bằng đại học không nhiều so với số sinh viên theo học thực thụ.

Ngày nay, các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ được khẳng định theo số lượng sinh viên và tính đa dạng của trường, và sự kiên định về cơ hội bình đẳng cho mọi sinh viên (bất kể sự thành công của trường như thế nào). Lý do giải thích điều này là hệ thống đại học Hoa Kỳ luôn chủ trương hướng đến hầu hết mọi người tới mức độ hiện nay “không cần phải trưng ra bằng chứng về năng lựcvà trình độ đào tạo” (Trow 1988). Đặc điểm về sự tiếp cận giáo dục đại học có cội rễ từ hồi còn là thuộc địa của Anh mặc dù mức độ hạn chế còn quá lớn trong những năm đầu của nền giáo dục đại học Mỹ. Tuy nhiên, sự khai phá sớm nền giáo dục đại học đã đặt nền tảng cho hệ thống giáo dục đại học vươn lên từ từ và rồi vượt trội so với hầu hết mọi hệ thống giáo dục đại học khác trên thế giới. Thực tế, khi Viện Giáo Dục Đại Học thuộc Đại Học Shanghai Jao Tong ấn hành Bảng xếp hạng hằng năm các trường Đại học trên thế giới thì có khoảng 60 trường đại học Mỹ được xếp vào 100 trường đại học hàng đầu thế giới.  
 

Người dịch: Anh Dũng

Nguồn: Random History

29/4/2008

http://www.randomhistory.com/1-50/039degree.html

 

 

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo